Khoa học quản lý (số 5 - 2021) -0001-11-30 07:06:30

Vụ mùa 2021 toàn tỉnh gieo cấy 55.138 ha, đạt 99,8% so kết hoạch (55.250 ha), giảm 763 ha so vụ mùa 2020. Các huyện có diện tích giảm chủ yếu: Nam Sách 187 ha (chuyển sang khu công nghiệp), Kim Thành 402 ha, Thanh Hà 89 ha (chuyển đổi sang trồng cây màu, cây ăn quả).

Sản xuất vụ Đông được xác định là vụ sản xuất chính, có nhiều lợi thế, và còn nhiều “dư địa”. Vụ đông năm nay dự báo là vụ đông lạnh, rét đến sớm thuận lợi cho cây rau ưa lạnh là nhóm cây trồng vụ đông chủ lực của tỉnh. Diện tích trà lúa mùa sớm cho thu hoạch trên 15.000 ha, sớm hơn 5 - 7 ngày so cùng kỳ năm trước (CKNT) đảm bảo dư quỹ đất cho phát triển cây vụ đông, nhất là cây vụ đông sớm và ưa ấm có hiệu quả kinh tế cao. Một số thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc có xu hướng chuyển nguồn nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Kế hoạchvụ đông năm 2021 - 2022, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 21.000 ha, gồm các loại rau chủ lực như hành, tỏi củ; cà rốt, bắp cải, su hào, súp lơ, ngô… cây khác 1.500 ha. Giá trị sản xuất 4.700 tỷ đồng, bình quân 220 triệu đồng/ha. Phấn đấu mở rộng thêm khoảng 10% diện tích cây vụ đông so với kế hoạch, tương đương khoảng 2.000 ha.

Với những thuận lợi và khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, tỉnh Hải Dương đã chủ động đề ra các giải pháp phát triển sản xuất cây vụ đông năm 2021 - 2022 như sau:

Vụ đông là vụ sản xuất chính, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Cây vụ đông ở các vùng sản xuất tập trung truyền thống, có thị trường tiêu thụ ổn định, nông dân có tập quán sản xuất tốt như: vùng hành, tỏi ở Kinh Môn, Nam Sách, Thanh Hà,…; vùng cà rốt ở Cẩm Giàng, Nam Sách, TP.Chí Linh, TP.Hải Dương,..; vùng su hào, bắp cải ở Gia Lộc, Tứ Kỳ,… vùng rau các loại ở Kim Thành…; vùng cà chua ở Nam Sách, TP.Hải Dương; vùng ngô ở Ninh Giang, Thanh Miện…mở rộng các cây vụ đông không áp lực thời vụ thu hoạch, có thể thu hoạch kéo dài hoặc thu hoạch bảo quản tại nông hộ, bán dần như: cây hành tỏi, cà rốt, khoai tây,…trồng rải vụ, lách vụ, lệch vụ và hạn chế mở rộng diện tích cuối vụ đối với nhóm cây ăn lá, khó bảo quản tại nông hộ và thường bị áp lực tiêu thụ,.. để tránh áp lực giai đoạn cuối vụ để giải phóng đất cấy lúa Xuân.

Duy trì và mở rộng các mô hình thuê, mượn ruộng để sản xuất cây vụ đông gắn với bao tiêu sản phẩm như: Mô hình sản xuất bắp cải, su hào, dưa chuột, khoai tây, rau ăn lá,…tại Thanh Miện, Thanh Hà, Gia Lộc, Bình Giang, Ninh Giang, Cẩm Giàng; các mô hình thuộc chương trình hỗ trợ của tỉnh, của địa phương.

Một số nhóm cây trồng cụ thể:

- Đối với cây cà rốt: khoảng 80% phục vụ xuất khẩu việc tiêu thụ cà rốt ít bị áp lực bởi thị trường trong nước. Mở rộng diện tích trồng cà rốt trên các chân đất phù hợp để phục vụ thị trường xuất khẩu và một phần phục vụ thị trường trong nước. Nâng cao chất lượng, kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt dư lượng thuốc trừ bệnh Hexaconazon trên củ cà rốt trước khi thu hoạch để doanh nghiệp yên tâm thu mua, xuất khẩu.

