Khoa học quản lý (số 5-2015) 2015-10-30 14:31:19

      Cơ sở đúc đồng Nguyễn Thượng Sách nằm ngay cạnh đường 391 tại thôn Đông Lâm, xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). Xưởng sản xuất không treo biển tên, không có gian hàng giới thiệu sản phẩm, thậm chí “không có nhiều người ở Hải Dương biết đến” - theo như lời ông, song lại là cơ sở đúc đồng duy nhất của Việt Nam sở hữu công nghệ đúc đồng hiện đại nhất đến thời điểm này. Các sản phẩm đúc đồng của cơ sở mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam đã được xuất khẩu ra nhiều thị trường trên thế giới.

Ông Nguyễn Thượng Sách sinh năm 1962 tại xã Văn Tố (Tứ Kỳ). Sau khi tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành Đúc của khoa Luyện kim, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông đã trải qua nhiều công việc từ kỹ sư tại Nhà máy Chế tạo bơm Hải Dương đến nghề chế tác vàng bạc, đá quý. Còn nghề đúc đồng được ông tìm đến bởi nỗi niềm trăn trở với việc bảo tồn, khơi dậy những nét đẹp của truyền thống của văn hóa Việt Nam. Ông tâm sự: “Tôi kinh doanh đá quý công việc có nguồn thu nhập ổn định mà không quá vất vả và có thời gian rảnh rỗi để đưa các con đi dạo hồ Hoàn Kiếm mỗi dịp cuối tuần. Những khi con cái đọc sách hay vui chơi, tôi thường dạo quanh các cửa hàng bán đồ lưu niệm cho khách du lịch và nhận thấy các sản phẩm đồng đúc khá đơn điệu, lại xuất xứ từ Trung Quốc là chủ yếu. Khiến tôi luôn trăn trở một điều, là tại sao giữa Thủ đô Hà Nội không có những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Ý nghĩ ấy cộng với kiến thức nền tảng về chuyên ngành Đúc khiến tôi quyết tâm chuyển giao lại toàn bộ cơ sở chế tác đá quý cho bà xã quản lý, cầm trong tay 300 triệu đồng để về quê mở xưởng đúc đồng này”.
Cơ sở đúc đồng của ông Nguyễn Thượng Sách áp dụng công nghệ đúc chính xác bằng phương pháp nấu chảy theo công nghệ khuôn tự cứng trong môi trường chân không. Đây là một chuỗi công nghệ do ông tự tìm hiểu, nghiên cứu và chế tạo, được hoàn thiện trong thời gian 7 tháng để đưa vào hoạt động. Tổng vốn đầu tư cho dây chuyền này lên đến gần chục tỷ đồng. Công nghệ này sử dụng khuôn đúc làm bằng chất liệu mềm silicone, có độ bền kéo tốt, độ bền xé cao, chịu nhiệt độ cao, sử dụng được nhiều lần, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu đúc những sản phẩm nhỏ, đòi hỏi độ chính xác cao. Nguyên liệu đúc được đưa vào lò nấy chảy theo nguyên lý hòa tan, hoàn toàn không dùng hóa chất. Quá trình nấu luyện kim loại trong hệ thống hoàn toàn khép kín. Công nghệ đúc chân không có nhiều ưu điểm: chất lượng sản phẩm tốt, độ chính xác cao,khả năng sao chép của sản phẩm có thể cho độ chính xác đạt 99%, giảm chi phí tiêu hao nguyên liệu khi làm khuôn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các công đoạn khác của quá trình sản xuất cũng được áp dụng tối đa các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường như: toàn bộ rác thải sản xuất được tái chế thành chất phối trộn để sản xuất gạch không nung; nước thải sinh hoạt được xử lý để quay vòng tái sử dụng. Đặc biệt, năm 2014, được sự hỗ trợ với số tiền 195 triệu đồng của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hải Dương, cơ sở đúc đồng của ông đã đầu tư lắp đặt lò nấu đồng sử dụng 100% điện năng. Trước đó, lò nấu đồng theo công nghệ cũ, sử dụng than làm chất đốt. Trong quá trình nấu, nhiệt lượng, khí thải tỏa ra ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường. Sau khi đầu tư công nghệ mới, lò nấu đồng đã khắc phục những nhược điểm trên. Các công việc, điều chỉnh nhiệt độ, chất phụ gia trong quá trình đốt dễ dàng và thuận lợi. Đây là sự cải tiến lớn trong công nghệ sản xuất của ông Sách, hướng đến một nền sản xuất “xanh” góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Các sản phẩm đồng đúc của cơ sở là những sản phẩm chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa Việt như tượng Bác Hồ, Kim tượng Đức Thánh Trần, Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Đầu rồng thời Lý, Lư hương, Trống đồng và các danh nhân Việt Nam như Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Một số sản phẩm do cơ sở sản xuất đã được tôn vinh như Bộ trống đồng Việt Nam được Ban chấp hành Hiệp hội trung ương làng nghề Việt Nam vinh danh là Sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa làng nghề Việt Nam 2013; sản phẩm trống đồng f12 được tỉnh Hải Dương trao chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2012, 2014 vàtham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia vào tháng 10/2015.
Theo ông Sách, nghề đúc đồng được xếp vào ngành công nghiệp nặng, vì thế đòi hỏi nguồn vốn đầu tư, cải tiến thiết bị máy móc rất lớn. Để mở rộng quy mô, cơ sở sản xuất cần một quá trình đầu tư, cải tiến kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất “Quá trình đến với nghề đúc đồng, tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn của bạn bè trong giới chuyên môn về ý tưởng, về thẩm mỹ. Gần đây, cơ sở cũng đã nhận được sự quan tâm của tỉnh, của huyện, nhất là sự hỗ trợ vốn của khuyến công thời gian qua, có giá trị động viên, khuyến khích rất lớn đối với cơ sở” - ông Sách nói .
Ông đến với nghề đúc đồng trước hết là vì niềm đam mê với những sản phẩm mang đậm giá trị truyền thống văn hóa Việt mà không đặt nặng mục đích kinh doanh. Các sản phẩm do cơ sở sản xuất cũng là những thứ ông làm vì thích thú, vì đam mê nên có sự chọn lọc; ông chỉ nhận đặt hàng những sản phẩm mang giá trị văn hóa Việt Nam, mà sẵn sàng từ chối những đơn hàng không đúng thể loại trên. Khi được hỏi về doanh thu của cơ sở, ông cười: “Sản phẩm của chú làm ra đến đâu bán hết ngay đến đấy, chú không có con số thống kê đâu, chỉ lo đến ngày trả lương có đủ tiền trả công cho lao động. 60 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng mỗi tháng. Chỉ biết rằng, cơ sở này đi lên từ 300 triệu vốn ban đầu, rồi quay vòng nguồn vốn để có tiền đầu tư máy móc, thiết bị cho nó thôi”.
Với những đóng góp to lớn của ông đối với nghề đúc đồng, Ban chấp hành Hiệp hội trung ương làng nghề Việt Nam phong tặng ông danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Trong thời gian tới, cơ sở của ông sẽ mở rộng mẫu mã sản phẩm, đúc các vật làm đồ thờ của Việt Nam trước đây. Và mong muốn của ông bây giờ, là sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc tiếp nhận công nghệ đúc chân không, để chuyển giao cho nông dân một làng nghề, một vùng nghề. “Công nghệ này thực sự ưu việt đối với ngành đúc đồng Việt Nam. Nếu chuyển giao cho doanh nghiệp, nó sẽ trở thành sở hữu cá nhân. Tôi mong muốn nó được nhân rộng, tạo thành một làng nghề, một vùng nghề của Hải Dương - nơi chôn nhau cắt rốn của mình”.
Nguyễn Thị Ánh
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5/2015

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.