Khoa học quản lý (số 1,2 - 2020) -0001-11-30 07:06:30

Mô hình sản xuất lúa hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm đang là cách làm hay mang lại hiệu quả đối với bà con nông dân ở xã Đông Kỳ (Tứ Kỳ). Thực tế sản xuất, qua mô hình này không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản mà còn đảm bảo đầu ra cho nông dân.

Tại cánh đồng lúa thôn Đông An, xã Đông Kỳ, bà con nông dân đều đang khẩn trương thu hoạch giống lúa Gia Lộc 102. Đây là vùng sản xuất lúa tập trung có diện tích lớn nhất của xã với 25 ha. Mới 8 giờ sáng, nhưng mặt trời đã chói chang khiến việc thu hoạch lúa trở nên tất bật hơn. Do thời tiết nắng nóng nên những người nông dân ở đây đều tranh thủ thời gian từ sáng sớm ra đồng để thu hoạch lúa. Việc thu hoạch áp dụng cơ giới hoá nên bà con nông dân chỉ việc chờ máy gặt đập liên hợp gặt xong thửa ruộng của mình là vận chuyển các bao thóc lên xe công nông, xe cải tiến, rất nhanh gọn. Là một trong những hộ nông dân tham gia mô hình sản xuất lúa hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm, bà Đỗ Thị Yên, ở thôn Đông An, xã Đông Kỳ cho biết: “Gia đình bà có 3 sào, cấy giống lúa Gia Lộc. Vụ này thời tiết thuận lợi, gieo cấy vừa dễ chăm bón, năng suất lúa cao hơn các giống lúa khác”.

Theo ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc HTX NN xã Đông Kỳ cho biết: Mô hình sản xuất lúa hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm được triển khai tại xã Đông Kỳ từ năm 2016 với quy mô 20 ha. Đến nay, toàn xã đã có 3 vùng sản xuất lúa hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích hơn 50 ha, có hơn 500 hộ tham gia. Các giống lúa được đưa vào sản xuất gồm: Gia Lộc 102 với 25 ha; giống lúa LTH31 với 20 ha; giống Hải Dương thơm 7 ha.

Được biết, tham gia mô hình này bà con nông dân xã Đông Kỳ được hỗ trợ mỗi sào từ 1,5 - 2 kg thóc giống và 1 đợt thuốc trừ sâu. Ngoài ra, các hộ còn được cán bộ kỹ thuật của Công ty hướng dẫn quy trình sản xuất, từ khâu ngâm ủ, gieo cấy, thời vụ đến sử dụng liều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...Đặc biệt, diện tích sản xuất sử dụng giống lúa của Công ty cung ứng ít bị sâu bệnh, nhờ đó giảm được công, chi phí phun phòng. Tính trung bình, mỗi héc ta sản xuất theo mô hình liên kết đem lại lợi nhuận từ 2 - 2,5 triệu đồng/vụ so với phương thức tự sản xuất, tự tiêu thụ, trong khi bà con lại nhàn hơn trong khâu thu hoạch. Bởi Công ty thu mua thóc tươi ngay tại ruộng, bà con đỡ công phơi phóng, bảo quản. Bà Nguyễn Thị Huyền, ở thôn Đông An cho biết: “Vụ mùa năm 2019, gia đình tôi mới gặt hơn 4 sào giống lúa Gia Lộc 102, năng suất đạt gần 2,7 tạ/sào, được Công ty thu mua ngay tại ruộng với giá bán 5.800 đồng/kg thóc tươi, gia đình tôi rất phấn khởi”.

Ngoài việc thuận lợi về điều tiết nước tưới, thăm đồng, chăm sóc phòng, trừ sâu bệnh thì năng suất lúa nằm trong khu vực vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung cũng cao hơn giống lúa sản xuất đại trà từ 5 - 10%. Chất lượng gạo cũng cao hơn do thóc không bị pha tạp nên dễ tiêu thụ và giá bán cũng cao hơn những loại thóc khác. Hiện nay, các hộ tham gia mô hình đang bước vào vụ thu hoạch, qua kết quả kiểm tra mô hình dự kiến năng suất lúa tươi bình quân đạt 2,6 tạ/sào, nơi cao đạt gần 3 tạ/sào; so với sản xuất lúa đại trà cao hơn từ 30 - 50 kg/sào. Với giá bán 5.800 đồng/kg thóc tươi, sau khi trừ chi phí giống, phân bón, tiền làm đất, thu hoạch...cho lãi bình quân 26 triệu đồng/ha. Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc HTX NN xã Đông Kỳ cho biết: “Nông dân tham gia mô hình nay được cung ứng những loại giống tốt nhất, được tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, được bao tiêu toàn bộ sản phẩm, nhờ đó giá trị kinh tế tăng khoảng 25% so với sản xuất chưa liên kết. Hiện nay, ngoài việc vận động nhân dân tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm, HTX NN Đông Kỳ còn đứng ra thuê hơn 1 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả ở thôn Nam An để thực hiện trình diễn một số giống lúa mới do Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm cung cấp như: Nhật Nhi hoa mai, Gia Lộc 102... Xã phấn đấu trong vụ mùa tới đây có khoảng hơn 70 ha diện tích sản xuất lúa hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm”. 

Có thể nói mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm tại xã Đông Kỳ (Tứ Kỳ) bước đầu đã mang lại hiệu quả giúp người nông dân yên tâm sản xuất.

Bài của Trần Yến

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1+2 ra tháng 6/2020

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.