Khoa học quản lý (số 1-2020) -0001-11-30 07:06:30

Trong thời đại Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phát triển như vũ bão hiện nay, sở hữu trí tuệ (SHTT) trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Pháp luật quốc tế và pháp luật của hầu hết các quốc gia đều công nhận và bảo hộ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm việc phổ biến tiến bộ khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật vào mục đích phát triển xã hội.

Phát triển kinh tế - xã hội trong xu thế hiện nay thì vấn đề SHTT ngày càng được quan tâm nhiều hơn, trở thành vai trò tiên quyết, chi phối nhiều mối quan hệ, ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của một quốc gia.

Sau gần 40 xây dựng và phát triển, nền móng cho hoạt động SHTT của Việt Nam đã được xây dựng một cách tương đối vững chắc nhưng hiện trạng của chính hệ thống này cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đang đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao như phải tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thực sự trở thành công cụ quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Nhận thức được tầm quan trọng của SHTT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách và hành động để thúc đẩy hoạt động này. Đặc biệt là Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chiến lược mang tầm quốc gia về sở hữu trí tuệ, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, khẳng định sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 gồm ba phần: Quan điểm chỉ đạo, Mục tiêu và Nhiệm vụ, giải pháp. Chiến lược cũng xác định một số đề án, nhiệm vụ cần được ưu tiên thực hiện cho giai đoạn đến năm 2025 - đây là một trong những nhiệm vụ tác động trực tiếp tới hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ ở cả ba lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng trong thời gian tới. Các hợp phần nội dung của Chiến lược được xây dựng theo chu trình của hoạt động sở hữu trí tuệ, bao gồm các khâu sáng tạo, xác lập, bảo vệ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.

Chiến lược định hướng sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam trong giai đoạn tới theo ba quan điểm chỉ đạo lớn, đó là:

- Phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

- Chính sách sở hữu trí tuệ là một bộ phận không thể tách rời trong chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và các ngành, lĩnh vực.

- Hoạt động sở hữu trí tuệ có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó viện nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân hoạt động sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ.

Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo đó, Chiến lược đặt ra 5 nhóm mục tiêu phấn đấu đạt được, cụ thể là:

1. Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT;

2. Việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, công bằng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội;

3. Hiệu quả thực thi pháp luật SHTT được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền SHTT giảm đáng kể;

4. Tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về SHTT của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII):Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm, số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 6 - 8%/năm, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 8 - 10%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%/năm, 10 - 12% trong số đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài...

5. Hiệu quả sử dụng quyền SHTT được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng SHTT cao: tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8-10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; có ít nhất 1 - 2 giống cây trồng được khai thác quyền ở nước ngoài; phát triển một số ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao; số lượng doanh nghiệp sử dụng hiệu quả công cụ SHTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng đáng kể; phấn đấu đến năm 2030 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả, quyền liên quan đóng góp khoảng 7% GDP…

Bên cạnh các giải pháp bao trùm toàn bộ hệ thống SHTT như giải pháp về hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT và pháp luật liên quan; giải pháp về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; giải pháp về nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT; các giải pháp về nguồn nhân lực, về nâng cao nhận thức về SHTT…, có thể kể đến một số nhiệm vụ, giải pháp nổi bật và trực tiếp gắn với mục tiêu phát triển tài sản trí tuệ, cụ thể là:

Một là nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ: Ở nhóm này, các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương sẽ tổ chức triển khai một loạt biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, qua đó gia tăng cả về số lượng và chất lượng của tài sản trí tuệ:

- Xây dựng, cung cấp các công cụ và dịch vụ thông tin SHTT cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp;

- Sử dụng các chỉ số đo lường về SHTT làm căn cứ đánh giá hiệu quả hoạt động của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

- Xây dựng và triển khai các chương trình KH&CN, hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học hợp tác với doanh nghiệp để tạo ra kết quả nghiên cứu được bảo hộ quyền SHTT;

- Thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo kết hợp với các hình thức đầu tư mạo hiểm nhằm ươm tạo các tài sản trí tuệ từ khâu hình thành ý tưởng, nghiên cứu, phát triển tài sản trí tuệ đến sản xuất thử nghiệm, hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp;

- Hướng dẫn doanh nghiệp tạo dựng và khai thác hiệu quả các chỉ dẫn thương mại cho sản phẩm, dịch vụ của mình; hỗ trợ đăng ký bảo hộ các chỉ dẫn địa lý tiềm năng.

Hai là nhóm nhiệm vụ, giải pháp về khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ. Nhóm giải pháp này được xây dựng nhằm đạt được mục tiêu về nâng cao hiệu quả sử dụng quyền SHTT, gia tăng đóng góp của SHTT vào GDP, trong đó đáng lưu ý là:

- Hình thành và phát triển mạng lưới trung tâm chuyển giao công nghệ và SHTT tại các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ;

- Hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học thành lập doanh nghiệp để khai thác quyền SHTT, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh;

- Đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao, tạo ra các sản phẩm có uy tín và chất lượng, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá có hàm lượng SHTT cao;

- Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng công cụ SHTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh;

- Mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ trung gian để tăng cường kết nối cung cầu về tài sản trí tuệ; đẩy mạnh hoạt động đánh giá, định giá tài sản trí tuệ làm cơ sở thực hiện các giao dịch trên thị trường;

- Tăng cường khai thác, phân tích thông tin sáng chế phục vụ cho việc lựa chọn và khai thác công nghệ phù hợp;

- Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ dẫn địa lý, nguồn gen, tri thức truyền thống, bí quyết kỹ thuật, văn hóa dân gian nhằm khai thác tiềm năng sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam.

Với việc ban hành Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, hệ thống SHTT của Việt Nam được kỳ vọng sẽ có những bước tiến vượt bậc, tạo động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và phổ biến sản phẩm sáng tạo, qua đó làm giàu tài sản trí tuệ - một nguồn tài nguyên tạo nên nội lực quốc gia phục vụ trực tiếp cho sự phát triển bền vững.

Bài của Phạm Thị Huệ

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 8 năm 2020

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.