Khoa học và công nghệ (số 3-2021) -0001-11-30 07:06:30

Cuộc cáchmạng công nghiệp 4.0 Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất vào cuối thế kỷ 18 thường được biết đến là cách mạng hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai là điện khí hóa diễn ra từ cuối thế kỷ 19 và từ nửa sau thế kỷ 20 đã xảy ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba là cuộc cách mạng về Internet và tự động hóa. 

Ngày nay, chúng ta đang nói đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là cách mạng 4.0 với đặc điểm là số hóa hoàn toàn quá trình sản xuất, kết nối các dịch vụ và năng lực xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ trong thời gian thực. Đặc trưng của cuộc cách mạng này là sự hợp nhất của các ngành khoa học và kỹ thuật, nó đã làm mờ ranh giới giữa vật lý, sinh học và kỹ thuật số.

Cách mạng công nghiệp 4.0 hay “Sản xuất thông minh”, hay được hiểu chung là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa sản xuất công nghiệp truyền thống với các thành tựu mới của công nghệ thông tin và viễn thông hay nói cách khác là sự tham gia của con người trong các quá trình sản xuất công nghiệp mà trước đây phần lớn phụ thuộc vào chân tay thì nay được thay thế chủ yếu bằng bộ não (trí tuệ nhân tạo AI). Điều đó có nghĩa không chỉ các máy móc, thiết bị được kết nối thông minh hơn mà chính con người cũng trở nên thông minh hơn trong quản lý và vận hành quá trình sản xuất. Kết quả là nó làm thay đổi cơ bản cách thức mà các cá nhân, các doanh nghiệp, cả xã hội sống, làm việc và giao tiếp với nhau.

Đặc điểm của cuộc cách mạng 4.0

Thứ nhất,nó làm cho mọi thứ thay đổi nhanh chóng nhờ sự tiến bộ vượt bậc của khoa học và công nghệ số. Mô hình doanh nghiệp số trong đó số hóa quá trình sản xuất, tạo ra các sản phẩm và các dịch vụ số, đồng thời số hóa cũng được thực hiện ngay trong quá trình giao tiếp và kết nối với khách hàng

Thứ hai,cách mạng 4.0 thúc đẩy và hình thành mạng lưới các hệ thống sản xuất thông minh chuyển từ sản xuất tập trung sang phân tán.

Thứ ba,đó là khả năng phân tích, áp dụng thông tin được trích xuất từ các nguồn dữ liệu lớn để phục vụ cho việc ra các quyết định liên quan đến quá trình sản xuất.

Thứ tư,là sự hội tụ theo chiều dọc và chiều ngang tạo ra một thế hệ mới mạng lưới các chuỗi giá trị toàn cầu trong đó có sự đan xen của các ngành kỹ thuật xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi giá trị cũng như toàn bộ vòng đời của sản phẩm.

Với những đặc trưng ở trên, các doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ sở hữu những tài sản hữu hình của riêng mình mà còn sử dụng tới các nguồn nhân lực, vật lực của các doanh nghiệp khác thông qua kết nối Internet. Nhiều mô hình kinh doanh mới được tạo ra không chỉ dựa trên nền tảng của tự động hóa, số hóa mà còn là sự thay đổi cơ bản về triết lý kinh doanh và cách thức quản lý doanh nghiệp để tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ mới. Ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp 4.0 không chỉ dựa vào chất lượng, giá cả, hiệu quả trong mô hình kinh doanh mà còn phải tạo ra sản phẩm có tính độc đáo, sáng tạo, đáp ứng đa mục đích của người sử dụng.

Những ảnh hưởng và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với doanh nghiệp

Với sự kết hợp của Interent vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra nhiều ngành nghề mới, nhiều tri thức mới, nhiều khái niệm mới khác hẳn cách thức truyền thống. Những đặc điểm nổi bật trong cách mạng 4.0 như khả năng tương tác rộng, hoạt động trong thời gian thực, sự liên kết tương hỗ lẫn nhau, sự tích hợp theo cả chiều dọc và chiều ngang của các hệ thống sản xuất thông qua các thành tựu của công nghệ thông tin và Internet đã tạo ra nhiều cơ hội thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển nhưng cũng đặt ra không ít thách thức mới mà doanh nghiệp phải đối mặt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu. Chuyển đổi số hóa toàn bộ mọi mặt hoạt động trong doanh nghiệp là một giải pháp đột phá để vượt qua những thách thức này. Thành công của doanh nghiệp trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào cải tiến mô hình kinh doanh hơn là cải tiến sản phẩm. Hiện nay, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chỉ chú trọng vào yếu tố công nghệ mà ít quan tâm đến cải tiến mô hình kinh doanh với sự giúp đỡ của những thành tựu công nghệ này. Mô hình kinh doanh mới sẽ tạo ra những doanh nghiệp hoàn toàn mới có khả năng cạnh tranh với những doanh nghiệp tiên tiến hiện nay. Các doanh nghiệp ngoài việc liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp khác thì việc liên kết, hợp tác chặt chẽ với người lao động, với chính phủ, với các trường đại học và các viện nghiên cứu là rất quan trọng. 

