Khoa học quản lý (số 1-2019) -0001-11-30 07:06:30

Lý Thánh Tông (1023 - 1072):Sinh năm Quý Hợi tại kinh thành Thăng Long, tên thật là Lý Nhật Tôn, là con trưởng của Lý Thái Tông. Thái tử Nhật Tôn đã sớm tinh thông kinh truyện, giỏi võ lược. Năm 1033, ông được phong Nhật Tôn tước Khai Hoàng Vương đã sớm tiếp xúc với dân chúng nên hiểu được nỗi khổ của dân và thông thạo nhiều việc. Năm 1037, ông được Thái Tông phong làm Đại nguyên soái, cùng cha đi dẹp quân nổi dậy ở Lâm Tây (Lai Châu) và giành được chiến thắng. Năm 1054, Lý Thái Tông qua đời, Lý Nhật Tôn lên nối ngôi lấy niên hiệu là Lý Thánh Tông. Trong thời kỳ cầm quyền của mình, Lý Thánh Tông đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, giảm nhẹ hình phạt và bảo trợ phật giáo. Nhà vua còn xây dựng quân đội Đại Việt hùng mạnh, thực hiện chính sách đối ngoại cứng rắn với nhà Tống và mở đất về 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (nay là một phần tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị) sau thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt - Chiêm (1069). Sử thần Ngô Sỹ Liên viết: “Vua khéo kế thừa, thực long thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt”. Vũ Hữu (1443 - 1530):Sinh năm Quý Hợi, quê Hải Dương. Năm 1463, niên hiệu Quang Thuận thứ tư, ông đậu Hoàng giáp đời Lê Hiển Tông, ông làm đến Lễ Bộ Thượng Thư, tước tùng dương hầu. Đời Lê Cung Hoàng, năm 1527, Vũ Hữu cùng Phạm Đình Tả phụng mệnh đi cầu phong cho Mạc Đăng Dung làm An Hưng Vương. Về sau, ông làm quan với nhà Mạc, thọ 87 tuổi và được phong Thái bảo. Vũ Hữu là người rất ham thích và có biệt tài về Toán học. Trong lịch sử Toán học nước ta, bên cạnh Lương Thế Vinh, Vũ Hữu là một ngôi sao sáng. Ông đã hệ thống hóa những thành tựu về Hình học, số học đương thời, viết thành cuốn sách toán học nổi tiếng “Lập thành toán pháp” được vua Lê khen là “Thần toán”. Sách này sau được Vũ Quỳnh, người cùng làng với ông soạn lại, gọi là “Đại hành toán pháp”. Đặc biệt Vũ Hữu đã vận dụng Toán học vào việc tính toán nguyên vật liệu trong các công trình xây dựng. Vũ Hữu đã làm Thượng thư 6 bộ, qua 7 đời vua. Cả đời làm quan, ông là người liêm khiết, trung thực, được người đời ca tụng và mến phục. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585):Sinh năm Tân Hợi, quê Hải Phòng. Sinh ra trong gia đình có truyền thống gia giáo kỷ cương. Lớn lên trong giai đoạn nhà Lê suy thoái. Năm 1572, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra triều đại mới. Thế là thời trai trẻ, Nguyễn Bỉnh Khiêm phải sống ẩn dật. Mãi đến năm 45 tuổi, ông mới đi thi. Ba lần thi Hương, thi Hội, thi Đình; ông đều đỗ đầu và đỗ Trạng Nguyên. Nhà Mạc phong Nguyễn Bỉnh Khiêm chức Tả thị lang và rất tôn trọng ông. Năm 1568, ông đã hiến kế cho Nguyễn Hoàng xin anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa (từ Đèo Ngang trở vào). Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có tài tiên đoán qua tập Trình quốc công sấm ký. Ông thực sự là một học giả uyên bác. Tác phẩm để lại có giá trị như: Tập thơ Bạch Vân, Bạch Vân quốc ngữ thi (gồm 2 tập với hàng trăm bài thơ chữ Nôm). Thơ ông truyền đạt đạo lý đối nhân xử thế, yêu nước thương dân. Khi về ở ẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn mở trường dạy học, mong đào tạo những tài năng giúp nước. Học trò của ông có người trở thành danh tướng, Trạng nguyên như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền…Ông xứng đáng là nhà học giả, nhà triết gia của thế kỷ 16 trong lịch sử nước nhà. Minh Mạng (1791 - 1841):hay còn gọi là Minh Mệnh, sinh năm Tân Hợi, tên thật là Nguyễn Phúc Đảm, con thứ tư của vua Gia Long. Do tư chất thông minh, hiếu học, cương nghị, chăm lo quốc chính nên