Khoa học quản lý (số 2-2016) 2016-05-06 16:31:58

  Khởi đầu công việc nuôi chim cảnh với số vốn 16 triệu đồng, đến nay anh Nguyễn Đình Quỳnh ở xã Long Xuyên, huyện Kinh Môn (Hải Dương) không ngừng mở rộng đối tượng nuôi cũng như quy mô trang trại, mang lại nguồn thu nhập mỗi năm không dưới 400 triệu đồng.

Chúng tôi biết đến anh Nguyễn Đình Quỳnh từ những ngày cuối năm 2011, lúc đó loại vật nuôi chủ lực của anh là chim trĩ và chim công. Anh Quỳnh cho biết, anh khởi nghiệp nuôi chim công, chim trĩ làm cảnh với số vỏn vẹn  16 triệu đồng, đủ mua 4 cặp chim trĩ đỏ khoang cổ trắng từ năm 2009. Mục đích ban đầu là nuôi chim làm cảnh. Sau một thời gian, thấy nuôi chim Trĩ đỏ khá đơn giản, không tốn thức ăn, chim có khả năng sinh sản cao nên anh bắt tay vào nuôi chim Trĩ đỏ phục vụ mục đích kinh doanh. Anh Quỳnh cho biết: "Xuất phát từ việc nuôi chim Trĩ làm cảnh, sau thấy con chim Trĩ sinh sản tốt nên mình chuyển sang làm kinh tế. Loài này dễ nuôi vì thức ăn đơn giản như nuôi gà, chỉ có thóc, ngô, rau. Vì là động vật hoang dã đưa về thuần dưỡng nên chim Trĩ có sức đề kháng cao hơn so với các loại gia cầm như gà, vịt, ngan". Khởi đầu công việc với 4 cặp chim Trĩ được mua với giá 2,5 triệu đồng/cặp, đến năm 2010 - 2011, trang trại của anh có hơn 300 con chim trĩ bố mẹ. Đến đầu năm 2011, anh xuất bán chim trĩ giống. Mỗi năm, đàn chim Trĩ bố, mẹ sản sinh được hơn 1.000 con chim Trĩ giống để cung cấp cho thị trường. Giá bán của chim Trĩ giống được 1 tuần tuổi là 50.000 đồng/con, còn chim Trĩ hậu bị có giá 450.000 - 500.000 đồng/con. Thu nhập từ chim Trĩ khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.
Lúc này có vốn, anh bắt đầu nghĩ tới việc đầu tư nuôi chim công. Chim Công được coi là loài vật cao quý, được xếp vào loài quý hiếm và có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Những năm gần đây, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu nuôi chim Công làm cảnh trong các các hộ gia đình, các nhà vườn, các biệt thự, các khu du lịch sinh thái ngày càng tăng cao. Với niềm đam mê sưu tầm các loại chim cảnh và nắm bắt được nhu cầu đó, anh Nguyễn Đình Quỳnh đã tích cực tìm hiểu thông tin, tìm kiếm nguồn giống chim công tại các tỉnh phía Bắc. Năm 2012, được biết vườn Quốc gia Cúc Phương bán chim công giống Ấn Độ, anh lặn lội chạy xe máy đến tận vườn, mua về  4 đôi chim công trưởng thành với số tiền 60 triệu đồng để đưa về nuôi, nhân giống. Theo anh Quỳnh,muốn nuôi được Chim Công, người nuôi cần tạo môi trường gần giống môi trường tự nhiên. Trang trại nuôi chim cảnh của anh có diện tích 700 m2, chia làm nhiều ô với các kích cỡ khác nhau; các ô đều được quây lưới kín cả xung quanh. Thức ăn của chim Công hoàn toàn tự nhiên, gồm có: lạc, ngô, thóc, tôm tươi, dế mèn sống, chuối chín, ngay cả việc dùng thuốc tăng sức đề kháng cho chim Công cũng được thay bằng tỏi cho hoàn toàn tự nhiên. Để tăng hiệu quả trong việc nhân giống chim cảnh, anh còn đầu tư mua 2 máy ấp trứng để sản xuất con giống (1 máy công suất 300 trứng và 1 máy 500 trứng).
Trang trại của anh Quỳnh cung cấp giống Chim Non, Chim trưởng thành cho thị trường khắp các tỉnh trong cả nước, tập trung ở các tỉnh, thành như Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An… Chim Công 2 tháng có giá 2,7 triệu đồng/đôi; chim Công 6 tháng có giá 5 triệu đồng/đôi; chim Công 3 năm đang sinh sản có giá 18 triệu đồng/đôi; chim Công 5 năm có giá 27 triệu đồng/đôi. Khi bán con giống, anh Quỳnh luôn tận tình hướng dẫn kỹ thuật, thậm chí đến tận nơi để tư vấn cách làm chuồng trại và cách chăm sóc chim Công. Năm 2013 - 2014, trang trại có 150 con chim Công bố mẹ, mỗi năm, mô hình nuôi chim cảnh, chim Công mang lại nguồn thu nhập trên 400 triệu đồng. Năm 2014, anh đưa vào nuôi giống chim Trĩ đổi màu, năm 2015, trang trại có thêm giống mới là gà đen Indo; đồng thời, anh bỏ giống chim Trĩ để tập trung vào các loại chim Công, chim cảnh khác.
Để có được mô hình nhân giống chim cảnh có hiệu quả kinh tế cao, anh Quỳnh đã trải qua những thất bại không hề nhỏ. Trong đó thiệt hại lớn nhất là thời điểm cả đàn chim cảnh mắc dịch bệnh Newcastle, 24 con chim Công lần lượt ra đi, thiệt hại lên tới 400 triệu đồng. Song, thất bại không làm anh nản lòng chùn bước, mà niềm đam mê với các loại chim cảnh đã tiếp sức cho anh phát triển hơn. Hiện nay, anh đang xây dựng trang trại mới với diện tích hơn 2.000 m2 tại xã Long Xuyên, huyện Kinh Môn. Trong thời gian tới, anh sẽ tập trung phát triển một số giống gia cầm khác như: Gà chín cựa, gà Hồ, gà Đông Tảo, gà Indo, trong đó giống gà Indo là chủ lực để phục vụ thị trường làm quà biếu và nuôi phong thủy. Với thành công từ trang trại nuôi chim cảnh, năm 2014 anh Nguyễn Đình Quỳnh đã vinh dự được trao tặng giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và giải thưởng Sao Thần Nôngdo Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo trợ; Đài Truyền hình Việt Nam và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) phối hợp thực hiện.
Trong khi nhu cầu mua con giống, con chim cảnh trưởng thành ngày càng lớn, mà nguồn cung chủ yếu hiện nay vẫn là nguồn cung bất hợp pháp (do săn bắt, nhập lậu…), việc thành lập trang trại nuôi sinh sản chim cảnh là rất cần thiết. Nó không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen các loài chim quý hiếm. Hiện nay, trang trại của anh Quỳnh đã được Chi cục Kiểm lâm Hải Dương cấp giấy phép số 389 KL-CN, và phát triển với mong muốn của một người trẻ tâm huyết với nghiệp nuôi chim cảnh là phát triển được mô hình bảo tồn những loài động vật hoang dã đến nhiều địa phương hơn nữa.
Nguyễn Thị Ánh
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4/2016

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.