Các yếu tố như quá trình toàn cầu hóa, tính không ổn định của thị trường do tác động của các yếu tố địa chính trị, sự tiến bộ của công nghệ, đã và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần phải tiến hành mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số, tăng cường tự động hóa, tối ưu hóa chuỗi giá trị sản xuất đến tay người tiêu dùng. Ngoài việc đầu tư về công nghệ, các doanh nghiệp cần phải xây dựng được mô hình kinh doanh mới phù hợp.

Trong những năm vừa qua chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của dịch vụ kinh doanh taxi GRAB mà không có một chiếc ô tô nào hoặc dịch vụ kinh doanh khách sạn khắp thế giới mà công ty không hề sở hữu một phòng ở nào.

Các doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng 4.0 đang bị tác động bởi những sự thay đổi bất ngờ, nhanh đến chóng mặt và những mối quan hệ đa chiều, phức tạp. Chẳng hạn nhưhiện nay các doanh nghiệp ở Việt Nam đang phải vật lộn để tồn tại trong đại dịch Covid-19. Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng đầu năm 2020, có khoảng 78.000 doanh nghiệp (tương ứng khoảng 8.700 doanh nghiệp mỗi tháng)trong tất cả các lĩnh vực đã phải ngừng kinh doanh có thời hạn, phần còn lại là ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể…“Điều này thể hiện sự ảnh hưởng rất lớn và dai dẳng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời cho thấy quá trình thanh lọc đang diễn ra mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp”, báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh viết.

Để hạn chế thấp nhất tác động của những rủi ro và sự thay đổi nhanh chóng môi trường kinh doanh. các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, cải thiện quản trị doanh nghiệp, áp dụng công nghệ, tự động hoá một số công đoạn sản xuất nhằm tinh gọn bộ máy, giảm chi phí phù hợp với bối cảnh mới.

Nước ta có đến hơn 90% các doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đóng góp tới hơn 40% GDP của quốc gia, các doanh nghiệp này có qui mô nhỏ về vốn, số nhân công ít, trang thiết bị lạc hậu. Rất nhiều doanh nghiệp trong số này là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ nên chưa có uy tín và thương hiệu, trình độ quản lý còn yếu, chưa có mô hình kinh doanh ổn định, hầu như chưa quan tâm đến việc chuyển đổi số, không theo kịp các khái niệm Cuộc cách mạng 4.0. 

Trong môi trường số, rất nhiều kinh nghiệm hay trước đây nay lại trở thành gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp dường như không thể thoát ra khỏi những giới hạn vô hình nào đó hoặc thậm chí không dám đối mặt với những biến động phức tạp trong tương lai. Tuy nhiên, tác động của cách mạng 4.0 đến doanh nghiệp không chỉ là tiêu cực. Đây cũng là cơ hội tốt cho những doanh nghiệp dám thay đổi, dám đươngđầu với những thử thách, có tư duy đột phá để phát triển.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang xâm nhập vào mọi mặt của nền kinh tế, xã hội của tất cả các nước trên toàn thế giới. Đây vừa là cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Để bắt kịp với sự thay đổi của môi trường kinh doanh cũng như tăng cường lợi thế cạnh tranh, chuyển đổi số là ưu tiên trọng tâm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để theo kịp với nhịp độ của cuộc cách mạng 4.0, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị có liên quan, đồng thời đang tích cực xây dựng kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, chuẩn bị chiến lược phát triển cách mạng 4.0. Về phía các doanh nghiệp, một mặt phải nhận thức đúng và đủ những thời cơ, thách thức và những khó khăn của doanh nghiệp trong giai đoạn mới. Mặt khác các doanh nghiệp phải nhanh chóng xây dựng lộ trình số hóa, chủ động hợp tác, kết nối để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Nếu các doanh nghiệp còn bị động với các xu thế mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình sản xuất kinh doanh thì đồng nghĩa với các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa và sẽ bị loại bỏ trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt của cuộc cách mạng 4.0.

Tài liệu tham khảo

1. Tài liệu nghiên cứu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0, Báo cáo do một nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

2. Hồ Quế Hậu, “Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt nam: Tiềm năng, rào cản và vai trò của Nhà nước”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 260, tháng 2/2019.

3. Báo điện tử VTV News https://vtv.vn/kinh-te/.

4. Cổngthông tin điện tử của Bộ Công thương https://www.moit.gov.vn

Bìa của Ths. Lê Thị Thảo, Đại học Dược Hà Nội

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2021. 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.