Những vấn đề chung (số 2-2019) -0001-11-30 07:06:30

Ngày 18 tháng 5 cách đây 56 năm về trước, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội phổ biến khoa học kỹ thuật Việt Nam đã vinh dự được đón  Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và chúc mừng Đại hội. Tại buổi lễ này, Người đã thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có bài phát biểu ngắn gọn, súc tích nêu bật nhiệm vụ, phương châm và sứ mệnh quan trọng của khoa học và công nghệ đối với sản xuất, đời sống và sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Người khẳng định:

“Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp. Phong tục tập quán lạc hậu nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó…

…Khoa học phải tự sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi...

…Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ…”.

Khắc ghi lời căn dặn của Người, đồng thời để động viên, tôn vinh những người làm công tác nghiên cứu khoa học, thúc đẩy phong trào say mê nghiên cứu khoa học trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tích cực đem tài năng, trí tuệ, lòng nhiệt huyết nghiên cứu khoa học đóng góp cho sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XIII) đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và thống nhất quy định lấy ngày 18 tháng 5 là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Kể từ khi Luật khoa học và công nghệ 2013 có hiệu lực, ngày 18 tháng 5 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm có ý nghĩa quan trọng không chỉ riêng của ngành khoa học và công nghệ nước nhà, mà còn là ngày hội chung của những người làm công tác nghiên cứu khoa học công nghệ và của toàn xã hội. Thông qua sự kiện hằng năm này, chúng ta cùng có dịp để ôn lại truyền thống nghiên cứu và lao động sáng tạo không mệt mỏi của các thế hệ cha anh đi trước, giáo dục thế hệ kế bước nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, nhiệm vụ và sứ mệnh của khoa học công nghệ đối với sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Đồng thời, đây cũng là dịp để Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, tôn vinh những nhà khoa học tiêu biểu, những công trình khoa học và công nghệ nổi bật có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuyên truyền và ứng dụng sâu rộng các thành quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống như điều Bác Hồ hằng mong.

Thực hiện theo lời dạy của Người, trên cơ sở nhận thức đúng đắn vai trò của khoa học và công nghệ đối với đời sống xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Chính sách này đã được khẳng định nhất quán và xuyên suốt trong nhiều văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, trong thực tiễn, Đảng và Nhà nước đã không ngừng quan tâm, đầu tư nguồn lực cho sự phát triển của khoa học và công nghệ. Nhờ có chính sách đúng đắn trong nhiều năm qua, mạng lưới các đơn vị nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đã được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tích cực, nhất là các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu đầu ngành; lĩnh vực nghiên cứu khoa học đã được quan tâm mở rộng, bên cạnh việc đầu tư cho các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản làm nền tảng, hoạt động nghiên cứu triển khai, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ đã được chú trọng phát triển; đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ theo đó cũng ngày càng phát triển, họ đã có mặt ở khắp mọi miền tổ quốc, nghiên cứu, tiếp thu và làm chủ được các công nghệ quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Nhiều công trình khoa học và công nghệ mang dấu ấn Việt Nam đã được ghi tên vào bản đồ khoa học và công nghệ thế giới, được bạn bè quốc tế biết đến và ghi nhận như công trình giàn khoan tự nâng 90 m nước, công trình chế tạo máy soi cắt lớp điện toán trong công nghiệp, dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông của Trung tâm sản xuất thiết bị điện tử Viettel, công trình chế tạo vệ tinh MicroDragon của tập thể 36 thạc sỹ công nghệ thuộc Trung tâm vũ trụ Việt Nam; phương pháp phẫu thuật nội soi cắt các khối u tuyến tuỵ, phương pháp phẫu thuật ghép tim trên người…Những thành tựu khoa học công nghệ tiêu biểu kể trên chính là những minh chứng rõ nét nhất cho sự phát triển của nền khoa học và công nghệ nước nhà trên bước đường hội nhập, vươn lên sánh vai cùng bạn bè quốc tế.

Hòa cùng dòng chảy chung của cả nước, trong những năm qua hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã luôn được quan tâm định hướng phát triển theo đúng phương châm “…Khoa học phải tự sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng…”. Hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh ngày càng mạng đậm hơi thở cuộc sống, đi sâu vào phát hiện và giải quyết được những vấn đề bức thiết của thực tiễn đặt ra. Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Nhiều kỹ thuật mới trong phẫu thuật và điều trị bệnh đã được tiếp nhận và ứng dụng thành công thông qua các đề tài nghiên cứu KH&CN cấp tỉnh. Một số nghiên cứu trong lĩnh vực dược học đã làm chủ được công nghệ chiết xuất các dược chất từ nguồn dược liệu hòe hoa, thân cây chuối tiêu sẵn có tại địa phương để sản xuất thực phẩm chức năng. Các nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục đã tập trung vào các vấn đề đang được ngành quan tâm như dạy học tích hợp liên môn, dạy học và đánh giá theo phương pháp tiếp cận PISA, xây dựng các tài liệu phục vụ giảng dạy ngữ văn địa phương…

Ngoài ra còn nhiều nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn đã được Hải Dương triển khai và áp dụng thành công như công nghệ Jet-Grouting xử lý gia cố nền móng trên nền đất yếu dùng trong xây dựng các công trình dân dụng; công nghệ giám sát tự động các thông số môi trường nước thải, khí thải; công nghệ tưới nước tiên tiến trên các vùng sản xuất rau màu của tỉnh… Các kết quả nổi bật nêu trên của Hải Dương đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và làm phong phú thêm cho cho bức tranh chung của hoạt động khoa học và công nghệ nước nhà. Những kết quả này cùng với các thành tựu khoa học mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, nhất là trong giai đoạn đổi mới hiện nay đã minh chứng và bồi đắp thêm niềm tin vững chắc cho định hướng phát triển khoa học và công nghệ mà Bác Hồ đã vạch ra.

Nhân dịp hướng tới kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18 tháng 5, nhìn lại chặng đường phát triển của hoạt động khoa học công nghệ trong suốt chiều dài lịch sử chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng vào sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của hoạt động khoa học công nghệ nước nhà. Đồng thời mỗi người trong số chúng ta lại càng phải có ý thức trách nhiệm hơn để đóng góp công sức và trí tuệ nhỏ bé của mình vì sự phát triển một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”./.

Bài của TS Lê Lương Thịnh - TP. Quản lý khoa học

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2019

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.