Khoa học quản lý (số 6-2016) -0001-11-30 07:06:30

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế trí thức, trước sự đòi hỏi của hội nhập kinh tế khu vực, kinh tế quốc tế và các hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam ký kết tham gia... thì sở hữu trí tuệ ngày càng đóng một vai trò vô cùng quan trọng, là công cụ để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, gia tăng hàm lượng chất xám kết tinh trong các sản phẩm, dịch vụ.

Là một trong những tỉnh đi đầu trong việc thúc đẩy các hoạt động tạo lập, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, ngay từ năm 2003 tỉnh Hải Dương đã ban hành  Quyết định số 3799/QĐ - UB ngày 18/9/2003 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp giai đoạn 2004 - 2006” và tiếp theo là các giai đoạn 2007 - 2010, giai đoạn 2011 - 2015.

Việc triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh về sở hữu công nghiệp qua các giai đoạn đến nay đã góp phần định hướng sản xuất, kinh doanh gắn liền với việc tạo dựng phát triển tài sản sở hữu trí tuệ, từng bước tạo dựng uy tín và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm, dịch vụ của các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng, thúc đẩy đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công  nghiệp cho các doanh nghiệp, cơ sở và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Những kết quả nổi bật mà Đề án qua các giai đoạn mang lại đó là: đã tư vấn, hướng dẫn cho 942 lượt doanh nghiệp về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; tra cứu xác định khả năng bảo hộ cho 765 đối tượng sở hữu công nghiệp trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ; tạo dựng và hỗ trợ đăng ký bảo hộ cho 473 đối tượng sở hữu công nghiệp (trong đó 427 nhãn hiệu và 46 kiểu dáng công nghiệp) của 413 doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “vải thiều Thanh Hà”; hỗ trợ xác lập và phát triển giá trị tài sản trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể cho 15 sản phẩm đặc sản hoặc có thế mạnh của địa phương điển hình như nếp cái hoa vàng của huyện Kinh Môn; bánh đa Hội Yên của huyện Thanh Miện; gà đồi của thị xã Chí Linh; củ đậu của huyện Kim Thành; sản phẩm rươi, cáy của huyện Tứ Kỳ; giầy da Hoàng Diệu của huyện Gia Lộc...

Trước đòi hỏi của hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới và để hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của nhà nước về sở hữu trí tuệ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2541/QĐ-UBND ngày19/9/2016 về phê duyệt đề án “Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017 - 2020” và giao cho Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì thực hiện  phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và Công thương để thực hiện nhiệm vụ của Đề án. Đề án được triển khai trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020 với các 3 mục tiêu cụ thể:

- Đáp ứng 100% các yêu cầu về tư vấn, hướng dẫn xác lập quyền sở hữu công nghiệp cũng như các nhu cầu được tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kiến thức về tạo lập, quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ;

- Hỗ trợ tạo lập và đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong và ngoài nước cho khoảng 300 - 500 đối tượng sở hữu công nghiệp;

- Hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình quản lý, khai thác, quản bá và phát triển tài sản trí tuệ cho các tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội, làng nghề có nhu cầu, trong đó chú trọng đến các sản phẩm trọng điểm của tỉnh, sản phẩm làng nghề mang địa danh, sản phẩm có tiềm năng và quy mô phát triển;

- Hỗ trợ khai thác, áp dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích, các hợp đồng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, tổ chức và có nhân có nhu cầu.

Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, Đề án sẽ tập trung vào triển khai 5 nội dung lớn, trong đó, bốn nội dung đầu là kế thừa, đa dạng hóa và đổi mới phương thức từ những nội dung của Đề án ở các giai đoạn trước, cụ thể:

- Tiếp tục hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ, hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở trong và ngoài nước cho các tổ chức, cá nhân đã thực hiện thủ tục tra cứu và nộp đơn đăng ký bảo hộ đối với các đối tượng là nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, sáng chế, giải pháp hữu ích...

- Hỗ trợ xây dựng, quản lý, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề của tỉnh;

- Quảng bá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, nhà sáng chế thông qua tổ chức các hoạt động sự kiện,tham gia các chương trình hội chợ; xây dựng chuyên trang thông tin điện tử.

- Tổ chức các hoạt động phổ biến kiến thức, pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung, sở hữu công nghiệp nói riêng thông qua các hình thức cụ thể là tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, tuyên truyền xây dựng phóng sự, tin bài, chuyên mục tuyên truyền về sở hữu trí tuệ đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu về sở hữu trí tuệ; biên tập, xuất bản các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền về sở hữu trí tuệ.

 - Hỗ trợ chuyển giao và áp dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích, các hợp đồng chuyển giao công nghệ vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ cho việc hoàn thiện, khai thác và áp dụng các thành quả sáng tạo, các giải pháp kỹ thuật của cá nhân có tính ứng dụng cao, có khả năng áp dụng rộng rãi và mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội nhằm khuyến khích khai thác, áp dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích trong sản xuất, kinh doanh.

Các nội dung hỗ trợ thuộc Đề án sẽ được thực hiện theo phương thức Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phốihợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và Công thương tổ chức thẩm định và cấp kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chí do Đề án quy định. Trong đó, đối với đăng ký bảo hộ trong nước, kinh phí hỗ trợ được xét giải quyết một lần sau khi doanh nghiệp, đơn vị hoặc cá nhân đã thực hiện thủ tục tra cứu tình trạng bảo hộ và đã nộp đơn đăng ký bảo hộ; đối với bảo hộ ở nước ngoài, kinh phí hỗ trợ được xét, giải quyết một lần sau khi doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đã thực hiện thủ tục tra cứu tình trạng bảo hộ và có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ của nước sở tại; đối với việc tham gia hội chợ, kinh phí hỗ trợ được cơ quan chủ trì thực hiện Đề án xét, giải quyết một lần sau khi doanh nghiệp đã thực tế tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm và quảng bá thương hiệu.

Với kinh nghiệm thực hiện ở các giai đoạn trước, Đề án sẽ thực hiện tốt mục tiêu, nội dung được UBND tỉnh giao cho giai đoạn 2017 - 2020, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương.

Bài của Đinh Thị Bình

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2016

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.