Khoa học quản lý (số 6-2016) -0001-11-30 07:06:30

Ngày 03/11/1966, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng đã ban hành Quyết định số 1055/QĐ-BCN-KH tách phân xưởng đá mài ra khỏi Nhà máy Chế tạo Bơm Hải Dương để thành lập Nhà máy Chế tạo Đá mài Hải Dương với tổng số 121 cán bộ, công nhân viên, sản lượng đá mài theo thiết kế ban đầu 30 tấn/năm.Qua 50 năm xây dựng và phát triển, Công ty đã không ngừng vươn lên là một trong những đơn vị dẫn đầu của Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp.

Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước chủ trương lấy công nghiệp nặng làm then chốt, trong đó sản xuất cơ khí là một trong những ngành quan trọng nhất. Đá mài là sản phẩm phụ trợ không thể thiếu của ngành Cơ khí, nhất là cơ khí chính xác. Vì thế, Chính phủ quyết tâm phải sản xuất đá mài ngay tại Việt Nam. Bộ Công nghiệp nặng khi ấy đã cử các ông: Nguyễn Đăng Đại, Huỳnh Hiền, Nguyễn Đại Nghĩa, Đỗ Thành Hữu thuộc Nhà máy Cơ khí Đống Đa (tiền thân của Nhà máy Chế tạo bơm Hải Dương) cùng với phiên dịch viên tiếng Trung là ông Hữa Văn Lai đi học nghề chế tạo đá mài tại nhà máy To-Gia-Don ở TP.Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) để làm nòng cốt xây dựng ngành sản xuất đá mài, hạt mài tại Việt Nam. Sau hơn 1 năm học tập, đến ngày 21/9/1961, Đoàn về nước và bắt tay ngay vào việc thử nghiệm đá mài tại Viện Hóa học (Bộ Công nghiệp nặng). Nguyên liệu hạt mài được nhập từ nước ngoài, việc ép, tạo hình được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Đá mài sau khi ép và sấy khô được vận chuyển xuống Nhà máy Sứ Hải Dương để nung nhờ, sau đó đưa về Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo và Nhà máy Điện cơ Thống Nhất dùng thử để đánh giá chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu. Năm 1962, Cục Cơ khí (Bộ Công nghiệp nặng) đã thành lập Phân xưởng sản xuất đá mài thuộc Nhà máy Chế tạo Bơm Hải Dương. Đồng chí Nguyễn Đăng Đại được cử làm Quản đốc phân xưởng và nhà máy được xây dựng trên cánh đồng Phượng Cáo, xã Bình Hàn, TX.Hải Dương (nay là đường Điện Biên Phủ, phường Bình Hàn, TP.Hải Dương) với diện tích là 1,5 ha.

Ngày 13/9/1963, sau một thời gian nghiên cứu, tự thiết kế, chế tạo, thi công xây dựng lò luyện Corindon nâu (lò hồ quang điện) với nòng cốt là những người được đi học tập, đào tạo từ Trung Quốc thì mẻ sản phẩm Corindon nâu đầu tiên đã ra lò. Ngày 3/11/1966, Bộ Công nghiệp nặng đã quyết định tách phân xưởng đá mài ra khỏi Nhà máy Chế tạo bơm Hải Dương để thành lập Nhà máy Chế tạo Đá mài Hải Dương với tổng số 121 cán bộ, công nhân viên, sản lượng đá mài theo thiết kế ban đầu 30 tấn/năm.

Tháng 3/1967, Bộ Công nghiệp nặng quyết định mở rộng Nhà máy Chế tạo Đá mài đợt I, nâng công suất thiết kế lên 100 tấn/năm. Tuy nhiên chỉ trong  gần 5 năm từ tháng 7/1967 đến 5/1972. Nhà máy đã 2 lần bị giặc Mỹ ném bom, 2 lần bị thiên tai tàn phá nặng nề gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và tiến độ xây dựng, phát triển nhà máy. Cán bộ, nhân viên nhà máy đã phát huy tinh thần sáng tạo trong lao động sản xuất, khắc phục những dụng cụ sản xuất thô sơ, năng suất lao động thấp, đội ngũ cán bộ kỹ thuật cùng phối hợp với công nhân đã tìm tòi, nghiên cứu chế tạo ra nhiều máy móc thiết bị bổ sung cho sản xuất. Kết quả hàng loạt các cỗ máy tự thiết kế, tự chế tạo lần lượt ra đời làm cho giây chuyền sản xuất dần dần được cơ giới hóa, tạo nên một bước thay đổi lớn về công nghệ sản xuất chế tạo đá mài, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Sau 7 năm thành lập, năm 1973, Bộ Cơ khí và Luyện kim đã đầu tư mở rộng sản xuất đợt II lên 500 tấn sản phẩm/năm.

