Khoa học quản lý (số 5-2015) 2015-10-30 14:20:09

Chế phẩm sinh học là sản phẩm chứa vi khuẩn sống nhằm mục đích cải thiện sức khỏe con người và vật nuôi. Trong nuôi thủy sản, sử dụng chế phẩm sinh học (còn gọi là men vi sinh) nhằm mục đích cải thiện môi trường (nước và nền đáy ao), sức khỏe vật nuôi, giúp phòng chống một số bệnh thường gặp ở các loài thủy sản, làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Để phát triển ngành nuôi thủy sản theo hướng an toàn, cần phải sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi. Đó cũng là phương thức chăn nuôi hiệu quả nhằm làm giảm chi phí sản xuất so với việc sử dụng hóa chất và kháng sinh.

Trong 2 năm 2012 - 2013, với sự hỗ trợ của cơ quan chuyển giao công nghệ Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học, Trung tâm Ứng dụng TBKH tỉnh Hải Dương (Trung tâm) đã chủ trì thực hiện dự án cấp Nhà nước “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm xử lý đáy ao nuôi thủy sản (BIOF) tại tỉnh Hải Dương”. Thông qua thực hiện dự án, Trung tâm được đầu tư về cơ sở vật chất hình thành Khu sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chế phẩm sinh học BIOF sản xuất tại Trung tâm được sử dụng để xử lý đáy ao nuôi thủy sản. Thành phần của chế phẩm sinh học BIOF bao gồm các nhóm vi sinh vật hữu ích như nhóm vi khuẩn yếm khí Bacillus, nhóm vi khuẩn yếm khí tuỳ nghi Lactobacillus, nhóm vi khuẩn hiếu khí Nitrobacter, Nitrosomonas, nấm men, … Các vi khuẩn có lợi cạnh tranh môi trường sống làm giảm số lượng vi khuẩn có hại, là các vi khuẩn gây bệnh hoặc các vi khuẩn tham gia quá trình phân giải chất hữu cơ tạo sản phẩm độc hại (NH3, NO2, H2S). Các vi khuẩn có lợi trực tiếp tham gia quá trình phân giải chất hữu cơ hoặc tiếp tục oxy hóa các sản phẩm độc hại do vi khuẩn có hại tạo ra thành các sản phẩm vô hại, giúp cải thiện chất lượng nước và nền đáy ao.
Chế phẩm sinh học BIOF đã được 196 hộ nông dân ở các xã, phường Hồng Thái, An Đức của huyện Ninh Giang, Đoàn Thượng, Đồng Quang của huyện Gia Lộc, Tứ Cường của huyện Thanh Miện, Thất Hùng của huyện Kinh Môn, Cổ Bì của huyện Bình Giang, Cẩm Hoàng của huyện Cẩm Giàng, Hiệp Cát của huyện Nam Sách, Tân Việt của huyện Thanh Hà, phường Chí Minh của thị xã Chí Linh và các Hợp tác xã thuộc Liên hiệp thủy sản chất lượng cao huyện Tứ Kỳ sử dụng để xử lý 100 ha đáy ao nuôi thủy sản trong 2 năm 2013 - 2014. Kết quả đánh giá sau khi dùng chế phẩm BIOF đã cải thiện các chỉ tiêu môi trường ao nuôi như duy trì hàm lượng oxy hoà tan trong nước đảm bảo từ 3 - 4 mg/l, giảm nồng độ các khí độc (H2S, CH4, NO2, ...), giảm mật độ vi sinh vật gây bệnh, giảm hàm lượng chất hữu cở ở lớp bùn đáy ao và kích thích sự phát triển của tảo khuê, tảo lục, hạn chế sự phát triển tảo có hại như tảo lam, tảo mắt; hạn chế phát sinh dịch bệnh, năng suất và chất lượng thuỷ sản tăng. Năm 2014 - 2015, chế phẩm BIOF được các hộ nuôi cá thuộc các địa phương sử dụng (xã Hồng Hưng, Đồng Quang, huyện Gia Lộc, xã Quang Khải, huyện Tứ Kỳ, xã Hồng Khê, huyện Bình Giang, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện). Hiện nay Trung tâm vẫn thường xuyên duy trì sản xuất chế phẩm BIOF để phục vụ nhu cầu  ngành chăn nuôi thủy sản của tỉnh ta.
Để giúp bà con nông dân nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh nắm vững các nội dung kỹ thuật áp dụng, Trung tâm xin phổ biến Quy trình sử dụng chế phẩm sinh học BIOF xử lý đáy ao nuôi thủy sản:
1. Qui trình xử lý đáy ao nuôi đã được bơm cạn nước
Lượng chế phẩm sinh học BIOF sử dụng: 4 kg/1.000m2 ao nuôi.
Sau khi phơi đáy ao và bón vôi khử trùng, tiến hành lọc nước vào ao đạt mức 25 - 30 cm, ngay sau đó rắc đều 4kg chế phẩm sinh học BIOF và giữ trong 1 - 2 ngày.
Tiếp tục nâng mức nước lên 1,2 - 1,5 m
Sau 1 - 2 ngày, kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi nếu đạt yêu cầu thì tiến hành thả cá giống.
2. Qui trình xử lý đáy khi ao nuôi có nước
Quy trình này áp dụng đối với những trường hợp ao nuôi không thể bơm cạn được hết nước hoặc ao nuôi đã lọc và lấy nước vào ao ở mức thấp từ 50 - 60 cm.
Lượng chế phẩm BIOF sử dụng 4 kg/1.000 m2 ao nuôi.
Tiến hành rắc đều 4 kg chế phẩm sinh học BIOF và giữ trong 1 - 2 ngày.
Tiếp tục lấy nước vào ao đạt mức 1,2 - 1,5 m
Sau 1 - 2 ngày, kiểm tra chất lượng nước trong ao đảm bảo yêu cầu thì tiến hành  thả cá giống.
Lưu ý: Để đảm bảo hiệu lực của chế phẩm BIOF đề nghị khi sử dụng phải tiến hành rắc chế phẩm vào buồi sáng hoặc buổi chiều mát.
Ngoài việc cung cấp chế phẩm sinh học BIOF có chất lượng đảm bảo theo tiêu chuẩn đã đăng ký, giá thành hợp lý so sánh với các sản phẩm cùng loại, Trung tâm sẽ có trách nhiệm tập huấn hướng dẫn Quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm cho các hộ nông dân và trong quá trình nuôi cá Trung tâm vẫn tiếp tục cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, tư vấn kỹ thuật (nếu địa phương và bà con nông dân có nhu cầu).
(Địa chỉ tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật: Trung tâm Ứng dụng TBKH tỉnh Hải Dương; số 207, đường Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - Tỉnh Hải Dương; số điện thoại: 0320.3893.149; di động: 0912.731.435).
KS. Vũ Văn Tân
(Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng TBKH tỉnh Hải Dương)
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5/2015

 

 
 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.