Khoa học quản lý (số 2 - 2021) -0001-11-30 07:06:30

Cá Ngạnh là loài cá da trơn, có thân trần, trơn láng, vây màu xám, vùng ngoại biên của vây đuôi màu đen, vùng ngoại biên của các vây khác trong suốt. Trong vòng đời, màu sắc cá có thể thay đổi từ màu bạc đến hơi xám tới màu đồng ở trên lưng, trắng ở dưới bụng. Ở Việt Nam cá Ngạnh có ở tất cả các hệ thống sông từ miền Bắc như sông Hồng, sông Mã, sông Lam...Cá Ngạnh có đặc trưng thịt trắng, thơm ngon, có dinh dưỡng cao, tỷ lệ thịt cá chiếm 69,92% khối lượng thân cá, hàm lượng protein trung bình đạt 17,36%, chất béo là 4,37%, hàm lượng axit béo không no 2,52%, khoáng chất 1,42%. Thành phần axit béo trong thịt cá Ngạnh có tổng số 11 axit béo, trong đó gồm 4 axit béo bão hòa và 7 axit béo không bão hòa. Do vậy, cá Ngạnh được đánh giá là một trong những loài cá nước ngọt ngon, có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định.

Xuất phát từ đặc trưng sản phẩm, giá trị dinh dưỡng của cá Ngạnh và nhu cầu của thị trường đối với loại thuỷ sản này, đồng thời để xem xét bổ sung đối tượng mới trong nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc (trực thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I) đã đề xuất thực hiện đề tài “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Ngạnh Cranoglanis bouderius (Richardson, 1846) trong lồng và trong ao đất tại Hải Dương” và đã được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện trong Kế hoạch Khoa học và công nghệ năm 2019 - 2020. Đề tài do Thạc sỹ Nguyễn Hải Sơn làm chủ nhiệm, được thực hiện với ba nội dung chủ yếu: Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Ngạnh với quy mô 6 lồng nuôi, mỗi lồng có thể tích 108 m3 với tỷ lệ sống đạt trên 80%, cho sản lượng 2,5 tấn cá Ngạnh thương phẩm, kích cỡ thu hoạch 0,4 - 0,6 kg/con; Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Ngạnh trong ao đất với quy mô 3 ao nuôi, mỗi ao có diện tích 1000 m2, tỷ lệ sống 80% cho sản lượng đạt 1,6 tấn cá Ngạnh thương phẩm, kích cỡ thu hoạch 0,4 - 0,6 kg/con. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Ngạnh trong lồng và trong ao đất phù hợp với điều kiện tỉnh Hải Dương.

Về mô hình nuôi cá Ngạnh trong lồng, kết quả theo dõi, đánh giá cho thấy, cá Ngạnh nuôi trong 6 lồng tại 3 mô hình đều có mật độ thả là 10 con/m3, kích cỡ cá thả trung bình là 41,7 ± 6,46 gram/con. Sau 12 tháng nuôi, trọng lượng cá trung bình khi thu hoạch ở mô hình 1 đạt 548,6 ± 62,24 gram/con, mô hình 2 đạt 547,3 ± 62,32 gram/con, mô hình 3 đạt 541,2 ± 54,62 gram/con. Chiều dài bình quân cá Ngạnh sau 12 tháng nuôi đạt từ 33,94 ± 7,42 đến 34,23 ± 1,66 cm/con. Cá ở mô hình 1 có tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài thân đạt cao nhất (0,04 cm/con/ngày), tiếp đến là mô hình 2 (0,039 cm/con/ngày) và thấp nhất là mô hình 3 (0,038 cm/con/ngày). Trong tháng nuôi đầu tiên, tỷ lệ sống của 03 mô hình nuôi lồng không có sự sai khác (p>0,05). Từ tháng nuôi thứ 2 đến tháng nuôi thứ 3, ở mô hình 1 và mô hình 2 có sự khác biệt với mô hình 3 (p<0,05). Sau 12 tháng nuôi, tỷ lệ sống ở mô hình 1 là 84%, mô hình 2 là 85,6%, mô hình 3 là 86,2. Tổng khối lượng cá thả cho từng mô hình là 83,4 kg, sau 12 tháng nuôi, tổng khối lượng cá thu được ở mô hình 1 là 921,6 kg, mô hình 2 (937 kg) và mô hình 3 (933 kg) tương đương với khối lượng cá tăng trưởng của mô hình 1 là 838,2 kg, mô hình 2 là 853,6 kg và mô hình 3 là 849,6 kg. Cả 3 mô hình nuôi cá Ngạnh trong 6 lồng cho tổng khối lượng cá thu là 2.791 kg, cao hơn so với mục tiêu đề ra 2,50 kg. Hệ số tiêu tốn thức ăn ở 3 mô hình nuôi lồng có khác nhau, tuy nhiên sự khác nhau giữa 3 mô hình là không có ý nghĩa thống kê. Ở mô hình1 có hệ số tiêu tốn thức ăn cao nhất 1,80, tiếp đến là mô hình 3 có hệ số thức ăn là 1,78, hệ số thức ăn thấp nhất là ở mô hình 2 (1,77).

