Khoa học và công nghệ (số 6-2016) -0001-11-30 07:06:30

Trong sản xuất nông nghiệp công tác bảo vệ thực vật có một vị trí rất quan trọng đòi hỏi người dân phải có những hiểu biết nhất định trong quá trình phòng trừ dịch hại; khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cần phải thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng. Tuy nhiên người dân do hạn chế về mặt chuyên môn, thường làm theo thói quen hoặc tranh thủ phun trừ lúc nhàn rỗi không đúng thời điểm hoặc cộng nhiều loại thuốc không đảm bảo về liều lượng, nồng độ... gây nên hiện tượng kháng thuốc ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Năm 2015, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương) đã xây dựng mô hình “Tổ dịch vụ Bảo vệ thực vật cơ sở” tại thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang. Tổ dịch vụ BVTV cơ sở gồm 5 người do cá nhân chủ động tập hợp anh em và xây dựng tiêu chí thành lập tổ,  trang bị 1 máy tự chế phun thuốc BVTV dụng tích 500 lít/lần phun, bình bơm điện cùng các dụng cụ bảo hộ lao động khác như: Quần áo, khẩu trang phòng độc, ủng, găng tay...Chi cục đã mở 5 lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về các đối tượng dịch hại, về phát hiện, phòng trừ và những hiểu biết cơ bản về thuốc BVTV. Tổ dịch vụ BVTV cơ sở thường xuyên thăm đồng, điều tra tình hình dịch hại trên toàn bộ diện tích tổ đã ký hợp đồng là 50 ha, thứ bảy hàng tuần tổ dịch vụ bám sát đồng ruộng điều tra, bổ sung để phát hiện sâu, bệnh dịch hại. Từ đó làm cơ sở cho công tác dự báo, dự tính và đưa ra hướng xử lý trong tuần tới phù hợp và kịp thời, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tổ dịch vụ BVTV cơ sở hoạt động với 2 hình thức: hợp đồng nhận khoán toàn phần, hợp đồng nhận khoán từng phần (hay còn gọi là dịch vụ phun thuê).

Hợp đồng nhận khoán toàn phần: Tổ dịch vụ BVTV có trách nhiệm thăm đồng, tư vấn thuốc, mua đủ lượng thuốc, loại thuốc theo diện tích và tiến hành phun thuốc cho nông dân và tiền công phun là 20 nghìn đồng/sào/lần phun. Thực hiện điều tra dự tính, dự báo và kết hợp với các cơ quan chuyên môn để xác định đối tượng dịch hại gây hại, xác định loại thuốc và thời gian phun trong mỗi lần phun thuốc phòng trừ dịch hại. Chịu trách nhiệm về công phun và mua thuốc phun trừ dịch hại đảm bảo việc phòng trừ dịch hại ở dưới ngưỡng cho phép. Tiền công phun và tiền thuốc do thỏa thuận giữa tổ dịch vụ và hộ dân có thể trả tiền ngay hoặc thanh toán vào cuối vụ, đã có 70% số hộ tham gia hình thức này.

Hợp đồng nhận khoán từng phần (hay còn gọi là dịch vụ phun thuê): Tổ dịch vụ BVTV thực hiện phun thuê với giá 20 nghìn đồng/sào/lần phun và  nhận tiền công phun thuốc tính theo đơn vị sào, thời gian là theo ý người dân. Tổ dịch vụ không chịu trách nhiệm về hiệu quả, thời gian ... mà chỉ chịu trách nhiệm về kỹ thuật phun. Thuốc BVTV do người dân tự mua có 30% số hộ tham gia hình thức này.

Vụ xuân năm 2016, diễn biến thời tiết đã ảnh hưởng đến tình hình dịch hại với bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện với mật độ trung bình từ 3.000 - 5.000 con/m2, chủ yếu là rầy lưng trắng. Tổ dịch vụ BVTV  cơ sở đã tổ chức phun trừ rầy kết hợp với khô vằn. Số lần sử dụng thuốc trong nhận khoán toàn phần là 3 lần và nhận khoán từng phần là 4 lần. Các loại thuốc sử dụng trong nhận khoán từng phần là 5 loại thuốc, số lượng 5 lần, nhận khoán từng phần là 9 loại thuốc gồm FM-Tox 25 EC&Antulvil 5SC sử dụng 2 lần nên tổng số sử dụng là 11 lần đã giảm chi mua thuốc BVTV 49.000 đồng/sào. Tổ dịch vụ BVTV cơ sở đã quản lý tốt các đối tượng dịch hại, quyết định được số lần và loại thuốc sử dụng, đã giảm so với hình thức khoán từng phần được 1 lần và 4 loại thuốc BVTV góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế và giảm phát thải thuốc BVTV, hạn chế ô nhiễm môi trường. Năng suất trong mô hình cao hơn ngoài mô hình là 4,7 kg/sào/vụ.

