Khoa học và công nghệ (số 6-2016) -0001-11-30 07:06:30

Giống lúa PC26 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) chọn tạo từ nguồn nhập nội. PC26 có kiểu hình thâm canh, chiều cao cây 100 - 105 cm, thân lá đứng, cứng, uốn lòng mo. PC26 có khả năng chịu rét và chống đổ tốt, kháng khá với đạo ôn và bạc lá, nhiễm nhẹ với bệnh khô vằn.

Dạng bông PC26 to, xếp rất sít, hạt tròn vàng sáng, gạo trong, ít bạc bụng. Năng suất trong vụ xuân đạt ổn định 70 - 75 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt trên 75 tạ/ha; chất lượng cơm ngon, mềm, ít dính và đậm. Giống PC26 được công nhận cho sản xuất thử tại các tỉnh phía Bắc theo Quyết định số 78/QĐ-TT-CLT, ngày 19/3/2014của Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.Qua các điểm sản xuất thử, năm 2016 Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã triển khai đề tài khoa học “Xây dựng mô hình trình diễn giống lúa PC26 (Japonica) trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Mô hình được triển khai với quy mô 100 ha trong cả 2 vụ xuân và mùa, tại các xã An Sơn, huyện Nam Sách, Chí Minh, TX.Chí Linh, xã Tứ Xuyên và xã Đông Kỳ, huyện Tứ Kỳ.

Để nâng cao kỹ thuật canh tác, tăng cường các thông tin về giống lúa mới và quy trình kỹ thuật chăm sóc đạt năng suất cao, chất lượng tốt, Ban Chủ nhiệm đề tài cùng với các đơn vị hợp tác xã, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã tham gia phối hợp triển khai đề tài đã tiến hành tổ chức các lớp đào tạo cán bộ kỹ thuật và kỹ thuật viên, các hộ tham gia mô hình sản xuất giống lúa PC26, kết quả trong năm 2016 đã tổ chức được 8 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác giống lúa mới cho 800 học viên nông dân tham gia.

Theo đánh giá của các địa phương tham gia mô hình, giống lúa PC 26 giống lúa PC26 vào sản xuất tại Hải Dương phù hợp cho sản xuất lúa gạo hàng hóa, có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, phù hợp với chân đất 3 vụ/năm. Kết quả đánh giá một số đặc điểm nông sinh học của giống lúaPC26 cho thấy giống PC26 có sức sinh trưởng tốt ở giai đoạn mạ (điểm 1). Thời gian sinh trưởng: vụ Xuân 135 -140 ngày, vụ Mùa 105-110 ngày, thời gian sinh trưởng tương đương với KD 18 nhưng ngắn hơn ĐS1 từ10-15 ngày. Như vậy, giống PC26 có thời gian sinh trưởng thuộc nhóm giống lúa ngắn ngày. Chiều cao cây trung bình 100-105 cm, cao bằng KD 18 và cao hơn ĐS1. Dạng hình cây gọn đẹp; lá đòng đứng cứng, to dài và uốn lòng mo. Thời gian trỗ thoát từ 7-10 ngày, dài hơn KD18 và ngang bằng với ĐS1. Tuy nhiên, thời gian hạt vào chắc khá nhanh và tập trung  từ 23-25 ngày.      

Giống lúa PC26 có dạng cây gọn, dạng lá gọn, bông to, hạt xếp sít, dạng hạt tròn, vàng sáng. Khả năng đẻ nhánh trung bình (5-  6 dảnh hữu hiệu/khóm). Số hạt/bông cao hơn KD18 và  ĐS1 (đạt 155-170 hạt/bông), tỷ lệ hạt lép tương đương ĐS1  từ 7-11,5% thấp hơn hẳn so với KD18. Khối lượng 1000 hạt PC26 thấp hơn ĐS1 và cao hơn hẳn so với KD18 từ 22-24 gram. Đây là các yếu tố quan trọng góp phần quyết định đến năng suất của giống PC26.Vụ xuân năm 2016, năng suất trung bình giống lúa PC26 đạt 71,5 tạ/ha; vụ mùa đạt 66,5 tạ/ha. Trong đó địa phương có năng suất lúa PC 26 cao nhất là xã Đông Kỳ, huyện Tứ Kỳ, với mức 72,5 tạ/ha ở vụ xuân và 67,4 tạ/ha ở vụ mùa. Xét về hiệu quả kinh tế, mô hình canh tác giống lúa PC26 cho thu lãi 18,1 triệu đồng/ha, cao hơn so với mô hìnhgiống lúa ĐS1 đối chứng (13,7 triệu đồng/ha), hiệu quả kinh tế cao hơn là 32%.

