Khoa học và công nghệ (số 5-2015) 2015-10-30 14:17:50

      Gia Lộc là huyện nằm ở phía tây nam của tỉnh Hải Dương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, là một trong những trung tâm sản xuất rau của tỉnh và hiện nay đang có nhiều bước chuyển biến mạnh về nuôi thủy sản. Người dân trong huyện đã tích cực ứng dụng khoa học và công nghệ vào nuôi thủy sản đem lại nguồn lợi kinh tế cao.

Điển hình như hộ gia đình anh Lê Văn Việt, xã Hồng Hưng đã áp dụng khoa học và công nghệ nuôi cá theo phương pháp mới đem lại hiệu quả kinh tế cao đó là nuôi trên ao nổi mà không nuôi theo phương thức truyền thống.
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp đại học, chuyên ngành chế biến thủy sản của Đại học Thủy sản (Nha Trang), anh Lê Văn Việt (sinh năm 1982) đã trải qua nhiều công việc trong ngành nuôi thủy sản, anh đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm nuôi cá ở nhiều địa phương trong nước, trong đó mô hình làm trang trại nuôi cá với quy mô lớn trên ao nổi. Anh nhận thấy mô hình nuôi cá trên ao nổi đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân ở nhiều địa phương thoát nghèo nhưng tại Gia Lộc thì chưa có hộ nào nuôi cá theo phương thức mới này. Nghĩ là làm, năm 2009, anh Việt trở về quê và mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng mua lại 5.000 m2 diện tích ao cá của một số hộ nông dân trong xã để xây dựng khu nuôi cá trên ao bán nổi (nửa nổi, nửa chìm). Giống cá đầu tiên anh thả là cá rô phi đơn tính, bởi đây là giống cá có thời gian thu hoạch ngắn, khỏe mạnh và thích hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương. Với diện tích nuôi cá rô phi đơn tính, sau 5 tháng nuôi anh đã thu hoạch được 6,1 tấn với giá bán 23 nghìn đồng/kg anh thu về tổng giá trị hơn 100 triệu đồng. Sau khi anh Việt nuôi thành công thì một số hộ nuôi cá ở lân cận đã sang học hỏi kỹ thuật xây dựng ao, kinh nghiệm nuôi cá trên ao mới.
Theo kinh nghiệm của anh Việt, để nuôi cá thành công thì phải theo quy trình từ khâu chuẩn bị ao nuôi, nguồn giống cá tốt, thức ăn cho cá, thời điểm nuôi và thu hoạch. Bước chuẩn bị ao nuôi, anh chỉ cần đào sâu từ 30 - 50 cm, chủ yếu lấy lớp đất mầu đắp thành bờ cao từ 1,5 đến 2 m. Khối lượng đào đắp chỉ đủ đắp bờ so với ao kiểu cũ chỉ từ 30 - 50%. Tăng diện tích mặt nước lên trên 80% và ít phải nạo vét bùn. Ao nổi cá sẽ không bị sốc chua, bờ ao không bị đất chua nên có thể trồng cây ngay, thao tác khi thu hoạch cá chỉ cần tháo cống hầu như không cần phải sử dụng máy bơm và nạo vét nhanh hơn so với kiểu ao truyền thống.
 Ưu điểm nuôi cá trên ao nổi là giảm chi phí làm ao so với ao chìm khoảng 40%. Khi nuôi tiết kiệm được tiền điện và nhân công vận hành máy móc thu hoạch cũng như trong quá trình nuôi. Anh đã áp dụng nguyên lý bình thông nhau để điều tiết nước cho các ao và không lo nước tràn to dẫn tới tràn bờ. Mực nước trong ao cá thịt từ 1,8 đến 2 m và cá giống từ 1,3 đến 1,5 m. Nuôi cá trên ao nổi làm tăng ô xy trong ao, ô xy hòa tan trong nước lớn dẫn đến cá ít dịch bệnh và nhanh lớn. Khi thả cá khoảng 100 gram sau khi nuôi cá 6 tháng, cá đạt từ 1,4 - 1,5 kg. Lúc thu hoạch cá chỉ cần xả ống là nước tự chảy.
Tuy nhiên bên cạnh các ưu điểm thì ao nổi cũng có một số nhược điểm cần lưu ý đó là khó thiết kế, phải làm đồng bộ, chi phí gia cố bờ ao lớn… Đặc biệt là khi làm ao nổi thì phải làm trên khu đất mới, có độ phẳng cao.
Hai năm đầu nuôi cá đạt hiệu quả kinh tế cao, anh Việt tiếp tục mở rộng quy mô nuôi cá trên ao nổi. Tháng 10/2011, anh Việt cùng với 9 hộ nuôi cá cùng nhau thành lập Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Thủy sản Xuyên Việt với diện tích ao nuôi cá hiện nay là 7 ha, trong đó có 5 ha là ao nổi hoàn toàn với kinh phí đầu tư lên tới 4 tỷ đồng. Hợp tác xã có 15 ao gồm 3 ao cá thịt, 12 ao cá giống, các giống cá nuôi chủ yếu là cá rô phi chiếm từ 70 - 80%, còn lại là cá mè, cá trắm, cá chép… Theo anh Việt để có thành công đó thì việc quan trọng nhất là sát sườn, có nghĩa là cần phải ăn ở ngay tại nơi sản xuất thì mới theo dõi được mọi diễn biến của hồ cá để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra còn có các yếu tố nữa là con giống, khoa học và công nghệ, thức ăn nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.
Đánh giá về mô hình nuôi cá theo phương thức mới này, ông Phạm Văn Tình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Dương nhận xét: nuôi cá trên ao nổi chỉ áp dụng chủ yếu cho ao làm mới, thường là trên đất lúa hoặc đất trũng. Do khối lượng đào ao kiểu cũ lớn dẫn đến chi phí vận chuyển lớn và cần phải có chỗ chứa đất có thể dùng đất đào ao để làm gạch, đắp lên bờ…diện tích mặt ao chỉ chiếm từ 60 - 70% mặt nước ao. Mô hình ao nổi phù hợp với một số vùng đất chua, phèn, hoang hóa, thấp trũng… không thuận lợi cho kiểu nuôi cá truyền thống do có nồng độ PH thấp… Mô hình nuôi cá trên ao nổi tại gia đình anh Lê Văn Việt tại xã Hồng Hưng là một trong những mô hình nổi bật trong tỉnh về ứng dụng khoa học công nghệ, làm giàu từ nghề nuôi cá.
Thời gian tới, anh Việt cùng các xã viên của Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Thủy sản Xuyên Việt tiếp tục mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản, kết nối với các khu trang trại lớn để tạo vùng nguyên liệu xây dựng nhà máy chế biến thủy sản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Hải Ninh
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5/2015
 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.