Khoa học và công nghệ (số 3-2021) -0001-11-30 07:06:30

Sỏi tiết niệu là bệnh thường gặp trên thế giới và ở nước ta, tuổi thường gặp từ 30 - 60 tuổi, tỷ lệ gặp ở nam 60%, nữ 40%. Khi đã phát hiện sỏi cần điều trị sớm để tránh các biến chứng nhiễm trùng, suy giảm chức năng thận.

 Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật các phương pháp điều trị ít xâm lấn phẫu thuật lấy sỏi thận qua da (LSTQD) - Percutaneous Nephrolithotomy (PCNL) là một trong số các phương pháp điều trị ít xâm lấn ngày càng được áp dụng rộng rãi trong điều trị sỏi đường tiết niệu trên. Từ những tiến bộ về kỹ thuật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã phẫu thuật LSTQD đường hầm nhỏ dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108...

Năm 2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã thực hiện Đề tài “Ứng dụng phẫu thuật lấy sỏi thận qua da tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương”. Nhằm ứng dụng phẫu thuật và hoàn thiện quy trình phẫu thuật lấy sỏi thận qua da đường hầm nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Đề tài do BSCKII. Nguyễn Duy Đông làm chủ nhiệm.

Ban chủ nhiệm Đề tài đã nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật lấy sỏi thận qua da cho hơn 100 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương trong 2 năm 2018 - 2019. Tuổi trung bình là 54,02 tuổi, nhỏ nhất là 24 tuổi, lớn nhất là 87 tuổi. Năm 2018: 53,56 ± 13,30 tuổi, năm 2019: 54,48 ± 10,4 tuổi. Tuổi  ≥ 50 gặp chủ yếu chiếm 72%. Năm 2018 chiếm 74%, năm 2019 chiếm 70%. Tỷ lệ nam/nữ là tương đương 2018 và 2019 và không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa hai năm (P = 0,698). Bệnh nhân chưa được can thiệp chiếm 86%. Trong số bệnh nhân đã được can thiệp sỏi, mổ mở lấy sỏi gặp nhiều nhất chiếm 11%. Đau âm ỉ gặp 92 bệnh nhân chiếm 92%. Đau từng cơn 6 bệnh nhân (6%), Sốt 3 bệnh nhân (3%). Đái buốt 11 bệnh nhân (11%), năm 2018 có 6 bệnh nhân, năm 2019 có 5 bệnh nhân. Không triệu chứng 2 bệnh nhân (2%).

Xét nghiệm hồng cầu máu ngoại vi: Số lượng hồng cầu trung bình 4,66 ± 0,458 T/l. Thấp nhất 3,59 T/l, cao nhất 6,06 T/l. Năm 2018: 4,7 ± 0,38 T/l, năm 2019: 4,62 ± 0,52 T/l. Không có sự khác biệt giữa hai năm (P = 0,419).

Xét nhiệm huyết sắc tố: Xét nhiệm huyết sắc tố trung bình: 137,43 ± 15,08 g/l, thấp nhất 87 g/l, cao nhất 170 g/l. Huyết sắc tố ≥120 chiếm 91%. Không có sự khác biệt lượng Huyết sắc tố giữa hai năm (P = 1,00).

Xét nghiệm bạch cầu: Số lượng bạch cầu máu ngoại vi TB: 7,97 ± 2,81 G/l, thấp nhất 4,35 G/l, cao nhất 21,93 G/l. Năm 2018: 7,23 ± 1,56 G/l, năm 2019: 8,7 ± 3,49 G/l. Không có sự khác biệt số lượng bạch cầu giữa hai năm (P = 0,541). Đa số bệnh nhân có số lượng bạch cầu ≤ 10 G/l, năm 2018 chiếm 92% tổng số bệnh nhân. Năm 2019 chiếm 78%.

Xét nghiệm sinh hóa máu: Chỉ số Creatinin máu trung bình thấp nhất 49 µmol/l, cao nhất 2,03 µmol/l. Creatinin máu TB năm 2019 cao hơn năm 2018 (P = 0,02). Hầu hết bệnh nhân có chỉ số Creatinin < 120 µmol/l chiếm 97%. Không có bệnh nhân nào có Creatinin > 300 µmol/l ở cả hai nhóm nghiên cứu.

