Khoa học và công nghệ (số 1-2020) -0001-11-30 07:06:30

Năm 2019, toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 669 ha bị chuột hại, chủ yếu là lúa, với mức độ hại trung bình từ 5 - 10% số dảnh. Cục bộ có những nơi bị hại nặng với tỷ lệ bị hại lên tới 70 - 80% số dảnh, vụ Mùa 2019 đã có 23,5 ha bị hại ở mức trên 70%. Những diện tích bị chuột hại nặng thường là những diện tích gieo cấy manh mún, nằm xen kẹp giữa các khu dân cư, khu chuyển đổi hoặc nằm liền kề với gò đống, bãi rác, khu bỏ hoang, ven đê bao, ven quốc lộ...diện tích bị chuột hại tăng đáng kể so với một vài năm gần đây diện tích chuột hại năm 2016: 289,2 ha; năm 2017: 215,2 ha; năm 2018: 138,7 ha.

Nguyên nhân là do vụ Đông Xuân 2018 - 2019 thời tiết ấm áp nên hoạt động tìm kiếm thức ăn và hoạt động tìm ghép đôi giao phối của chuột thuận lợi hơn vì thế mà chuột sinh sản mạnh hơn. Trong vụ Xuân sang vụ Mùa, ngay sau khi thu hoạch lúa xong, những diện tích bỏ khô và không cày vùi gốc rạ ngay sẽ là nơi cung cấp nguồn thức ăn rồi rào và nơi cư trú sinh sản của chuột. Ngày càng phát sinh nhiều bãi rác thải (nhất là rác thải sinh hoạt), khu chuyển đổi, khu bỏ hoang không gieo trồng, nhà máy, khu dân cư nằm xen kẹp giữa các khu đồng; những con đường giao thông mới hình thành chạy qua những khu đồng đã làm cho diện tích gieo trồng trở nên manh mún, phân tán. Chính vì vậy mà việc triển khai các biện pháp diệt chuột ở những địa phương này ngày càng gặp nhiều khó khăn. Số chủng loại thuốc diệt chuột trên thị trường hiện nay rất ít nên rất khó lựa chọn để thay đổi luân phiên. Chủ các trang trại, nhà máy, công ty hầu như không tự giác hợp tác với chính quyền thôn, khu dân cư trong việc tổ chức đánh chuột tập trung.

Một số địa phương có cơ cấu cây trồng phức tạp như diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả nằm đan xen nhau hoặc có nhiều bãi rác thải, khu chuyển đổi, khu bỏ hoang, nhà máy, khu dân cư nằm xen kẹp giữa các khu đồng hoặc do những con đường giao mới hình thành chạy qua nên việc triển khai các biện pháp diệt chuột ở những địa phương này gặp rất nhiều khó khăn. Các địa phương khi tổ chức đánh chuột đồng loạt hầu như mới chỉ thực hiện trên những diện tích gieo cấy, còn lại ở những diện tích bỏ hoang hoặc trong các công ty, khu chuyển đổi, khu dân cư lại không thực hiện. Việc đánh chuột của các địa phương chủ yếu bằng bả hóa học hầu như chỉ hiệu quả vào thời điểm đầu vụ gieo cấy, khi lấy nước trắng đồng, nguồn thức ăn khan hiếm. Còn lại khi lúa làm đòng trở đi việc đánh chuột bằng bả hóa học cho hiệu quả rất thấp, tình trạng để cỏ dại mọc um tùm trên các vờ vùng, bờ thửa hoặc để bèo phát triển dày đặc trên các kênh mương đã tạo điều kiện cho chuột ẩn nấp và sinh sôi thuận lợi. Một số địa phương đã tiết kiệm chia ra để đánh dàn trải hết cả vụ dẫn đến hiệu quả diệt chuột sẽ không cao do lượng thuốc ít, nồng độ không đảm bảo. Ngoài ra còn có địa phương do không theo dõi thời tiết nên ngay sau khi đặt bả đồng loạt gặp mưa to bả có thể bị cuốn trôi hoặc tan hết thuốc dẫn đến hiệu quả diệt chuột kém. Khả năng nhận biết mồi có độc của chuột rất tốt (tính nhát bả) nên ở những địa phương nào mà công tác trộn bả và đặt bả (ngụy trang bả) không tốt chuột sẽ không ăn bả dẫn đến chuột sẽ không chết.

 Hiện nay, đàn mèo trong khu dân cư vẫn không phát triển được do nạn bắt trộm kết hợp với môi trường sinh thái đồng ruộng bị ô nhiễm nên các loài thiên địch của chuột đều bị diệt vong.

Năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục cấp 100% kinh phí với số tiền 8,164 tỷ đồng đểmua thuốc diệt chuột hỗ trợ các địa phương đánh chuột 2 đợt/năm cho toàn bộ diện tích lúa, rau màu (1 đợt vào đầu vụ Xuân, với diện tích 66.364 ha và 01 đợt vào đầu vụ Mùa, với diện tích 66.338 ha). Tương ứng với tổng lượng thuốc diệt chuột được mua cho 2 vụ là 13.270,2 kg thuốc Cat 0.25WP (trong đó vụ Xuân là 6.636,4 kg, được cấp phát xong trước ngày 12/01/2019; vụ Mùa là 6.633,8kg, được cấp phát xong trước ngày 14/6/2019). Cuối năm 2019, UBND tỉnh cũng đã tiếp tục cấp bổ sung 401,882 triệu đồng để mua bổ sung thuốc diệt chuột hỗ trợ đánh chuột ở vùng cây ăn quả tập trung ở huyện Thanh Hà 5.191 ha và thành phố Chí Linh 1.817 ha.

Ngoài kinh phí hỗ trợ của tỉnh, một số huyện cũng đã quan tâm trích ngân sách hỗ trợ bổ sung thêm cho công tác diệt chuột của địa phương như Nam Sách 180 triệu đồng, Thanh Miện kinh phí mua bổ sung 705,7 kg thuốc Cat 0.25WP, Tứ Kỳ 840 triệu đồng, Gia Lộc 402 triệu đồng, Kim Thành 15 triệu đồng…đã có 38 xã/phường/thị trấn chiếm 15% cũng đã trích ngân sách để hỗ trợ mua mồi diệt chuột...

Các Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp đứng ra nhận khoán  hoặc một số nông dân đứng ra thành lập tổ đội để nhận khoán (mỗi xã có 1 - 3 tổ đội hoặc mỗi thôn 1 tổ đội, mỗi tổ đội có từ 5 - 7 người. Mức thu cũng tùy theo, nhưng chủ yếu từ 10.000 - 20.000 đồng/sào/vụ. Ở những nơi có mức thu cao từ 30.000 - 55.000 đồng thường cũng có cam kết đền bù thiệt hại nếu để chuột gây hại nặng, còn những nơi có mức thu thấp từ 7.000 - 20.000 đồng thì hầu như không có cam kết đền bù. Hiện đang có khoảng hơn 160 thôn, xã đang có hình thức hoạt động kiểu này. Mức thu của các công ty dịch vụ diệt chuột chuyên nghiệp thường dao động khoảng từ 40.000 - 60.000 đồng/sào/vụ và có cam kết đền bù thiệt hại nếu để chuột gây hại nặng. Trong năm 2019 có khoảng 40 thôn, xã đã ký hợp đồng thuê các công ty dịch vụ diệt chuột chuyên nghiệp về đánh thuê tại địa phương. Khoảng 60 thôn, xã nông dân tự đánh chuột.

Diệt chuột không chỉ mang lại riêng cho sản xuất nông nghiệp, mà là mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Diệt chuột là công việc cần phải được duy trì thường xuyên, liên tục và phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy và chính quyền địa phương. Để các tổ đội này hoạt động hiệu quả nên khuyến khích thành lập trên cơ sở phát triển từ tổ đội nông giang. Cần phải áp dụng đồng bộ các biện pháp diệt chuột. Trong đó, tùy vào giai đoạn cây trồng mà sử dụng các biện pháp phù hợp. Chú trọng các biện pháp thủ công truyền thống và sinh học trong đó có việc tích cực nhân nuôi, phát triển đàn mèo có như vậy hiệu quả diệt chuột mới cao. Do chuột là loài di chuyển nhanh, phạm vi gây hại rộng do đó diệt chuột phải mang tính cộng đồng, đồng loạt, có tổ chức chặt chẽ. Việc diệt chuột phải được thực hiện ở tất cả các nơi, từ đồng ruộng đến khu bỏ hoang, khu gò đống, vườn cây chuyển đổi, trong khu dân, nhà máy…những nơi mà chuột thường trú ngụ, ẩn nấp sinh sản, gây hại. Khi đánh chuột bằng bả hóa học phải chú ý tăng cường kiểm soát sau khi đặt bả, đặt khi nào không thấy chuột ăn nữa mới dừng. Lượng thuốc của tỉnh hỗ trợ nên dồn đánh tập trung, không phân để đánh dàn trải làm nhiều đợt. Khi trộn bả, đặt bả cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn, không nên làm theo kiểu ào ào, đại khái (trộn xong đánh ngay, hoặc trộn bả bằng thóc luộc và để lâu bả sẽ bị ôi, chua...). Trước khi tổ chức đặt bả đồng loạt cần theo dõi thời tiết để đảm bảo làm sao tối thiểu sau khi đặt bả từ 3 - 4  ngày trở lên không bị gặp mưa. Những nơi có các nhà máy, công ty, khu trang trại…cần có sự thống nhất giữa chính quyền địa phương với lãnh đạo nhà máy, công ty, chủ trang trại để đồng loạt tổ chức diệt chuột trong các đợt phát động chiến dịch diệt chuột. Hàng năm, chính quyền các địa phương tối thiểu phải tổ chức phát động được 4 đợt toàn dân đồng loạt ra quân phát quang bụi rậm, dọn vớt bèo trên các kênh mương và tổ chức săn bắt chuột thủ công; khuyến khích nhân nuôi, phát triển và bảo vệ đàn mèo trong dân.

Bài của Phạm Ninh Hải

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2020

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.