Khoa học và công nghệ (số 2-2016) 2016-05-17 23:58:36

  Xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương có 3 thôn gồm Lập Lễ, Nhan Bầu và Tiên Kiều với hơn 7.700 nhân khẩu,  2.316 hộ. Hiện nay xã có hơn 100 ha cây bưởi đào, Trong đó có khoảng 70 ha ở thôn Lập Lễ, còn lại ở hai thôn Nhan Bầu và Tiên Kiều. Từ nhiều năm nay, bưởi đào Thanh Hồng đã trở thành cây thế mạnh và là một loại sản phẩm hàng hóa đặc sản của vùng. Ở xã Thanh Hồng có trên 50 cây bưởi có tuổi đời trên 50 năm cho năng suất cao, mỗi cây cho trên 1.000 quả/cây/một năm, giá trị trên 20 triệu đồng/năm/cây. Hằng năm cây bưởi đào của xã Thanh Hồng đã mang lại thu nhập gần 4 tỷ đồng và trở thành một loại cây chủ lực, một sản phẩm hàng hóa cho người dân nơi đây.

Tuy nhiên do cách chăm sóc và định hướng phát trển cây ăn quả của vùng những năm trước đây mà giống cây bưởi đào hiện có ở xã Thanh Hồng bị thoái hóa, đầu ra khó khăn và thương hiệu bưởi đào Thanh Hồng chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Chính vì vậy, trong hai năm 2014 - 2015, Tiến sỹ Nguyễn Mai Thơm, Bộ môn Canh tác học, Khoa Nông học của Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cùng các cộng sự đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu phục tráng và phát triển cây bưởi đào tại xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương” nhằm phục tráng giống bưởi đào Thanh Hồng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, cải tạo một số vườn bưởi đào có năng suất thấp, những vườn trồng bưởi có năng suất và chất lượng đặc trưng của giống để phát triển thành vùng hàng hóa cây bưởi đào Thanh Hồng, huyện Thanh Hà. Qua hai năm nghiên cứu và thực hiện, đến nay, tiến sỹ Nguyễn Mai Thơm cùng các cộng sự đã bình tuyển được 10 cây đầu dòng của 8 hộ trên địa bàn xã Thanh Hồng để tiến hành phục tráng, gắn biển chứng nhận cho 10 cây có chất lượng cao nhất lấy mầm để cung cấp mắt ghép nhân giống, tiến hành ghép cải tạo nhân giống Bưởi đào Thanh Hồng chất lượng cao cho các xã trong huyện và các vùng lân cận có cùng điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, tiến sỹ Thơm cũng đang nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, cải tạo một số vườn bưởi đào có năng suất  thấp đang trồng ở địa phương thành những vườn trồng bưởi có năng suất và chất lượng đặc trưng của giống nhằm phát triển thành vùng cây bưởi đào hàng hóa. Hiện tại đã ghép cải tạo, nhận rộng được 150 cây bưởi đào Thanh Hồng có chất lượng cao.
Theo tiến sỹ Nguyễn Mai Thơm thì nhóm cán bộ triển khai đề tài đã tiến hành ghép cải tạo nhân giống bưởi đào Thanh Hồng chất lượng cao tại địa bàn triển khai trên cơ sở cắt mắt ghép cây đầu dòng đã được bình tuyển. Áp dụng phương pháp ghép cải tạo đã nghiên cứu (đó là phương pháp ghép đoạn cành theo kiểu nên chéo) để cải tạo cây bưởi có năng suất và hiệu quả không cao của địa phương với yêu cầu gốc cây bưởi dưới 10 năm tuổi. Các cây được ghép cải tạo có độ tuổi dưới 10 năm tuổi với số lượng 150 cây được ghép cải tạo với  25 cành mắt/cây. Nhóm đề tài đã lựa chọn được 4 hộ dân và 150 cây đủ tiêu chuẩn để ghép cải tạo gồm: gia đình ông Ngô Bá Khiên 30 cây, gia đình ông Nguyễn Văn Viễn 30 cây, gia đình ông Phạm Văn Mạnh 60 cây, gia đình ông Ngô Bá Duân 30 cây. Ngoài ra, Ban chủ nhiệm đề tài đã hoàn thành vượt quy mô so với đăng ký, ngoài 150 cây của các hộ trong mô hình ghép còn tiến hành ghép ở một số hộ có nhu cầu cải tạo. Thời gian ghép cải tạo trong tháng 7/2015 chia làm 2 đợt ghép như sau: Đợt 1 vào ngày 10/7/2015 đã tiến hành ghép cải tạo 60 cây của gia đình ông Phạm Văn Mạnh và 20 cây của gia đình ông Ngô Bá Duân. Sau 10 ngày thì thấy một số mắt đã bắt đầu bật mầm, 100% số mắt xanh có khả năng sống cao. Đợt 2 vào ngày 25/7/2015 đã tiến hành ghép cải tạo 10 cây của gia đình ông Ngô Bá Duân, 30 cây của gia đình ông Ngô Bá Khiên và 30 cây của gia đình ông Nguyễn Văn Viễn. Nhóm cán bộ thực hiện đã tiến hành theo dõi kết quả thu được trên 90% cành ghép bật mầm, chiều dài cành dài nhất đạt trên 35cm, có cành đã phân cành cấp 2. Đánh giá vào thời điểm này mô hình đang sinh trưởng phát triển tốt.