- Đối với cây hành tỏi: Trên 90% tiêu thụ trong nước gồm bán ăn tươi hoặc phục vụ chế biến. Sau khi thu hoạch, có thể bảo quản tại nông hộ để tiêu thụ dần nên ít bị áp lực tiêu thụ tươi hoặc tiêu thụ tập trung trong thời gian ngắn. Mở rộng diện tích trồng hành tỏi ở các vùng như Nam Sách, Kinh Môn và mở rộng các vùng lân cận như Kim Thành, Thanh Hà, TP.Hải Dương, Chí Linh… để tăng sản lượng hành tỏi, phục vụ tiêu thụ cả năm 2022.

- Đối với cây khoai tây: 100% tiêu thụ trong nước phục vụ ăn tươi và chế biến, nhu cầu khoai tây cho chế biến tăng nên khoai tây tiêu thụ khá thuận lợi. Thời gian sinh trưởng của khoai tây ngắn, thời vụ trồng kéo dài đến 15/11/2021. Khoai tây có thể bảo quản tại nông hộ trong thời gian ngắn nên ít chịu áp lực tiêu thụ tươi. Tập trung mở rộng diện tích khoai tây trên chân đất vàn, vàn cao cấy 2 vụ lúa ở tất cả các địa phương. Áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào các khâu: làm đất, vun xới, thu hoạch,… để giảm công lao động, giảm chi phí.

- Đối với cây ngô ngọt, bí đỏ, dưa chuột, ớt,…: 70 - 90% phục vụ chế biến  hoặc cấp đông để xuất khẩu. Hiện nay nhu cầu thu mua ngô ngọt, bí đỏ, dưa chuột, ớt,.. của một số doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh lớn. Nhiều doanh nghiệp phải đi phát triển vùng nguyên liệu ở tỉnh ngoài và thu mua mang về tỉnh sơ chế, chế biến, xuất khẩu. Để các địa phương chủ động liên hệ với các công ty, nhà máy trong tỉnh để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu trên đất 2 vụ lúa ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh.

- Đối với cây su hào, bắp cải, súp lơ, rau ăn lá,…: 70 - 80% tiêu thụ nội địa; 10 - 20% phục vụ xuất khẩu. Người dân ở nhiều vùng sản xuất đã có kinh nghiệm trồng su hào, bắp cải, súp lơ sớm để phục vụ thị trường giáp vụ, trong khi các tỉnh khác chưa trồng được. Mở rộng diện tích trồng vụ sớm ở những vùng có truyền thống và kinh nghiệm sản xuất Gia Lộc, Tứ Kỳ,…để tranh thủ thị trường rau giáp vụ.

Tăng cường việc kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, các tập đoàn bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như BigC, AEONE, Co.opmart, Big C, VinMart,...và các chuỗi cửa hàng nông sản sạch; Các sàn nông sản điện tử như Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart...và các tổ chức, cá nhân kinh doanh nông sản dựa trên nền tảng công nghệ số (Online) để tiêu thụ sản phẩm cây vụ Đông của tỉnh. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp như: dự tính, dự báo và chỉ đạo sản xuất thông qua ứng dụng số; truy xuất nguồn gốc nông sản bằng mã QR; quảng bá sản phẩm trên nền tảng số; tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, triển lãm trên nền tảng công nghệ số,…

Tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn áp dụng phương án 3 tại chỗ (ăn, ở, làm việc tại doanh nghiệp) để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu mua nông sản cho nông dân và tránh nguy cơ lây lan, bùng phát dịch Covid - 19 ở cơ sở. Thực hiện chính sách hỗ trợvùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu.Hiện nay, toàn tỉnh quy hoạch vùng sản xuất có diện tích tối thiểu 5 ha/vùng, tổng diện tích thực hiện: 580 ha. Hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ đông theo Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.

Ngoài ra các huyện, thị xã, thành phố có những chính sách hỗ trợ đối với một số cây trồng chủ lực, thế mạnh của địa phương (hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất an toàn theo GAP, hữu cơ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu); hỗ trợ khuyến khích nông dân, cá thể, doanh nghiệp mượn ruộng, thuê ruộng, đổi ruộng để sản xuất cây vụ đông quy mô lớn.

Bài của Đặng Thị Mai

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10 năm 2021

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.