Khoa học và Công nghệ (Số 2-2022) -0001-11-30 07:06:30

Chuyển đổi đối tượng vật nuôi từ lợn, gia cầm sang nuôi các gia súc ăn cỏ, qua đó giảm sự phụ thuộc vào nguồn thức ăn chăn nuôi công nghiệp và tận dụng lợi thế các phụ phẩm trong nông nghiệp sẵn có, rẻ tiền để làm thức ăn cho vật nuôi. Đó chính là hướng đi mới của một số hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Tứ Kỳ. Nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả đã và đang tạo ra hướng phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.

Khu vực chuồng trại của gia đình ông Nguyễn Đình Xe, thôn Độ Trung, xã Đại Hợp trước đây được xây dựng để làm chuồng chăn nuôi lợn. Khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, lại thêm tình trạng thức ăn chăn nuôi tăng giá không ngừng khiến ông phải bỏ trống chuồng để tìm hướng đi khác. Sau thời gian tìm hiểu, gia đình ông tận dụng khu chuồng nuôi đã được xây dựng kiên cố để chuyển sang nuôi thỏ. Hệ thống chuồng trại được thiết kế thông thoáng, nhiệt độ ổn định, vệ sinh sạch sẽ; quá trình nuôi, ông Xe luôn tìm tòi và học hỏi, áp dụng các kỹ thuật đảm bảo dinh dưỡng cân đối giữa thức ăn thô và thức ăn tinh, cung cấp nước uống sạch, tiêm vắc xin đầy đủ giúp thỏ sinh trưởng và sinh sản tốt. Từ 50 con thỏ ban đầu, đến nay, ông Xe luôn duy trì gần 100 con thỏ nái. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán gần 500 con thỏ giống với giá bán trung bình 50 nghìn đồng/con, 500 con thỏ thương phẩm với trọng lượng trung bình 3 kg/con, giá bán 75 - 90 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, chăn nuôi thỏ đem lại thu nhập cho gia đình ông hơn 100 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Đình Xe cho biết thêm: “Quá trình nuôi giống thỏ New Di-lân cho thấy đây là loại vật nuôi khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, ít bị bệnh. Thức ăn cho thỏ là lá cây, thân cỏ sẵn có ở địa phương. Trung bình một con thỏ mẹ giống một năm đẻ được từ 6 - 7 lứa, mỗi lứa khoảng 5 đến 8 con. Thỏ con sau sinh, nuôi hơn 3 tháng đạt trọng lượng bình quân 2,5 kg/con và có thể xuất bán”.

Nhận thấy chăn nuôi thỏ không đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn nhanh, đem lại thu nhập ổn định, nhiều hộ chăn nuôi ở xã Đại Hợp đã triển khai mô hình này. Đến nay, toàn xã có 21 hộ nuôi thỏ thương phẩm với số lượng gần 1.000 con, hàng tháng cung ứng ra thị trường từ 600 - 750 con thỏ thịt, tương đương 1,2 - 1,5 tấn, 300 - 500 con thỏ giống. Các hộ đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi thỏ thương phẩm để các hộ hợp tác, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng và tiêu thụ thỏ thương phẩm, ổn định giá thành, đầu ra, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các thành viên.

Bên cạnh mô hình chăn nuôi thỏ, nông dân xã Đại Hợp còn phát triển mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Thay vì hình thức nuôi thả thông thường, anh Vũ Đình Hiệp ở thôn Báo Đáp đã xây dựng thành công mô hình nuôi dê nhốt chuồng với diện tích chuồng nuôi 200 m2. Vốn là một người nông dân ham tìm tòi, học hỏi các tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, anh Hiệp đã tìm hiểu và nhận thấy nuôi dê nhốt chuồng khá nhàn, dê sinh sản nhanh, khả năng thu hồi vốn chỉ trong thời gian ngắn, đặc biệt dê là loài ăn tạp, tận dụng được thức ăn có sẵn trong vườn nhà nên giảm nguồn chi phí mua thức ăn.

Hiện thị trường tiêu thụ dê thương phẩm khá phong phú, thương lái tìm đến tận nhà để mua nên người chăn nuôi không lo đầu ra cho sản phẩm. Nắm bắt được xu hướng của thị trường, anh Hiệp bắt tay vào trồng cỏ giống mới, năng suất cao để chủ động nguồn thức ăn xanh cho vật nuôi. Đóng chuồng nuôi bằng gỗ, lắp đặt sàn lửng để vật nuôi không tiếp xúc với phân thải, dễ dàng cho việc vệ sinh dọn chuồng. Đến nay sau 2 năm phát triển mô hình, đàn dê của gia đình anh Hiệp luôn duy trì 250 con dê xuất chuồng có trọng lượng từ 25 - 35 kg/con, bán với giá từ 100 - 120 nghìn đồng/kg. Để gia tăng hiệu quả chăn nuôi, anh Hiệp tiếp tục phát triển chăn nuôi dê sinh sản, vừa phục vụ con giống nuôi thương phẩm vừa mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Nguyễn Đình Ngoãn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Hợp cho biết, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản là thế mạnh của địa phương nhiều năm nay. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi và dịch bệnh Covid - 19 tác động đến chi phí thức ăn công nghiệp, việc phát triển đối tượng chăn nuôi mới vừa tốn ít chi phí, dễ chăm sóc mà vẫn cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là những mô hình đang được Hội tuyên truyền cho bà con nông dân tham khảo để mở rộng trong thời gian tới.

Trước đây, chăn nuôi trên địa bàn huyện Tứ Kỳ phát triển đa dạng, với tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại là trên 10 nghìn tấn/năm. Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 tác động làm đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Để chủ động trong nguồn thức ăn chăn nuôi tại chỗ, giảm sự phụ thuộc hoàn toàn vào thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giảm chi phí đầu vào trong sản xuất, phát triển chăn nuôi gia súc là một hướng đi hiệu quả cho nông dân. Bên cạnh đó, gia súc ăn cỏ có khả năng thích ứng và chống chịu với điều kiện sống khó khăn như hạn hán, nắng nóng và được xác định là một trong những vật nuôi chính được định hướng ưu tiên phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Bài của Nguyễn Thị Ánh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2022

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.