Trong giai đoạn 1975 - 1986, nhà máy đã phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, khắc phục mọi khó khăn, lãnh đạo nhà máy tiếp tục thực hiện chủ trương “Tự xây dựng mở rộng nhà máy, tự trang bị chế tạo máy móc thiết bị và đào tạo bổ sung nguồn nhân lực công nhân kỹ thuật đá mài”. Đến năm 1986 nhà máy đã có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tăng 31 lần và năng lực sản xuất tăng 33 lần. Sản phẩm ngày càng đa dạng và phong phú, hàng nghìn loại sản phẩm với đủ chủng loại, kích cỡ của các cơ sở sản xuất ở trong nước. Năm 1986, nhãn hiệu hàng hóa Đá mài Hải Dương (DAMAHAD) được Cục Sở hữu Việt Nam đồng ý cho đăng ký bản quyền. Đây là cơ sở vững chắc để phát triển thương hiệu Đá mài Hải Dương.

Trong giai đoạn 1986 - 2003, Nhà máy Chế tạo Đá mài Hải Dương đổi tên thành Công ty Đá mài Hải Dương, Công ty đã thực hiện tái cơ cấu về tổ chức bộ máy, chú trọng đến chất lượng sản phẩm, thực hiện việc tìm kiếm và khai thác thị trường, đầu tư cải tiến công nghệ thiết bị, thực hành tiết kiệm…Năm 1998, Công ty đã đầu tư lò nung gas để thay thế lò nung than, từ đó sản phẩm ra lò đạt chất lượng cao, mầu sắc đẹp. Đây được coi là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển công nghệ sản xuất đá mài. Công ty cũng chủ động đầu tư 16 tỷ đồng xây dựng dây chuyền đồng bộ sử dụng thiết bị tự động theo công nghệ Hàn Quốc, sản xuất đá mài Bavia và đá cắt công suất 2,6 triệu viên/năm; đầu tư dây chuyền sản xuất đá nhựa bằng thiết bị hiện đại, đồng bộ của Hàn Quốc.

Ngày 23/10/2003, Bộ Công nghiệp đã ban hành Quyết định số 170/QĐ-BCN chuyển Công ty Đá mài Hải Dương thành Công ty Cổ phần Đá mài Hải Dương. Công ty đã đầu tư bổ sung thiết bị, công nghệ cho dây chuyền sản xuất đá mài nhựa để tăng sản lượng đạt 4,6 sản phẩm/năm rồi 12 triệu sản phẩm/năm và đến nay là 35 triệu sản phẩm/năm. Từ năm 2003 - 2006, Công ty đã thực hiện đề tài khoa học cấp nhà nước KC 05-12 “Nghiên cứu công nghệ chế tạo đá mài cao tốc chất dính gốm 45-60 cm/s”. Sau khi đề tài này thành công, Công ty tiếp tục đầu tư 17 tỷ đồng để thực hiện dự án KC 05-DA-10 “Hoàn thiện công nghệ hệ thống dây chuyền sản xuất đá mài cao tốc công suất 2.000 tấn/năm”. Sau khi hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về hoàn thiện quy trình, công nghệ chế tạo đá gốm, công ty đã đầu tư thay đổi công nghệ từ lò nung than chuyển nung đá bằng lò Tuynel dùng khí than, đầu tư bổ sung máy ép tạo hình sản phẩm, đầu tư thiết bị gia công. Từ đó đã thay đổi về điều kiện lao động, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giảm tỷ lệ hàng hỏng, hình thức, mẫu mã sản phẩm đẹp hơn. Năm 2004, Công ty đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000. Tháng 10/2006 đạt danh hiệu “Nhãn hiệu cạnh tranh quốc gia” do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp.

 Trong giai đoạn năm 2011-2016, công ty tiếp tục đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển khoa học công nghệ bằng việc thực hiện nhiều dự án, nhiều công trình được đầu tư từ hạ tầng cơ sở đến trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt chú trọng đào tạo con người trong sản xuất công nghệ và quản lý.Công trình đầu tư nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm đá mài chất dính Bakelit từ 20 triệu sản phẩm/năm lên 45 triệu sản phẩm/năm; Công trình đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất hạt mài công suất 20 nghìn tấn/năm tại xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn), thu hút trên 100 con em dân tộc có việc làm. Thực hiện theo chủ trương của Bộ Công Thương về phát triển công nghiệp tại các vùng kinh tế khó khăn, của tỉnh Hải Dương di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi trung tâm đô thị. Đến thời điểm này, Công ty Cổ phần Đá mài Hải Dương là đơn vị duy nhất tại Việt Nam dùng quặng Bauxits để luyện chế biến thành hạt mài.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Đá mài Hải Dương sản phẩm của công ty đã chiếm 70% thị phần trong nước, cạnh tranh tốt với hàng ngoại nhập, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khách hàng về sản phẩm với chất tốt, mẫu mã đa dạng, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho trên 500 lao động. Năm 2004 doanh thu của Công ty đạt 32,2 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động là 1,2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2015 doanh thu đạt 455 tỷ đồng tăng 14 lần, thu nhập bình quân người lao động đã đạt 8,3 triệu đồng/tháng.

Để tiếp tục giữ vững thương hiệu uy tín, nhãn hiệu cạnh tranh quốc gia Công ty Cổ phần Đá mài Hải Dương tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm. Xây dựng dự án, đề án cấp nhà nước về nghiên cứu khoa học công nghệ chế tạo vật liệu mài mới, cải tạo tác động môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bài của Vũ Thị Thu Nga

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2016

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.