Khoa học và công nghệ (số 3-2019) -0001-11-30 07:06:30

  Những năm gần đây sản xuất nông nghiệp huyện Thanh Miện có bước phát triển khá, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường, huyện đã cơ bản hoàn thành xong công tác dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng là điều kiện thuận lợi cho việc quy vùng sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và cây ăn quả nói riêng.

Từ năm 2016 - 2018, huyện Thanh Miệnđãxây dựng mô hình trồng cam Vinh trên vùng đất bãi phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh giống cam Vinh trên vùng đất bãi phù hợp với điều kiện của tỉnh Hải Dương. Đề tài do ông Nguyễn Hữu Tiếp, Phó chủ tịch UBND huyện làm chủ nhiệm.

Mô hình triển khai thực hiện trên diện tích 5hacủa 5 hộ tham gia, tổng số cây giống 3.570 cây, mật độtrung bình714cây/hatại thôn Đồng Chấm, xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện. Giống Cam Vinh được chọn tạo, nhân giống sạch bệnh thông qua ghép để xây dựng mô hình. Áp dụng quy trình kỹ thuật của Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề (Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Sau 5 tháng trồng cây sinh trưởng và phát triển tương đối đồng đều, chiều cao cây trung bình đạt 160 cm, cao hơn so với giống đối chứng 15 cm (đối chứng là cây cam Vinh trồng tại vùng đất thịt phía trong đê). Các hộ tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh tốt nên giữa các hộ không có sự sai khác nhiều về chiều cao cây. Đường kính gốc của cây cam Vinh sau 5 tháng trồng trung bình cây tăng trưởng 2,138 cm và cao hơn giống đối chứng 0,138 cm. Tăng trưởng đường kính gốc và tăng trưởng chiều cao cây tỷ lệ thuận với nhau, cây phát triển rất cân đối với nhau đảm bảo sức sinh trưởng tốt trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Thời gian ra lộc ở các hộ tham gia mô hình chênh lệch nhau từ 2 - 6 ngày đợt 1, còn đợt 2 và đợt 3 thì có sự chệnh lệch cao hơn từ 6 - 13 ngày.

Sang năm 2017 cây sinh trưởng khỏe, chiều cao trung bình đạt 190 cm, đường kính gốc đạt 6,08 cm và chiều rộng tán đạt 82,4 cm. Tỷ lệ số cây phát lộc rất cao từ vụ xuân đến vụ thu, đạt trung bình 99,8%; riêng thời gian ra lộc đợt 4 là vụ Đông, tỷ lệ ra lộc đạt thấp. Tỷ lệ cây ra lộc ở các hộ đều phát triển mạnh ở đợt 1 và đợt 2, đợt 3 đạt 99 - 100%, đợt 4 là đợt tăng phụ nên số lượng cây và số lộc thấp hơn đạt 80 - 90%. Thời gian ra lộc của các đợt cũng tương đối tập trung, đợt 1 từ ngày 5/2 đến ngày 13/2, đợt 2 từ ngày 30/4 đến ngày 8/5, đợt 3 từ ngày 6 đến ngày 22/8. Việc cây Cam Vinh ra lộc tập trung sẽ tạo sự phát triển cân đối giữa các mùa trong năm, làm cho cành khỏe ít sâu bệnh, việc chăm sóc cũng như thực hiện áp dụng các biện pháp kỹ thuật tác động cho cây ra hoa quả năm sau thuận lợi hơn.