Về mô hình nuôi cá Ngạnh trong ao, cả 3 mô hình đều có mật độ cá thả là 1,5 con/m2, kích cỡ cá thả trung bình là 44,8 ± 6,46 gram/con.Trọng lượng cá trung bình khi thu hoạch sau 12 tháng nuôi ở mô hình 1 đạt 447,4 ± 12,74 gram/con, mô hình 2 đạt 451,4 ± 17,61 gram/con, mô hình 3 đạt 455,9 ± 18,66 gram/con. Chiều dài bình quân của cá Ngạnh đạt từ 38,94 ± 7,42 đến 39,23 ± 1,66 cm/con. Trong đó, cá ở mô hình 1 có tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài thân đạt cao nhất (0,037 cm/con/ngày), tiếp đến là mô hình2 (0,036 cm/con/ngày), thấp nhất là mô hình 3 (0,034 cm/con/ngày). Kết quả phân tích phương sai cho thấy, không có sự sai khác về tốc độ tăng trưởng chiều dài của cá Ngạnh theo ngày giữa các ao của mô hình 1, mô hình 2 và mô hình 3. Năng suất trung bình sau 12 tháng nuôi của mô hình 1 đạt 6.004 kg/ha với tỉ lệ sống đạt 80,3%, mô hình 2 đạt 6.129,5 kg/ha với tỷ lệ sống đạt 81,7%, mô hình 3 đạt 6.371,2 kg/ha, tỷ lệ sống đạt 82,3%. Hệ tiêu tốn thức ăn của cả quá trình nuôi trong ao trung bình là 2,2 ± 0,2.

Kết quả theo dõi, hạch toán chi phí của đề tài cho thấy, mô hình nuôi thương phẩm cá Ngạnh trong lồng với thể tích lồng nuôi 108 m3, mật độ thả 10 con/m3, kích cỡ cá thả 41,7 gram/con, giá bán cá Ngạnh thương phẩm của mô hình nuôi lồng là 100.000 - 120.000 đồng/kg có tỷ suất lợi nhuận là 27%, lợi nhuận thu được là 11.515.000 đồng sau 12 tháng nuôi. Ở mô hình nuôi cá Ngạnh trong ao, với quy mô nuôi 1.000 m2 diện tích/1 ao nuôi, mật độ thả 1,5 con/m2, kích cỡ cá thả 44,8 gram/con, giá bán cá Ngạnh thương phẩm là 90.000 - 110.000 đồng/kg, mô hình nuôi ao có tỷ suất lợi nhuận là 16%, lợi nhuận thu được là 8.233.000 đồng sau 12 tháng nuôi. Tỷ suất lợi nhuận của mô hình nuôi cá Ngạnh như trên ở mức trung bình và phụ thuộc vào tỉ lệ sống, giá bán của cá. Trong đó, chi phí về con giống cá Ngạnh khá lớn chiếm 47% với nuôi lồng, 56,8% với nuôi ao, chi phí về thức ăn của cả mô hình nuôi lồng và nuôi ao là 28,3%.

Cùng với việc xây dựng mô hình nuôi cá Ngạnh thương phẩm trong lồng và trong ao đất, thông qua quá trình theo dõi, chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc đã xây dựng và hoàn thiện được quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Ngạnh trong lồng và trong ao đất phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh Hải Dương. Quy trình đã đưa ra được các yêu cầu kỹ thuật chính trong quá trình nuôi bao gồm: tiêu chuẩn lựa chọn cá giống; yêu cầu kỹ thuật đối với ao nuôi, lồng nuôi cá; mật độ nuôi và mùa vụ thả cá; kỹ thuật cho ăn, chăm sóc; quản lý môi trường nuôi; kỹ thuật phòng và trị bệnh cho cá... Đây là tài liệu cần thiết để cán bộ kỹ thuật hướng dẫn và các hộ dân áp dụng trong quá trình nuôi đối tượng thuỷ sản mới này trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, để đảm bảo chủ động nguồn con giống đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm cá Ngạnh của các hộ nuôi thuỷ sản trong và ngoài tỉnh, Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc đã tuyển chọn được 700 cá thể cá Ngạnh (tổng khối lượng 567 kg) từ các mô hình của Đề tài để xây dựng đàn cá hậu bị. Đàn cá bố mẹ hậu bị này sinh trưởng tốt, sau 3 tháng nuôi tích cực đã đạt khối lượng trung bình 850 gram/con, tỷ lệ sống 100%. Một số cá bố mẹ hậu bị đã có biểu hiện phát triển cơ quan sinh dục như buồng trứng và tinh sào.

Những kết quả đạt được nêu trên của Đề tài “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Ngạnh Cranoglanis bouderius (Richardson, 1846) trong lồng và trong ao đất tại Hải Dương” cho thấy, cá Ngạnh là loài cá có thể thích nghi với môi trường nuôi lồng và nuôi ao trên địa bàn tỉnh. Đây là đối tượng thuỷ sản mới có giá trị kinh tế cao, có thể bổ sung vào đối tượng nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước và điều kiện sinh thái của tỉnh.

Bài của Phạm Ninh Hải

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2021

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.