Xét nghiệm nước tiểu: Hồng cầu niệu có trong nước tiểu chiếm 56%. Có bạch cầu niệu chiếm 64%, năm 2018 là 70%, năm 2019 là 58%. Tỷ lệ cấy khuẩn nước tiểu có vi khuẩn mọc chiếm 18%. Năm 2018 là 14%, năm 2019 là 22%. Thận không giãn chiếm 33%. Năm 2018 chiếm 20%, năm 2019 chiếm 46%. Thận giãn độ I năm 2018 chiếm tỷ lệ 42%, năm 2019 chiếm 26,0%, tương đương nhau. Số lượng sỏi hai viên trở lên gặp phổ biến chiếm 75%. Đa số các trường hợp có sỏi kết hợp đài bể thận, năm 2018: 60%; năm 2019: 54%. Sỏi san hô năm 2018 chiếm 16%, năm 2019: 30%. Trong nhóm bệnh nhân có sỏi kích thước 20 - 30 mm (51%) và kích thước trên 30 mm (40%). Tỷ lệ vô cảm bằng gây tê tủy sống chiếm 63%. Chọc dò vào thận ở vị trí đài giữa thực hiện nhiều nhất (72%), sau đến nhóm đài dưới (27%).

Bệnh nhân chuyển mổ mở do chảy máu trong khi thực hiện phẫu thuật ở 1 trường hợp chiếm 1%. Thời gian phẫu thuật trung bình 65,43 ± 25,49 phút. Ngắn nhất 27 phút, dài nhất 130 phút. Thời gian Tán sỏi chiếm nhiều nhất, thời gian phẫu thuật chủ yếu từ 31 - 60 phút chiếm 44,4%, 61 - 90 phút 34,3% và hơn 90 phút 16,1%. Thời gian phẫu thuật trung bình của nhóm bệnh nhân có sỏi kích thước ≥ 3 cm so với nhóm sỏi < 3 cm có sự khác biệt có ý nghĩa (P = 0,0001). Thời gian phẫu thuật của sỏi san hô dài hơn thời gian mổ của các loại sỏi khác.

Thời gian đặt dẫn lưu thận sau phẫu thuật trung bình 4,04 ± 2,85 ngày, ngắn nhất 1 ngày, dài nhất 14 ngày. Thời gian đặt dẫn lưu thận 3 ngày gặp nhiều nhất năm 2018 tỷ lệ này chiếm 73,5% và năm 2019 là 72%. Thời gian nằm viện trung bình 7,05 ± 3,15 ngày. Ngắn nhất 3 ngày, dài nhất 16 ngày. Thời gian nằm viện 6 - 10 ngày chiếm chủ yếu năm 2018 chiếm 44,4%, tỷ lệ này ở năm 2019 là 32%. Sau phẫu thuật, bệnh nhân chủ yếu đau ít và đau vừa tỷ lệ này chiếm 96%. Lượng huyết sắc tố trung bình sau mổ ở nhóm nghiên cứu giảm là 15,84 g/l. Tỷ lệ tai biến là 2%; tỷ lệ biến chứng là 13%. Chảy máu 5%, nhiễm trùng 7% và chảy máu đồng thời nhiễm trùng 1%, tỷ lệ sạch sỏi là 94,9%. Sạch sỏi hoàn toàn là 62,6%. Kết quả phẫu thuật tốt là 82,6%, trung bình là 14%, xấu là 4%. Năm 2018 tốt là 74%, trung bình là 20%, xấu là 6%, tỷ lệ này ở năm 2019 là tốt 90%, trung bình 8%, xấu 2%.

Ứng dụng phẫu thuật lấy sỏi thận qua da đường hầm nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương trong trường hợp sỏi có kích thước ≥ 2 cm 96%. Hình sỏi đa dạng, sỏi nhiều viên chiếm 75%, sỏi bể thận + đài thận và sỏi san hô chiếm 23%. Phương pháp vô cảm bằng tê tủy sống chiếm 63%. Vị trí chọc dò vào thận ở đài giữa chiếm 72%. Phẫu thuật cho kết quả an toàn, hiệu quả như: Thời gian phẫu thuật trung bình 65,43 ± 25,49 phút; Thời gian nằm viện ngắn, trung bình 7,05 ± 3,15 ngày; Tỷ lệ tai biến thấp 2%, biến chứng là 13%; Tỷ lệ sạch cao chiếm 94,9%, trong đó sỏi hoàn toàn là 62,6%. Kết quả phẫu thuật tốt là 82,6%, trung bình là 14%, xấu là 4%.

Đề tài “Ứng dụng phẫu thuật lấy sỏi thận qua da tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương” đã góp phần rút ngắn thời gian phẫu thuật, đường mổ nhỏ, chống nhiễm trùng, ít đau, giảm thời gian nằm viện và chi phí cho người bệnh…

Bài của Phạm Ninh Hải

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2021

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.