Khoa học quản lý (số 2-2016) 2016-05-06 10:32:44

Trong môi trường kinh tế thị trường hiện nay, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là cách bảo hộ quyền lợi thiết thực trong kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là tình trạng phổ biến của các quốc gia trên thế giới kể cả các nước phát triển như Mỹ, Đức, Pháp… Một trong những điểm yếu là nhận thức về sở hữu trí tuệ của ngay cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế.

Tại Hải Dương, tình trạng vi phạm ngày trở nên tinh vi đã gây nhiều thiệt hại cho người sản xuất như trường hợp ''mất'' nhãn hiệu của rượu Phú Lộc của các hộ sản xuất tại thôn Phú lộc, Cẩm Giàng - nơi sản xuất rượu theo phương pháp cổ truyền nổi tiếng từ hàng trăm năm ở Hải Dương, nhãn hiệu Phú Lộc bị một doanh nghiệp tại Hà nội ''nhanh tay'' và lợi dụng sự hiểu biết hạn chế của người dân đã  đăng ký bảo hộ độc quyền quyền sở hữu công nghiệp, làm cho hàng trăm hộ dân sản xuất rượu ở đây nớp nớp lo bị kiện vì vi phạm quyền SHTT, mặc dù hàng trăm năm nay rượu của họ vẫn mang tên Phú Lộc; Gần đây nhãn hiệu MERRI của sản phẩm nước tinh khiết, nhãn hiệu Hòa An sản phẩm bánh đậu xanh ...cũng như vậy thương hiệu đã bao công bồi đắp, có uy tín với với người tiêu dùng thì lại "quên" đăng ký bảo hộ, đến khi hiểu được giá trị của ''Quyền sở hữu" thì cũng đã muộn, có đơn vị phải mua lại tên của mình với giá không rẻ.
Cần phải nhìn nhận một thực tế là, quyền sở hữu trí tuệ ở Hải Dương bị xâm phạm ngày càng phức tạp, hàng giả, hàng nhái, hàng sao chép, hàng lậu…đang được bày bán công khai ở mọi nơi. Một trong những nguyên nhân của hiện tượng này do giá bán hàng giả chỉ bằng 1/10  đến một nửa giá của hàng thật nên người tiêu dùng biết là hàng giả nhưng vẫn dùng vì “giá rẻ”. Cũng không ít người bán lẻ nối tay cho bọn gian lận để lừa dối người tiêu dùng. Có hiện tượng, ở tận vùng sâu vùng xa cũng đã sản xuất hàng giả nước mắm thương hiệu Nam ngư, Cát hải, nước giải khát của những hãng có thương hiệu uy tín. Việc vi phạm kiểu dáng, sáng chế đối với sản phẩm hộp bánh đậu xanh, bột đậu ăn liền của hãng bánh đậu xanh Gia Bảo cũng là những trường hợp điển hình, đã cảnh báo việc lách luật rất tinh vi của những chủ doanh nghiệp muốn kiếm lời bất chính trên tài sản trí tuệ của người khác. Nguy cơ này sẽ ngày càng tăng khi mà chúng ta hội nhập rộng rãi hơn.
Hải Dương là một trong những tỉnh rất quan tâm đến hoạt động sở hữu trí tuệ, từ năm 2003 UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh ghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp”. Sau 13 năm thực hiện Hải Dương đã được xếp trong tốp 10 tỉnh có số đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp cao nhất nước kết quả như sau:
- Số đơn đăng ký đến 31/12/2003 (trước khi có đề án) về nhãn hiệu: l44 đơn, kiểu dáng 26 đơn, sáng chế và giải pháp hữu ích 4 đơn
- Số đơn đăng ký từ 1/1/2004 đến 31/12/2010 (sau khi thực hiện đề án giai đoạn 1) về nhãn hiệu 886 đơn, kiểu dáng 98 đơn, sáng chế và giải pháp hữu ích 15 đơn
- Số đơn đăng ký từ 1/1/2005 đến 31/12/2015 (sau khi thực hiện đề án giai đoạn 2) về nhãn hiệu 1329 đơn, kiểu dáng 58 đơn, sáng chế và giải pháp hữu ích 17 đơn
