Khoa học quản lý (số 6-2016) -0001-11-30 07:06:30

Hiện nay đang là thời điểm gieo trồng và chăm sóc các cây rau vụ đông ngắn ngày của nông dân vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Để có được cây rau vụ đông phát triển thuận lợi và cho năng suất, chất lượng cao, người dân cần lưu ý một số điểm như sau:

 + Giống và thời vụ: Do được bố trí ở vụ cuối cùng của năm và thời gian đòi hỏi không được kéo dài (từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau). Vì vậy để phát triển rau vụ đông, người trồng cần ưu tiên sử dụng những loại rau ưa lạnh nhưng phải có thời gian sinh trưởng (TGST) ngắn như: Rau các loại (su hào, cải bắp, cải củ, cải dưa, cải canh, xà nách,…) hoặc đậu cô ve lùn (đậu vàng hoặc đậu xanh)…Hiện nay có rất nhiều công ty cung ứng các giống rau trên, để có được những ruộng rau cho năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng thì người trồng cần tìm hiểu hoặc tham khảo những nông dân có kinh nghiệm chuyên canh các loại rau màu hay tìm đến các cán bộ khuyến nông để được tư vấn về giống.

Do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino trong những năm gần đây nên vùng ĐBSH có những vụ đông ấm thuận lợi cho rau nảy mầm và phát triển cây con nhưng ngưỡng nhiệt độ cao ở ngưỡng 23 - 270C không thuận lợi cho các loại rau ưa lạnh khiến bắp cải cuốn không đẫy, củ cải không to, su hào giảm chất lượng, đậu cô ve ít quả…Vì vậy người nông dân có thể trồng lùi thời vụ khoảng 10 - 15 ngày vẫn là thích hợp, các cây rau vẫn cho thu hoạch cùng kỳ các năm trước.

+ Xử lý đất và giống:

- Đối với đất trồng rau: Đây là vụ rau gối tiếp với vụ rau màu thu đông nên nông dân cần phải có biện pháp xử lý đất ruộng trước khi gieo trồng nhằm giảm thiểu lượng cây bị bệnh nhất là bệnh chết thắt thân cây con. Có thể sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật có gốc đồng như Booc do, Coc, Copper,…hay vôi tả phun hoặc trộn đều vào luống đất ngay sau khi lên luống. Tốt nhất nên sử dụng các chế phẩm sinh học như nấm đối kháng Trichodecma hay nấm cộng sinh Mycorhyza trộn cùng với phân chuồng mục để bón lót sẽ hạn chế được mầm bệnh lại kích thích cây rau phát triển nhanh hơn.

- Hạt rau mua cần xử lý bằng nước ấm 3 sôi, 2 lạnh để ngâm hạt giúp hạt nảy mầm nhanh hơn lại diệt được mầm bệnh có trên vỏ hạt.

-  Trồng và chăm sóc: Rau đông ngắn ngày nằm trọn trong thời tiết của vụ đông. Có nhiều vụ rau khi ngâm ủ và gieo hạt gặp thời tiết rét đậm kéo dài khiến rau rất khó nảy mầm và phát triển thuận lợi. Do đó nông dân cần ngâm ủ cho hạt nứt nanh và gieo vào vườn ươm có khung nilong che chắn (trừ rau cải và đậu cô ve). Việc làm này rất tốt cho cây con giai đoạn vườn ươm, hạn chế được hiện tượng lộ cộ cây to, cây bé trên đồng hay cây con bị bệnh.

- Bón phân: Trồng rau đông ngắn ngày tốt nhất nên áp dụng biện pháp bón lót là chính nhằm giúp cây rau sớm hút được dinh dưỡng để phát triển. Nên ưu tiên sử dụng các loại phân có hàm lượng lân cao lại dễ tiêu như phân DAP + Kali clorua để lót cho rau. Đồng thời bổ sung thêm nguồn phân chuồng mục hay hữu cơ sinh học thay thế. Nguồn phân xanh của vụ rau trước được ủ hoai cũng cần được sử dụng luôn để bón lót.

Trong suốt thời gian sinh trưởng của rau nông dân nên bổ sung thêm các chế phẩm phân bón siêu vi lượng cùng với phân siêu kali qua lá nhất là thời kì tạo năng suất để tăng khả năng kháng bệnh cho cây và tăng phẩm chất, mẫu mã cho nông sản sau này. Nên sử dụng định kì 1 tuần/lần, có thể phun chung với thuốc bảo vệ thực vật khi cần. Lượng phân vô cơ thúc cho rau đông tốt nhất nên sử dụng loại NPK chuyên thúc có hàm lượng đạm và kali cao ở thời kì phát triển thân lá như phân 12:3:10 hay 12:5:10. Thời kì tạo năng suất nên sử dụng loại cao kali như hoặc sử dụng phân đơn u rê + kali clorua hòa nước tưới cho rau. Tuyệt đối không nên sử dụng u rê riêng lẻ hòa nước tưới cho rau sẽ dễ làm rau bị giập nát và chết rũ.

- Tưới nước: Vụ đông thời tiết thường ít mưa nên người trồng cần phải thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho rau, không nên để luống rau quá khô hay quá ẩm. Tuyệt đối không được té nước lên thân lá rau vào lúc chiều tối, áp dụng biện pháp tưới ngấm là an toàn và tốt nhất.

- Bảo vệ thực vật: Rau đông so với các vụ khác thường ít bị nhiễm sâu bệnh hơn. Song thời tiết biến đổi khiến nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm lớn, ban đêm thường lạnh hay có sương nên cây rau thường dễ bị nhiễm các bệnh sương mai hoặc héo xanh vi khuẩn. Ngoài các biện pháp canh tác như bón phân cân đối, tưới nước đủ ẩm… cần phòng bệnh cho rau khi có các điều kiện thời tiết ưu tiên cho vi sinh vật gây bệnh. Nên sử dụng các loại thuốc gốc đồng phun phòng định kì 1 tuần/lần hoặc bổ sung chế phẩm Trichodecma hay Mycorhyza vào vùng rễ cây rau 0,5 tháng/lần. Trừ bệnh bằng các loại thuốc kháng sinh khi vết bệnh mới xuất hiện đảm bảo đủ thời gian cách ly cho rau được an toàn với người sử dụng.

Bài của Trần Thị Liên - Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2016

                                                                       

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.