Kết quả đánh giá chất lượng của giống lúa PC26 cho thấy: Giống lúa PC26 có tỷ lệ gạo nguyên 81,75% cao hơn hẳn so với ĐS1 (61,47%), KD18 (67,59%). Tỷ lệ gạo xát tương đương và thấp hơn so với ĐS1 nhưng cao hơn hẳn so với KD18. Hàm lượng Amylose của giống PC26 ở mức thấp đến trung bình (17,58%), nhiệt độ hóa hồ ở mức trung bình. Do đó, cơm khá dễ nấu và mềm. Các yếu tố trên thể hiện giống lúa PC26 là giống có chất lượng tốt tương đương với ĐS1 và hơn hẳn giống lúa  KD18, đạt tiêu chuẩn chất lượng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu cho thị trường có nhu cầu gạo hạt tròn (loại có hàm lượng amylose dưới 20%). Đánh giá bằng cảm quan là cơm PC26 có mùi hơi thơm hơn ĐS1, ngon hơn hẳn KD18 và tương đương với ĐS1.

Hộ gia đình bà Phạm Thị Tơ, thôn Đông An, xã Đông Kỳ tham gia mô hình gieo cấy giống lúa PC26 từ vụ xuân năm 2016 với diện tích 2 mẫu, vụ mùa năm 2016 gia đình bà Tơ mở rộng diện tích lên 2 ha. Bà Tơ cho biết: “Giống lúa PC26 ở vụ xuân chịu rét tốt, phát triển tốt, chống sâu bệnh, năng suất PC26 ở vụ xuân đạt 2,2 - 2,5 tạ/sào. Vụ mùa đạt 2 - 2,2 tạ/sào. Giống lúa này có cơm mùi thơm nhẹ, vị đậm, mềm, dẻo. Giá bán lúa PC26 cao hơn so với giá bán lúa KD18. Đặc biệt, ruộng cấy lúa PC26 chỉ phun thuốc sâu 1 lần trong cả vụ mùa. Chính vì ưu điểm chống rét và chống chịu sâu bệnh nên tôi sẽ tiếp tục gieo cấy giống lúa PC26 trong vụ xuân để đối phó với thời tiết thất thường”.

Đại diện cho các hộ tham gia mô hình, ông Phạm Hồng Thái, giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Kỳ cho biết: Tổng diện tích gieo cấy lúa của xã Đông Kỳ là 147,5 ha vụ. Đối với giống lúa PC 26, các hộ nông dân trong xã đã tham gia mô hình với diện tích vụ xuân là 10 ha, vụ mùa 18 ha. Chúng tôi đánh giá ưu điểm nổi bật của giống lúa này là chịu được rét. Vụ xuân vừa qua, nhiều giống lúa bị rét hại nhưng PC26 chịu rét tốt nên không bị ảnh hưởng. Sang đến vụ mùa, các giống lúa khác bị bạc lá nhưng PC26 không bị ảnh hưởng. Năng suất bình quân vụ xuân đạt trung bình 2,3 - 2,5 tạ/sào, vụ xuân, 2 - 2,2 tạ/sào ở vụ mùa. Chất lượng gạo ngon, giá bán tương đương với lúa Bắc thơm. Vì vậy chúng tôi có đề nghị mở rộng diện tích sản xuất và đưa giống lúa PC26 vào sản xuất hàng hóa.

Theo ông Phạm Văn Tính, Phó Trưởng Bộ môn Chọn giống lúa cho vùng khó khăn (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm), giống lúa PC26 đã đưa vào sản xuất tại các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Đến thời điểm này, giống lúa PC26 phát triển tốt, năng suất trung bình ở các tỉnh miền núi phía Bắc từ 2,7 - 2,8 tạ/sào; các tỉnh đồng bằng đạt từ 2 - 2,5 tạ/sào. Về việc tiêu thụ sản phẩm, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa thuần đã phối hợp với Tổng Công ty Giống cây trồng Vật nuôi Ninh Bình xuất khẩu 5.000 tấn sang các nước châu Phi. Trong thời gian tới, tiếp tục phối hợp với Tổng công ty mở rộng diện tích khắp các tỉnh đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, đảm bảo cung cấp đủ 10.000 tấn gạo xuất khẩu vào năm 2017. Tại Hải Dương, giống lúa PC26 đã được gieo cấy ở các huyện Tứ Kỳ, Nam Sách, Ninh Giang, trong thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy lúa ở các huyện Thanh Miện, TX.Chí Linh với mong muốn PC26 được đưa vào các vùng sản xuất hàng hóa để xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Thái Lan…

Bài của Nguyễn Thị Ánh

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2016

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.