năm 1820 vua Gia Long qua đời, hoàng tử Nguyễn Phước Đảm lên ngôi lấy niên hiệu là Minh Mạng. Trong thời gian trị vì đất nước, vua Minh Mạng đã đổi tên nước ta thành Đại Nam và xây dựng nước ta trở thành một quốc gia hung mạnh. Nhà vua đã cải đổi cơ cấu triều đình thành Nội Các với Lục Bộ và Cơ mật viện, đổi Trấn thành Tỉnh và chia đất nước thành 31 tỉnh. Về kinh tế, vua khuyến khích khai hoang lập ấp, định lại về pháp luật, thuế khóa, đinh điền, tu soạn sử sách địa lý, lập nhà Dưỡng tế ở các tỉnh để giúp đỡ những người nghèo khổ, tàn tật, già cả không nơi nương tựa. Ngoài ra, nhà vua còn cho lập Quốc tử giám, tổ chức khoa thi để chọn nhân tài giúp nước; quan tâm đến lĩnh vực quân sự, phòng thủ đất nước…Với sự thông minh tài trí của mình, vua Minh Mạng đã đưa đất nước phát triển về mọi mặt, thể hiện vai trò của mình vô cùng to lớn. Đinh Nhật Thận (1815 - 1866):Sinh năm Ất Hợi, quê Nghệ An. Ông đỗ tiến sỹ khoa Mậu Tuất (1838), làm quan tới chức Tri phủ, từng đi sứ. Đinh Nhật Thận có giao du với Cao Bá Quát, do đó bị triều đình nhà Nguyễn bắt giữ khi Cao Bá Quát khởi nghĩa ở Mỹ Lương. Tác phẩm hiện còn là Bạch Mao Am thi loại, trong đó có bài thơ Tức sự, ghi lại cảm xúc trước cảnh hạn hán, đói kém của người dân xứ Nghệ, đồng thời châm biếm bọn nha lại vô dụng và dối trá. Một tác phẩm quan trọng khác của Đinh Nhật Thận làm ông nổi tiếng trong văn học sử là khúc Thu dạ lữ hoài ngâm bằng chữ Hán, sáng tác ở trong tù. Nội dung nói lên tình thương nhớ quê hương, gia đình của ông khi bị bắt giam vô cớ, dù ở giữa kinh đô nhà Nguyễn mà vẫn cảm thấy lạnh lẽo, trống vắng và xa lạ. Qua những vần thơ đó, ông ngụ ý phê phán, tố cáo xã hội phong kiến nhà Nguyễn hay nghi kỵ và đối xử tàn ngược với con người. Về sau, khúc ngâm này được học trò Đinh Nhật Thận diễn ra thơ Việt, giữ nguyên 136 câu và nguyên thể song thất. Phạm Bành (1827 - 1887):Sinh năm Đinh Hợi, quê Thanh Hóa, đỗ cử nhân khoa Giáp Tý (1864). Ông làm quan đến chức Án sát tỉnh Nghệ An, là người nổi tiếng thanh liêm và biết quan tâm đến đời sống nhân dân. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông bỏ quan về quê cùng với Đinh Công Tráng và một số tướng lĩnh khác mộ quân đánh Pháp, xây dựng căn cứ Ba Đình ở Nga Sơn (Thanh Hóa) nhằm bảo vệ cửa ngõ miền Trung và là nơi phòng ngự kiên cố mà nghĩa quân có thể ngăn chặn hoạt động của quân Pháp ở giữa Ninh Bình và Thanh Hóa. Sau những thất bại nặng nề ở Ba Đình, quân Pháp đã tập trung mọi binh chủng, hỏa lực để bao vây và mở nhiều đợt tấn công mới hạ nổi được Ba Đình. Dù tuổi già sức yếu (lúc này ông đã 60 tuổi) nhưng Phạm Bành luôn có mặt ở trận địa, nơi nguy hiểm nhất để động viên và khích lệ nghĩa quân chiến đấu. Sau khi căn cứ Ba Đình thất thủ, ông đưa nghĩa quân rút về căn cứ dự phòng ở Mã Cao (Yên Định) rồi lánh về quê. Nhưng sau này vì cứu mẹ già và con trai bị quân Pháp bắt làm con tin, Phạm Bành đã ra đầu thú và uống thuốc độc tự tử ngay sau khi mẹ và con được thả ngày 11/4/1887 để tỏ rõ khí tiết của mình. Tên của ông được vinh danh đặt cho một con đường ở quận Bình Tân (TP.Hồ Chí Minh), một tuyến phố ở TP.Thanh Hóa và một tuyến phố ở thị trấn Hậu Lộc quê ông. Lê Ngô Cát (1827 - 1875):Sinh năm Đinh Hợi, quê Hà Nội. Năm 1848, ông đỗ cử nhân, được bổ làm giáo thụ phủ Kinh Môn (Hải Dương), rồi làm tri huyện Thất Khê (Lạng Sơn), sau đó được thăng Hàn lâm viện biên tu. Năm 1858, Lê Ngô Cát làm việc ở Quốc sử quán, sau làm Án sát Cao Bằng. Năm 1859, ông được đề cử dự vào việc hiệu đính Đại Nam quốc sử diễn ca, Lê Ngô Cát sửa lại về chép tiếp thêm đến hồi vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc. Ông rất ưa chuộng thơ văn và không tha thiết với công danh, nên chẳng bao lâu thì cáo quan về vui thú ruộng vườn. Năm 1875, ông mất tại Cao Bằng, hưởng dương 48 tuổi. Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013):Sinh năm Tân Hợi, quê Quảng Bình, nhà quân sự lỗi lạc, nhà văn hóa, nhà khoa học uyên thâm. Lên 5 tuổi, ông được bố cho học chữ nho, tinh thần yêu nước thương dân của ông được nhen nhóm từ đó. Năm 14 tuổi (1925), Võ Nguyên Giáp thi vào trường Quốc Học Huế, bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng từ phong trào đòi ân xá chí sỹ Phan Bội Châu và lễ truy điệu chí sỹ Phan Chu Trinh. Ông cùng những bạn học thân thiết như Nguyễn Chí Diễu, Nguyễn Hải Triều lập câu lạc bộ thơ văn yêu nước, vận động học sinh tham gia các phong trào yêu nước rồi tìm đọc, chuyền tay nhau sách báo bí mật như Người cùng khổ, Việt Nam hồn, Bản án chế độ thực dân Pháp… Một thời gian sau, ông ra Hà Nội dạy học tại trường tư thục Thăng Long, tiếp tục hoạt động cách mạng. Ông mở lớp huấn luyện cho đoàn viên thanh niên Dân chủ viết báo Đảng và trở thành chủ tịch Hội nghị báo chí Bắc Kỳ thời Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Năm 1940, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng được cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 5/1941, ông được cử phụ trách Ủy ban Quân sự tổng bộ Việt Minh, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 22/12/1944, Võ Nguyên Giáp thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau cách mạng tháng Tám; ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 3/1946, ông được cử làm Chủ tịch kháng chiến và sau đó lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược. Ngày 2/11/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp khi ông vừa bước vào tuổi 37. Là bậc thầy của chiến tranh du kích, ông đã trực tiếp chỉ đạo quân đội tiến hành thành công chiến dịch Điện Biên Phủ, một chiến dịch nổi tiếng thế giới vào năm 1954 và sau này là chiến thắng lịch sử 1975, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ông đã giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng, Phó thủ tướng,… hay khi đã nghỉ hưu, ông vẫn trước sau như một, luôn kiên định vững vàng trước mọi thử thách, hết lòng vì vận mệnh đất nước, vì lợi ích của nhân dân. Văn Cao (1923 - 1995):Sinh năm Quý Hợi, quê Hải Phòng. Ông là tác giả của Tiến quân ca - Quốc ca của nước Việt Nam. Cuối những năm 30 thế kỷ trước, Văn Cao tham gia nhóm Đồng Vọng và sáng tác ca khúc đầu tay Buồn tàn thu và sau đó là Bến xuân, Suối mơ, Thiên thai…Năm 1942, ông rời Hải Phòng lên Hà Nội để làm thơ, viết truyện trên Tiểu thuyết thứ 7. Năm 1943 và 1944, Văn Cao đã xuất hiện trong triển lãm tranh sơn dầu: Cô gái dậy thì, Sám hối, Nửa đêm, Cuộc khiêu vũ những người tự tử…được đánh giá cao và gây chấn động dư luận. Cuối năm 1944, ông tham gia Việt Minh và sáng tác Tiến quân ca. Sau cách mạng tháng Tám, Văn Cao là phóng viên và trình bày cho báo Lao động. Năm 1946, ông được bầu là Ủy viên Hội Văn hóa cứu quốc. Tháng 3 năm 1948, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1949, Văn Cao phụ trách Đoàn Nhạc sỹ Việt Nam, ông tiếp tục sáng tác các ca khúc nổi tiếng như Làng tôi, Ngày mùa, Tiến về Hà Nội, Trường ca sông Lô…Sau 1954, ông về Hà Nội, làm việc cho Đài Phát thanh. Cuối năm 1975, Văn Cao viết ca khúc Mùa xuân đầu tiên. Năm 1981, khi Việt Nam phát động phong trào cả nước thi sáng tác quốc ca thì cuối cùng bài Tiến quân ca vẫn là quốc ca của Việt Nam. Với tâm huyết và tài năng dành cho quê hương đất nước, Văn Cao xứng đáng là một tác giả lớn của nền âm nhạc nước nhà qua những giai đoạn đi cùng năm tháng. Bài của Hiếu Văn Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2/2019

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.