Gần 1000 doanh nghiệp được hỗ trợ trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, quảng bá thương hiệu nâng cao sức cạnh tranh đã có rất nhiều doanh nghiệp đã khai thác và bảo vệ thương hiệu có hiệu quả như xi măng Thành Công, giống cây trồng Hải Dương, động cơ điện Toàn Phát, máy xay sát Hùng Vang, bánh đậu xanh Gia Bảo, Sơn EXPOSY, thạch rau câu Long Hải.....
Ngoài kết quả nói trên, phải kể đến đó là việc Đề án đã tập trung xây dựng thương hiệu cho nhóm sản phẩm nông sản đặc sản như: chỉ dẫn địa lý vải thiều ''Thanh Hà'', nhãn hiệu tập thể: gạo nếp cái hoa vàng  ”Kinh Môn”, cà rốt ''Đức Chính², Củ đậu ''Kim Thành'', gà đồi ''Chí Linh'', bánh Gai ''Ninh Giang'', bưởi ''Thanh Hà'',ổi ''Thanh Hà'', rươi “Tứ Kỳ”, sắn dây “Kinh Môn”....đã góp phần nâng cao giá trị hàng hóa cho sản phẩm nông sản của tỉnh nhà.
Có được những kết quả đó cũng là nhờ việc đầu tư cho công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cũng như các cơ chế chính sách hỗ trợ, Đề án đã tổ chức được 32 lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ cho gần 3400 lượt người tham gia; Tổ chức các chương trình mang tính sự kiện nhằm thu hút sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp như “Hội thi thắp sáng thương hiệu tỉnh Đông” năm 2006, 2007, 2008, Chương trình “Bình chọn thương hiệu mạnh tỉnh Hải Dương” năm 2009, 2010, 2011. Nổi bật và hiệu quả là Chương trình “Sở hữu trí tuệ và cuộc sống” với 126 chương trình được xây dựng, pháttrênsóng truyền hình tỉnh đã phổ biến kiến thức SHTT trên địa bàn tỉnh phù hợp với mong muốn của công chúng, đặc biệt là của đội ngũ doanh nghiệp và các nhà quản lý.
Tuy vậy, cũng phải khẳng định rằng, hoạt động xây dựng, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm thực hiện. So với gần 5.000 doanh nghiệp và hàng vạn cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động  trên địa bàn tỉnh thì số lượng đơn và văn bằng nói trên vẫn còn khiêm tốn. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp buộc phải tham gia môi trường cạnh tranh quốc tế với cường độ cao, với những yêu cầu chặt chẽ về thực thi các quy định về sở hữu công nghiệp. Đây cũng là một trong những vấn đề mà các đối tác quốc tế quan tâm trong tiến trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới của nước ta. Đặc biệt khi gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương-TPP thì sở hữu trí tuệ là vấn đề được đánh giá là "điều kiện đủ" để các nhà đầu tư rót vốn vào Việt Nam, do vậy bên cạnh việc các chủ doanh nghiệp phải chủ động đầu tư cho hoạt động sở hữu trí tuệ; nâng cao năng lực làm chủ công nghệ; Xây dựng mối quan hệ có tính chất cân bằng cùng có lợi giữa chủ sở hữu và người tiêu dùng thìcác cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ; Sắp xếp và tăng cường năng lực của các cơ quan thực thi, khắc phục sự chồng chéo; Tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ và có chính sách khuyến khích, động viên các đối tượng trong xã hội, nhất là thu hút các doanh nghiệp -chủ thể quyền sở hữu công nghiệp tham gia tích cực hơn vào bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Trần Thị Thuận
Giám đốc Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học
          

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.