Theo anh Cao Văn Lâm - Tổ trưởng Tổ dịch vụ BVTV cơ sở cho biết thì Tổ của anh có từ 4-5 người, việc tổ dịch vụ đi vào hoạt động đã hạn chế được số người sử dụng thuốc BVTV do thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu bảo hộ nay chuyển sang một số người chuyên có hiểu biết, có công tác bảo hộ an toàn, do đó số người tiếp súc giảm, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng. Việc sử dụng thuốc cũng đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng, giảm lượng thuốc sử dụng trong phòng trừ dịch hại và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Vụ mùa năm 2016, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, sâu đực thân lúa bướm 2 chấm, rầy nâu, rầy lưng trắng và các loại sâu bệnh khác đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa trong mô hình. Tuy nhiên mức độ sử dụng thuốc và số lần phun thuốc trong mô hình giữa các hình thức nhận khoán toàn phần và nhận khoán từng phần là khác nhau. Hình thức nhận khoán toàn phần trong vụ mùa đã phải tiến hành phun thuốc BVTV là 3 lần, 5 loại thuốc, hình thức nhận khoán từng phần là 4 lần, 9 loại thuốc, nhiều hơn 1 lần phun thuốc BVTV và nhiều hơn 4 loại thuốc BVTV để trừ sâu bệnh khác và kết hợp với nhiều thuốc BVTV để trừ sâu bệnh khác và kết hợp nhiều thuốc BVTV khi phun trừ hại. Hình thức nhận khoán toàn phần được pha trộn theo đúng nồng độ khuyến cáo còn hình thức nhận khoán từng phần đã được nông dân phối trộn nhiều loại thuốc và được tăng nồng độ đối với bệnh khô vằn, kết hợp hai loại thuốc trừ sâu cuốn lá và 1 loại thuốc trừ rầy và đối tượng khác. Điều đó cho thấy hình thức nhận khoán toàn phần đã quản lý tốt các đối tượng dịch hại, đã quyết định số lần và loại thuốc BVTV trong qua trình phun trừ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm được số lần phun và số lượng thuốc so với hình thức nhận khoán từng phần. Hiệu quả kinh tế giữa hình thức nhận khoán toàn phần và nhận khoán từng phần thì chênh lệch về thuốc và công phun là 39.000 đồng/sào, hiệu quả kinh tế thu được là 123.700 đồng/sào, tương đương với 3.438.900 đồng/ha.   

Với hình thức nhận khoán toàn phần, tổ dịch vụ hình thức nhận khoán từng phần cơ sở đã giảm được 1 lần phun và giảm được 3 loại thuốc BVTV, 1 loại phân bón lá, do đó đã giảm được chi phí cho mua thuốc và công phun; giảm được chi phí không cần thiết trong khi năng suất và chất lượng vẫn được đảm bảo, mang lại hiệu quả kinh tế; chênh lệch giữa hai hình thức là 123.700 đồng/sào tương đương với 3.438.900 đồng/ha. Hiệu quả kinh tế của hình thức nhận khoán toàn phần cao hơn so với nhận khoán từng phần về công tác BVTV. Độ chênh lệch về kinh tế tuy không nhiều nhưng có ý nghĩa trong việc sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Số lần sử dụng thuốc trong mô hình nhận khoán toàn phần và nhận khoán từng phần có sự khác biệt ở cả 2 vụ trong năm. Hình thức nhận khoán từng phần đều tăng số lần phun và số lượng thuốc BVTV (tăng 2 lần và 9 loại thuốc BVTV) nên lượng thuốc BVTV phát thải ra môi trường cao hơn so với hình thức nhận khoán toàn phần. Chênh lệch về lượng thuốc BVTV ở cả hai vụ là 8,2 kg/ha, tổng lượng bao bì phát thải ra là 1,21 kg/sào, tương đương với 9,41 kg/ha.

Theo ông Phạm Nguyên Hạng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Tổ dịch vụ Bảo vệ thực vật cơ sở là một mô hình hoàn toàn mới phù hợp với việc dồn ô, đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn đã tạo điều kiện cho một số hộ nông dân tích tụ được nhiều ruộng đất  đưa cơ giới hóa phục vụ nông nghiệp để thuận lợi cho quá trình tổ chức các khâu dịch vụ ở địa phương. Giảm số người tiếp xúc trực tiếp với hóa chất BVTV, phun trừ dịch hại được tập trung và hiệu quả cao hơn so với nông dân tự phun, giảm chi phí công phun thuốc BVTV góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Qua các hoạt động của Tổ dịch vụ BVTV cơ sở đã giúp nông dân, các hộ thành viên hiểu đúng về nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” và tác hại của việc lạm dụng thuốc BVTV trong phòng trừ dịch hại. Tăng hiệu quả kinh tế và hạn chế ô nhiễm môi trường. Giảm một phần chi phí công phun thuốc BVTV do áp dụng cơ giới hóa trọng dịch vụ phun thuốc BVTV. Giảm thiểu số người tiếp xúc với hóa chất BVTV khi phun và trong việc thu gom, xử lý vỏ, bao bì chứa thuốc BVTV sau sử dụng để không gây ô nhiễm môi trường.

Bài của Hải Ninh

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2016

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.