Khoa học và công nghệ (số 6-2016) 0000-00-00 00:00:00

Hiện nay sản xuất lúa của tỉnh đang đứng trước những khó khăn, thách thức cũng như tiền đề thuận lợi và cơ hội. Để tăng hiệu quả trong sản xuất lúa của tỉnh trong thời gian tới, việc xây dựng mô hình mẫu trong sản xuất lúa áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, trong đó trọng tâm là làm mạ khay, cấy máy tại các địa phương trên cánh đồng đã dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng là vô cùng quan trọng.

 

Trên cơ sở kết quả đạt được của mô hình Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn được thực hiện tại huyện Thanh Miện; năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai đề tài “Xây dựng mô hình mẫu về sản xuất lúa trên cánh đồng sau dồn điền đổi thửa tại tỉnh Hải Dương”. Đề tài được thực hiện với tổng diện tích 200 ha, ở vụ xuân và vụ mùa, quy mô mỗi mô hình 10 ha/HTX/điểm trở lên.

Vụ xuân năm 2016, thời tiết diễn biến phức tạp, rét muộn cuối tháng 1 đầu tháng 2 đúng vào đầu vụ gieo cấy. Sau gieo cấy do ảnh hưởng liên tiếp của những đợt không khí lạnh, trời âm u nên các trà lúa sinh trưởng, phát triển chậm, kéo dài thời gian sinh trưởng của cây lúa từ 7-10 ngày so với trung bình nhiều năm. Mặc dù vậy, thời kỳ lúa làm đòng trỗ bông gặp nhiệt độ phù hợp, mưa đủ nước, sau trỗ gặp thời tiết nắng mưa xen kẽ nên lúa xuân năm nay khá tốt, năng suất đạt khá cao. Mô hình vụ xuân thực hiện với quy mô 100 ha, với 600 hộ tham gia tại 4 Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Tân Phong (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang), Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang), Tân Trường (xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng) và Lạc Long (xã Lạc Long, huyện Kinh Môn). Mô hình áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch. Đồng thời, hướng dẫn các hộ nông dân kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật. Mô hình gieo cấy giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, áp dụng phương thức gieo mạ khay và cấy bằng máy, sử dụng mô hình đối chứng là phương thức gieo mạ sân, cấy thủ công và gieo vãi.

Kết quả đánh giá mô hình cho thấy: mô hình sử dụng phương thức gieo mạ khay, cấy bằng máy có mật độ khóm/m2 thấp nên thuận lợi cho cây lúa quang hợp, lúa đẻ nhánh khỏe, số dảnh hữu hiệu cao hơn phương thức gieo mạ sân/cấy thủ công từ 3 - 4 dảnh và cao hơn phương thức gieo vãi từ 5 - 6 dảnh. Chiều cao cây lúa ở mô hình đạt 104 - 107 cm, cao hơn so với cây lúa ở mô hình cấy mạ sân từ 5 - 6 cm và cao hơn cây lúa ở mô hình gieo vãi 2 cm. Thời gian sinh trưởng của lúa cấy ở mô hình gieo mạ khay cấy máy từ 125 - 141 ngày, tương đương với lúa gieo mạ sân, cấy thủ công và dài hơn so với gieo vãi từ 5 - 7 ngày.

Theo dõi mức độ chống chịu sâu bệnh và khả năng chống đổ của mô hình cánh đồng mẫu lớn cho thấy: mức độ nhiễm khô vằn, rầy nâu của mô hình ở điểm 0 đến 1, nhẹ hơn rất nhiều so với mô hình đối chứng (điểm 0-1 đến 3). Bên cạnh đó, khả năng chống đổ của mô hình cấy máy cũng đạt điểm tốt (điểm 1), trong khi các mô hình cấy thủ công, gieo vãi ở mức độ trung bình.

Về các yếu tố cấu thành năng suất của mô hình gieo mạ khay cấy máy giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, tại HTXDVNN Tân Phong: số hạt chắc/bông trung bình đạt 156,8 hạt; tỷ lệ lép 3,3%; số bông trung bình/m2 đạt 292,3 bông. Năng suất mô hình đạt 62,6 tạ/ha, cao hơn đối chứng 4,3 tạ/ha (6,9%). Tại HTXDVNN Mộ Trạch: số hạt chắc/bông trung bình đạt 157 hạt; tỷ lệ lép 3,7%; số bông trung bình/m2 đạt 285 bông. Năng suất mô hình đạt 61,1 tạ/ha, cao hơn đối chứng 3,8 tạ/ha (6,2%). Tại HTXDVNN Tân Trường: số hạt chắc/bông trung bình đạt 155,5 hạt; tỷ lệ lép 4%; số bông trung bình/m2 đạt 284,8 bông. Năng suất mô hình đạt 60,4 tạ/ha, cao hơn đối chứng gieo vãi là 1,9 tạ/ha (3,2%). Tại HTXDVNN Lạc Long: số hạt chắc/bông trung bình đạt 154 hạt; tỷ lệ lép 3%; số bông trung bình/m2 đạt 284,8 bông. Năng suất mô hình đạt 76,7 tạ/ha, cao hơn đối chứng 5,7 tạ/ha (7,4%).