Cũng theo tiến sỹ Nguyễn Mai Thơm, Bộ môn Canh tác học, Khoa Nông học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều năm nghiên cứu cũng như phục tráng, lựa chọn những cây bưởi đào ưu tú (cây đầu dòng) cho xã Thanh Hồng cho biết thêm: Cây bưởi Thanh Hồng nói riêng và cây bưởi nói chung là rất dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, cho năng suất cao, kháng được một số sâu bệnh hại, giá trị kinh tế cao, thời gian khai thác kéo dài. Cây bưởi đào Thanh Hồng ít xuất hiện sâu bệnh hại. Mối gây hại nguy hiểm nhất của các giống bưởi đào Thanh Hồng hiện nay là bệnh chảy gôm. Tuy nhiên, đối với giống bưởi đào của Thanh Hồng, người dân rất ít sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh. Bưởi đào Thanh Hồng là một sản phẩm sạch trên thị trường tiêu thụ.
Bưởi đào Thanh Hồng là một trong những đặc sản đã được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ để xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể thuộc nội dung của Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015” thực hiện năm 2015 với 4 nội dung gồm lập hồ sơ nộp đơn xin xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu tập thể; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản phục vụ công tác quản lý nhãn hiệu tập thể; tuyên truyền trên phương tiện truyền thông, tập huấn về nhãn hiệu tập thể, hệ thống văn bản quản lý nhãn hiệu tập thể; xúc tiến thương mại thông qua quảng bá tại các triển lãm, hội chợ. Đến nay, bưởi đào Thanh Hồng đã có  nhãn hiệu nhận diện thương hiệu là phần biểu tượng (Logo) gồm tổ hợp hình quả bưởi đào,hình quả bưởi đào bóc một nửa vỏ để lộ phần múi màu hồng đào, phần lá, hoa bưởi đặt nền phía dưới, phần chữ “Bưởi Thanh Hồng - Thanh Hà" màu xanh tất cả tổ hợp hình và chữ được đặttrong hình tròn; Hội Nông dân huyện Thanh Hà là đơn vị duy nhất được UBND tỉnh giao cho quản lý và đứng tên chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể “Bưởi Thanh Hồng - Thanh Hà”. Hội đã ban hành và phổ biến tới các hội viên có hoạt động sản xuất kinh doanh bưởi đào mang nhãn hiệu tập thể “Bưởi Thanh Hồng - Thanh Hà” hệ thống văn bản quản lý nhãn hiệu tập thể “Bưởi Thanh Hồng - Thanh Hà” gồm Quy chế Quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể; Quy trình Cấp và thu hồi nhãn hiệu tập thể; Quy trình sản xuất bưởi mang nhãn hiệu tập thể “Bưởi Thanh Hồng - Thanh Hà”. Đây là bộ công cụ pháp lý để giúp Hội thực hiện công tác tác quản lý sản phẩm bưởi đào mang nhãn hiệu tập thể “Bưởi Thanh Hồng - Thanh Hà”
Mô hình ghép đã nhận được sự ủng hộ của người dân cũng như chính quyền địa phương và đặc biệt là của các hộ dân do đó đề tài đã hoàn thành các mục tiêu đăng ký theo thuyết mình đề tài. Tuy nhiên bên cạnh những mặt thuận lợi vẫn còn một số khó khăn như thủ tục công nhận cây đầu dòng có chậm so với chế độ so với tiến độ thuyết minh do vậy việc triển khai xây dựng mô hình ghép có chậm hơn tuy nhiên nội dung xây dựng mô hình ghép cải tạo không bị ảnh hưởng lớn đến kết quả của đề tài.
Phạm Ninh Hải
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4/2016
 
 

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.