Khoa học quản lý (số 4 - 2020) -0001-11-30 07:06:30

Bệnh dịch tả vịt (DTV) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, trong tự nhiên tất cả các giống vịt ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc. Bệnhdo vi rút gây ra, làm bại huyết, xuất huyết cho vịt với các triệu chứng đặc trưng là sốt cao, sưng phù đầu, mù mắt, tiêu chảy phân trắng xanh, biểu hiện thần kinh nghẹo đầu, liệt chân, xã cánh...Bệnh có tỷ lệ chết rất cao 30 - 90%, làm giảm sản lượng trứng hoặc dừng đẻ đối với vịt sinh sản, nên bệnh đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế của người chăn nuôi. Ngoài ra còn có các loài như vịt trời, ngan, ngỗng, thiên nga cũng nhiễm bệnh. Tuy nhiên chúng có sức đề kháng cơ thể cao nên không bị chết nhưng đây lại là vật mang trùng lên nguy cơ lây lan dịch cho vịt, ngan, ngỗng nuôi là rất lớn.

Để bà con chăn nuôi vịt hiểu rõ được tác hại của bệnh và các biện pháp phòng trừ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương lưu ý những kỹ thuật cơ bản như sau để người chăn nuôi nắm được và áp dụng:

1. Phương thức truyền lây

Lây trực tiếp: Bệnh lây do tiếp xúc giữa vịt khỏe và vịt ốm hoặc vịt mang trùng.

Lây gián tiếp: Bệnh lây qua đường tiêu hóa như thức ăn, nước uống hoặc qua đường hô hấp, dụng cụ chăn nuôi. Nếu chăn thả đàn vịt có mắc bệnh chung với vịt khỏe trong cùng một khu như ruộng, ao, hồ thì chúng sẽ lần lượt lây cho các đàn vịt khỏe.

2. Triệu chứng

- Thể quá cấp: Bệnh xảy ra hết sức đột ngột, làm vịt chết nhanh như bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao. Mà không quan sát thấy các dấu hiệu lâm sàng nào ở vịt.

- Thể cấp tính: Trong thực tế khi vịt mắc bệnh dịch tả người chăn nuôi thường gặp. Con vật sốt cao trên 440C, lờ đờ, ăn kém, ngại bơi lội, hay nằm một chỗ khi quan sát kỹ thấy chảy nước mắt, nước mũi, con vật đi lại siêu vẹo và bị ngã.

- Con vật bị tiêu chảy phân xanh, xanh trắng, có mùi tanh, đôi khi có lẫn máu, xung quanh lỗ huyệt bẩn. Con vật bỏ ăn, viêm kết mạc mắt, hai mí mắt có dính liền với nhau. Đầu bị phù, nên một trong hai bên hoặc cả hai bên sưng to. Mất tiếng kêu tự nhiên, mỏ cúi chúi xuống đất.Ở vịt đực thấy dương vật sưng to, thò lò ra ngoài và được phủ một lớp màng mỏng trắng đục, ở vịt cái thấy giảm đẻ, hoặc bỏ đẻ. Sau 5 - 7 ngày nhiễm bệnh thấy tiêu chảy càng mạnh, con vật bỏ ăn hoàn toàn, tiếng kêu lạc, thậm chí mất tiếng, bại ở chân, liệt ở cánh, con vật gầy và chết nhanh.

* Thể ẩn bệnh hay còn gọi thể mang trùng:là thể bệnh thường thấy ở vịt ngan lớn tuổi hoặc những đàn thủy cầm được tiêm phòng. Thể bệnh này có các biểu hiện như thể cấp tính, nhưng ở mức độ nhẹ hơn gồm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, rối loạn hô hấp, viêm mí mắt, kết mạc mắt, giảm tăng trọng, giảm lượng trứng,…Khi ở thể ẩn bệnh lại là nển tảng cho các bệnh thứ phát khác.

3. Bệnh tích

* Thể cấp tính: Con vật chết trong 3 - 4 ngày đầu, xác chết gầy. Niêm mạc thực quản xuất huyết một phần hay toàn bộ dọc theo nếp gấp của thực quản. Ruột sưng đỏ hoặc xuất huyết. Gan có những vân đá. Lách teo nhỏ. Da đôi khi xuất huyết lấm tấm

 *Thể á cấp tính: Niêm mạc thực quản phần cuối lưỡi có màng trắng đóng bựa thành mảng, khi gạt lớp bựa trắng ra, phía dưới loét hoặc xuất huyết lấm tấm.Toàn bộ niêm mạc ruột có màng giả hoặc xuất huyết. Trực tràng và lỗ huyệt xuất huyết lấm tấm và có màng giả. Buồng trứng và ống dẫn trứng sung huyết. Màng não bị xuất huyết đỏ lấm tấm. Các cơ quan phủ tạng khác đôi khi cũng xuất huyết như màng bao tim, cơ tim. Con vật chết sau 6 - 7 ngày

    4. Phòng bệnh

Vì đây là bệnh do vi rút, nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vây chúng ta phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh là chính và kết hợp điều trị kế phát.