Vụ mùa năm 2016, thời tiết tương đối thuận lợi cho lúa sinh trưởng phát triển, nông dân tích cực chăm bón nên lúa bén rễ hồi xanh nhanh, đẻ nhánh nhanh và tập trung, cây lúa phát triển đồng đều, ít sâu bệnh. Đề tài được thực hiện với quy mô 93,28 ha, đạt 93,28% kế hoạch, với 484 hộ tham gia tại 4 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn 3 huyện, bao gồm: HTXDVNN Tân Phong và Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang), HTXDVNN Tân Trường (huyện Cẩm Giàng), HTXDVNN Lạc Long (huyện Kinh Môn). Kết quả theo dõi mô hình: Tại HTXDVNN Tân Phong, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang: Số hạt chắc/bông trung bình đạt 151,3 hạt, tỷ lệ lép 5,1%, số bông trung bình/m2: 270 bông, năng suất lúa đạt 55,5tạ/ha, cao hơn đối chứng 4,1 tạ/ha (8 %). Tại HTX DVNN Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang: Số hạt chắc/bông trung bình đạt 148,3 hạt, tỷ lệ lép 6,4%, số bông trung bình/m2: 269,5 bông, năng suất lúa đạt 54,2 tạ/ha, cao hơn đối chứng là 2,8 tạ/ha (5,4%). Tại HTX DVNN Tân Trường, huyện Cẩm Giàng: Số hạt chắc/bông trung bình đạt 145,7 hạt, tỷ lệ lép 6,7%, số bông trung bình/m2: 266,1 bông, năng suất thực thu đạt: 52,9 tạ/ha, cao hơn đối chứng 2,5 tạ/ha (5 %). Tại HTX DVNN Lạc Long, huyện Kinh Môn: Số hạt chắc/bông trung bình đạt 158 hạt, tỷ lệ lép 4,4%, số bông trung bình/m2: 272 bông, năng suất thực thu đạt 73,7 tạ/ha, cao hơn đối chứng là 5,4 tạ/ha (7,9%).

Xét về hiệu quả kinh tế, tổng chi phí ở mô hình áp dụng phương thức gieo mạ khay cấy máy thấp hơn chi phí ở mô hình đối chứng áp dụng phương thức gieo vãi, cấy thủ công từ 30.000 - 90.000 đồng/sào (ở vụ xuân) và từ 15.000-25.000 đồng/sào (ở vụ mùa) về chi phí về giống, công gieo mạ, công cấy; và 30.000 - 40.000 đồng chi phí thuốc bảo vệ thực vật.

Trong khi đó, năng suất mô hình áp dụng phương thức gieo mạ khay, cấy máy cao hơn so với mô hình cấy thủ công và gieo vãi từ 3,8 - 5,7 tạ/ha (ở vụ xuân) và 2,5 - 5,4 tạ/ha (ở vụ mùa) và cao hơn gieo vãi 1,9 tạ/ha nên hiệu quả kinh tế của mô hình gieo mạ khay, cấy máy cao hơn từ 4 - 6,6 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế cao hơn so với đối chứng từ 26 - 30%.

Mô hình mẫu sản xuất lúa trên cánh đồng sau dồn điền đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng, trọng tâm là cấy máy bằng mạ khay và xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm Fito-Biomix RR trên gốc rạ tại ruộng được ứng dụng và mở rộng trênđịa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực, nâng cao năng suất lúa, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân. Bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình còn góp phần tích cực khắc phục tình trạng thiếu lao động, bảo đảm tính thời vụ, tạo ra sản phẩm hàng hoá tập trung, tận dụng sản phẩm dư thừa sau thu hoạch nhằm bổ sung phân hữu cơ tại chỗ, tăng độ phì cho đất và bảo vệ môi trường.

Bài của Nguyễn Thị Ánh

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2016

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.