Khoa học và công nghệ (số 6-2019) -0001-11-30 07:06:30

Dẫn chúng tôi đi tham quan cánh đồng rộng 30 ha ở khu vực đồng Tông-Tin - An phòng ở Liên khu An Nhân, thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ, ông Đỗ Văn Do, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp thị trấn Tứ Kỳ cho biết: Những diện tích này bị bỏ hoang cách đây chừng 10 năm, là nơi trú ngụ, sinh sôi của chuột giờ đây đã được “thay da đổi thịt” thành khu nuôi thủy sản. Nhiều năm trước, thị trấn Tứ Kỳ đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể và hội viên đứng ra nhận ruộng bỏ hoang để cấy, nhằm khắc phục tình trạng bỏ hoang diện tích canh tác. Tuy nhiên do ruộng bị bỏ hoang đã nhiều năm nên việc cải tạo đất gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư lớn và hiệu quả thu về không cao cho nên ruộng vẫn lại bị bỏ hoang hóa.

Trước thực trạng đó, tháng 3/2018, Hợp tác xã Nông nghiệp thị trấn Tứ Kỳ đã phối hợp với 2 doanh nghiệp Bùi Duy Hạnh ở Tái Sơn và doanh nghiệp Huy Thuận ở thị trấn Tứ Kỳ đứng ra thuê lại ruộng của các hộ dân với giá 200 nghìn đồng/sào/năm để triển khai thí điểm mô hình cá - lúa với diện tích 30 ha. Đây là khu vực triều trũng, chua phèn khó canh tác, vụ chiêm thì đất chua, vụ mùa thì ngập úng, cấy lúa bấp bênh. Sau khi các hộ đã nhất trí, Hợp tác xã Nông nghiệp đứng ra thuê máy xúc đào đắp làm đường giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại; kéo hệ thống lưới điện, bơm nước, thuê máy dọn cỏ và mua trên 1,3 triệu cá giống các loại để thả, chủ yếu là các giống cá trắm, cá chép, cá trôi, cá rô phi và cá mè. Ngoài thức ăn công nghiệp, Hợp tác xã Nông nghiệp tận dụng những diện tích cỏ mọc hoang để làm thức ăn cho cá, vừa tiết kiệm chi phí, vừa vệ sinh đồng ruộng. HTX cũng đầu tư mua 4 máy sục khí để tăng độ oxy hòa tan trong nước cho cá; dùng các loại chế phẩm sinh học như Lasachu.ts, Bio-TC3, Bio-TC4, NH4/NH3, EM1... để khử khí độc, làm chậm sự phát triển các loại vi khuẩn gây bệnh, phân giải thức ăn dư thừa trong ruộng nuôi. Sau 5 tháng nuôi, cá phát triển tốt, ít bị bệnh, trọng lượng cá trung bình từ 2,5 - 6 kg tùy loại, tổng sản lượng ước đạt trên 5 tấn, với giá bán dao động từ 25 - 45 nghìn đồng/kg tùy loại, Hợp tác xã Nông nghiệp thị trấn Tứ Kỳ thu về trên 300 triệu đồng.

Với phương thức vụ mùa nuôi cá, vụ chiêm trồng lúa, sau khi thu hoạch cá, HTX NN đã phối hợp với Công ty giống cây trồng Thái Bình cấy lúa giống Tiến Vua và TH3-3 để làm thóc giống trên diện tích 25 ha. Trong đó, công ty sẽ hỗ trợ thóc giống, ngâm ủ mạ, gieo khay, đưa máy cấy về cấy, đồng thời phụ trách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa; HTX NN phụ trách điều tiết nguồn nước, diệt chuột bảo vệ sản xuất. Đến vụ thu hoạch, công ty sẽ đưa máy về thu hoạch, năng xuất lúa chia đôi. Vụ Chiêm Xuân năm 2019, năng xuất đạt 60 kg/sào, tổng sản lượng thu về trên 41 tấn thóc.

Sau khi thu hoạch vụ Chiêm Xuân năm 2019, tháng 5 vừa qua, HTX NN thị trấn cũng đã thả 5 tấn cá giống, gồm các loại trắm, chép, trôi, rô phi... Dự kiến sau 2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Bên cạnh đó, để tăng năng suất trên một đơn vị diện tích, HTX NN cũng nuôi trên 6 nghìn con vịt thương phẩm. Chia sẻ về hiệu quả mô hình lúa - cá, ông Nguyễn Văn Do, Chủ tịch HĐQT HTX NN thị trấn Tứ Kỳ cho biết: Việc nuôi cá kết hợp trong ruộng lúa mang lại hiệu quả kép do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, cùng hỗ trợ nhau phát triển. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giúp loại bỏ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công làm cỏ, công làm đất sau mỗi vụ. Cùng với đó, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá nên tiết kiệm được nhiều chi phí thức ăn. Nhờ nuôi thả tự nhiên, chất lượng thịt cá đảm bảo, an toàn và thơm ngon, được thương lái nhiều nơi tìm về thu mua ngay đầu bờ.

Mô hình lúa - cá do HTX NN thị trấn Tứ Kỳ đứng ra phụ trách là một trong những mô hình tiêu biểu để khắc phục tình trạng ruộng bỏ hoang và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến thời điểm này, thị trấn Tứ Kỳ chỉ còn khoảng 4 ha ruộng bị bỏ hoang. Tuy nhiên, hiện nay mô hình vẫn đang gặp một số khó khăn vì đường giao thông đã xuống cấp, chưa được bê tông hóa; mô hình đang trong giai đoạn thử nghiệm nên mới kí hợp đồng thuê ruộng một năm với nhân dân nên việc đầu tư nâng cấp, cải tạo chưa lâu dài...

Bài của Nguyễn Ngân, Đài Phát thanh Tứ Kỳ

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2019

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.