Sau 3 năm trồng cây Cam Vinh sinh trưởng tốt trên đất bãi trung bình chiều cao cây đạt 268,4 cm, đường kính tán đạt 208,2 cm, đường kính gốc cây đạt 7,4 cm, bộ khung cơ bản đạt tiêu chuẩn, cây kết thúc thời kỳ kiến thiết cơ bản chuyển sang thời kỳ kinh doanh, có thể mang hoa mang quả. Thời gian bắt đầu ra hoa từ ngày 20 đến ngày 27/1, đây là thời điểm ra hoa của họ cây có múi do đó đảm bảo được yếu tố về thời tiết để cây thụ phấn.Tất cả các cây đều cho bói quả, tỷ lệ đậu quả trung bình đạt trên 70%, quả đậu sai. Tỷ lệ sâu hại và bệnh hại đối với cây cam Vinh tương đối ít, một số loại sâu bệnh hại chính như: bệnh loét (chảy gôm, ghẻ) xuất hiện từ tháng 4 - 5 trên lá và quả, do thời tiết nóng ẩm, trời âm u, bệnh phát triển rất nhanh; bệnh vàng lá khi thời tiết mưa nhiều...sâu gây hại như sâu vẽ bùa, bọ cánh cứng, rệp sáp, ruồi vàng hại quả, nhện đỏ là những loại sâu hại rất phổ biến, được các cán bộ kỹ thuật theo dõi sát sao hướng dẫn các hộ dân phòng trừ kịp thời, nhằm hạn chế tối đa sự gây hại, do vậy tỷ lệ hại rất thấp dao động từ 9,8 - 10,8%, chưa đến ngưỡng gây hại về kinh tế. Trong khi đó các vườn cam ngoài vùng mô hình thì sâu bệnh gây thiệt hại lớn, có những vườn tỷ lệ hại lên đến 40%, cao hơn nhiều so với vườn của mô hình. Vườn cam trong mô hình được các hộ dân áp dụng đồng bộ các khâu từ chăm sóc đến phòng trừ sâu bệnh, do đó tỷ lệ sâu bệnh hại giảm hơn so với giống đối chứng.

Năm 2018 là năm thời tiết, khí hậu tương đối thích hợp cho cây trồng phát triển, đồng thời các hộ trồng cam Vinh trong mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên trồng năm thứ 3 tất cả các cây đều cho quả, quả cam Vinh trồng trên đất bãi có hình tròn, trọng lượng quả trung bình từ 250 - 270 gram/quả. Màu sắc vỏ quả màu vàng tươi, nhẵn, mỏng. Số múi cam đều, thịt quả mọng nước, ăn có vị thơm, ngọt đậm. Năng suất đạt 25,5 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng là 14 tấn/ha; với giá bán buôn tại vườn 20.000 đồng/kg, tương đương trên 500 triệu đồng/ha, cao hơn giống đối chứng là 270 triệu đồng/ha,trừ hết mọi khoản chi phí đầu tư từ năm thứ nhất, thứ hai và thứ ba (ước khoảng trên 350 triệu đồng/ha), lãi thuần vẫn đạt trên 170 triệu đồng/ha. Từ năm thứ 4 trở đi cây cam Vinh cho năng suất cao, có thể đạt trên 50 tấn/ha và tuổi đời cây cam Vinh kéo dài từ 15 đến 20 năm tùy theo điều kiện canh tác và hiệu quả sẽ đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm .

Mô hìnhtrồng Cam Vinh trên vùng đất bãi phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở ra hướng đi mới cho phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Thanh Miện nói riêng và của tỉnh Hải Dương nói chung và đây là mô hình điểm cho các hộ nông dân trong xã, trong huyện đến thăm quan, học tập kinh nghiệm và ngày càng mở rộng diện tích trồng, góp phần vào cơ cấu cây trồng của huyện ngày càng đa dạng, phong phú và hiệu quả. Cây cam Vinh rất thích hợp trồng trên đất bãi, có tầng đất canh tác phù sa dày. Cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh và dễ chăm bón. Hiệu quả kinh tế đạt được cao hơn so nhiều so với các cây trồng địa phương như ngô, đậu tương...và kể cả với cây ăn quả khác như Cam Lòng Vàng, Ổi. Hình thái và chất lượng quả cam Vinh của mô hình có mẫu mã đẹp hơn, màu sắc sáng hơn, chất lượng ngọt vị đậm, thơm ngon hơn so với giống đối chứng được trồng ở nơi đất thịt nhẹ phía trong đê.

Bài của Phạm Ninh Hải

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2019

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.