- Về chuồng trại: Chuồng phải khô ráo, thoáng mát, ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng nuôi, xung quanh trang trại, bố trí diện tích chuồng nuôi phải phù hợp với quy mô đàn.  Trước cửa chuồng nuôi phải có hố thuốc sát trùng; có chuồng nuôi cách ly đàn vịt mới mua về hoặc vịt ốm. Sau mỗi lứa nuôi phải tiến hành tổng vệ sinh chuồng trại, thu gom phân rác để xử lý; thực hiện việc để trống chuồng 10 - 15 ngày trước khi nhập nuôi lứa mới.

- Về con giống:Khi nhập con giống phải nhập con giống khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, từ những trang trại an toàn dịch, có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y cấp. Vịt mới mua về phải nuôi cách ly 15 ngày để theo dõi sau ổn định mới cho nhập đàn, nên thực hiên việc cùng nhập cùng xuất.

- Chăm sóc nuôi dưỡng:Thường xuyên cho vịt ăn, uống đầy đủ đảm bảo chất lượng. Bổ sung vitamin, men tiêu hoá, khoáng chất, điện giải để tăng sức đề kháng cho đàn vịt bằng các sản phẩm như: Men tiêu hóa, điện giải gluco K - C và các loại thảo dược…

- Tiêm phòng vắc xin: Thực hiện việc tiêm phòng vacxin dịch tả vịt cho đàn vịt theo lịch hướng dẫn sau:

+ Tiêm lần 1: đối với vịt con được sinh ra từ đàn bố mẹ đã được tiêm phòng vắc xin dịch tả vịt thì tiêm lần 1 lúc vịt được 2 tuần tuổi; đối với vịt con được sinh ra từ đàn bố mẹ chưa được tiêm phòng vắc xin dịch tả vịt thì tiêm lần 1 lúc vịt được 1 tuần tuổi.

+ Tiêm lần 2: thực hiện sau khi tiêm lần 1 được 2 - 3 tuần.

+ Tiêm lần 3: với vịt giống, vịt đẻ tiêm vào lúc vịt được 5 tháng tuổi (trước khi đẻ bói) sau đó tiêm nhắc lại trước mỗi vụ đẻ kế tiếp.

Khi tiêm, vắc xin phải được pha loãng với nước sinh lý vô trùng đã được làm mát sao cho 0,5 ml dung dịch tiêm chứa 1 liều vắc xin, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt ức.

5. Trị bệnh

Khi phát hiện đàn vịt bị bệnh phải thực hiện nuôi nhốt; nhanh chóng thu gom những con ốm, chết để tiêu hủy quá trình tiêu hủy phải thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; thực hiện việc vệ sinh chuồng trại, thu gom phân rác, để ủ hoặc chôn; phun thuốc sát trùng chuồng trại, tẩy uế, sát trùng toàn bộ dụng cụ chăn nuôi. Lưu ý thức ăn thừa tuyệt đối không được đổ xuống ao hoặc các kênh rạch.

* Dùng kháng thể vịt tiêm bắp thịt hoặc dưới da  với liều như sau:

- Vịt dưới 2 tuần tuổi: tiêm 1 ml/con, sau 3 ngày tiêm lại 1 ml/con.

- Vịt trên 2 tuần tuổi: tiêm 1,5 - 2 ml/con, sau 3 ngày tiêm lại 1,5 - 2 ml/con. Nếu không tiêm thì có thể chuyển bằng cách cho uống trực tiếp với 10 liều gấp đôi liều tiêm. Sau khi sử dụng kháng thể 10 - 12 ngày, thì tiến hành tiêm phòng vacxin dịch tả vịt cho toàn đàn.

* Nếu không có kháng thể có thể dùng vắc xin dịch tả vịt tiêm thẳng vào ổ dịch với liều gấp 2 lần bình thường. Sau 7 - 8 ngày những con mang mầm bệnh sẽ chết, những con chưa nhiễm bệnh sẽ có miễn dịch chống lại bệnh. Lưu ý với biên pháp này thì những vịt qua khỏi chỉ nuôi thịt, không dùng làm giống.

Trong quá trình điều trị cần sung thêm đường Gluco, chất điện giải, giải độc gan, thận dùng Bbomplex - C với liều 2 gram/lít nước; dùng Sorbitol với liều 2 gram/1 lít nước uống; dùng men saccharo với liều 1 kg/50 - 75 kg thức ăn.

Phòng bệnh tiêu chảy:Dùng Ampicoli oral hoặc Apimix với liều 1 gram/5 kgP. Hoặc dùng COLI-200 với liều 1 gram/lít nước (100 gram/500 kg thể trọng/ngày), dùng liên tục 3 - 5 ngày.

Phòng bệnh hô hấp:Dùng Doxysin với liều 1 gram/5 kgP hoặc Tetratylo với liều 1 gram/3 - 5 kgP.

Thường xuyên nghe các thông tin về tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, khi phát hiện đàn vịt có dấu hiệu khác thường, nghi mắc bệnh truyền nhiễm. Tuyệt đối không được dấu dịch không bán chạy hoặc vứt xác vịt chết ra môi trường tránh làm lây nan dịch.

Bài của Nguyễn Minh Đức, Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 10 năm 2020

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.