Khoa học và Công nghệ (Số 2-2022) -0001-11-30 07:06:30

Nuôi chim bồ câu thương phẩm được nhiều người lựa chọn và xem đây là hướng đi chủ lực để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, do thị trường đầu ra bấp bênh, lợi nhuận không cao, theo thời gian không ít người đã bỏ cuộc giữa chừng để tìm hướng đi mới.

Thế nhưng, ở huyện Tứ Kỳ mô hình nuôi chim bồ câu bằng thảo dược của anh Phạm Văn Xá, xã Đại Hợp hiện đang duy trì và phát triển ổn định, với quy mô trung bình mỗi tháng cung ứng cho thị trường khoảng 3.000 con chim thương phẩm. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Phạm Văn Xá còn kết nối các hộ chăn nuôi thành lập HTX để chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu chim bồ câu thảo dược thành sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Tứ Kỳ.

Khu vực chuồng trại rộng 600 m2 của gia đình anh Phạm Văn Xá ở thôn Báo Đáp, xã Đại Hợp (Tứ Kỳ) trước đây được xây dựng để nuôi chim bồ câu theo cách truyền thống, sử dụng thức ăn tổng hợp. Nhận thấy chăn nuôi truyền thống hiệu quả bấp bênh do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, thị trường tiêu thụ không ổn định do nguồn cung bão hòa, từ tháng 6/2021, anh Xá đã chuyển hướng sang mô hình nuôi chim bồ câu bằng thức ăn thảo dược, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hiện, gia đình anh duy trì  số lượng 2.800 cặp chim bồ câu bố mẹ. Giống bồ câu Pháp có khả năng sinh sản rất đều và cao. Mỗi con bồ câu mái sau 4 - 5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu, mỗi lứa đẻ 2 trứng. Sau 10 - 15 ngày, chim mái sẽ sinh sản lứa tiếp theo; trung bình mỗi cặp chim giống đẻ từ 8 - 10 lứa/năm. Toàn bộ lượng trứng được đưa vào máy ấp giúp nâng cao tỉ lệ ấp nở. Sau khi đưa chim con từ máy ấp ra cho chim mẹ nuôi, mất khoảng 20 - 25 ngày thì chim con bắt đầu ra ràng, lúc này có thể xuất bán.

Quy trình nuôi chim bồ câu an toàn theo VietGAP được thực hiện chặt chẽ, công phu từ việc bố trí chuồng trại đến nguồn thực phẩm, nước uống cho đến nhiệt độ chuồng trại. Để đảm bảo nhiệt độ phù hợp cho chuồng trại, anh Xá không sử dụng điều hòa trong chuồng kín như nuôi một số loại gia cầm ngắn ngày mà bố trí máy cảm biến tự động vận hành tải nước trên mái chuồng để làm mát khi cần thiết, cửa chuồng được thiết kế tận dụng được không khí tự nhiên tạo điều kiện cho vật nuôi thích nghi tốt với môi trường tự nhiên. Nguồn nước uống được dẫn từ ao vào bể chứa cho chế phẩm sinh học và thả thủy sinh để xử lý, sau đó lọc thô bằng than hoạt tính và đá thạch anh, đưa lên bồn chứa lọc tinh rồi mới cho chim uống. Đặc biệt, nguồn thức ăn được gia đình anh chủ động sản xuất từ các thành phần đậu tương, ngô, mạch, gạo, thóc và bổ sung thảo dược đinh lăng, hoàn ngọc, quế, thảo quả.... Đây là những loại thảo dược giúp chim bồ câu tăng sức đề kháng tự nhiên, khỏe mạnh, ít bệnh tật, không phải dùng thuốc kháng sinh. Đồng thời, tạo nên hương vị đặc trưng của sản phẩm là tươi ngon, thơm vị thảo dược và không có dư lượng thuốc kháng sinh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ áp dụng bí quyết chăn nuôi bằng thức ăn thảo dược và quy trình chăn nuôi an toàn nghiêm ngặt nên sản phẩm chim bồ câu thảo dược của gia đình anh Phạm Văn Xá đã tiếp cận được thị trường tiêu thụ sản phẩm sạch tại TP. Hà Nội. Chim thương phẩm sau khi sơ chế sạch sẽ được hút chân không, đóng gói tem mác và cấp đông để vận chuyển tiêu thụ tại các cửa hàng thực phẩm sạch. Hiện, mỗi tháng gia đình cung cấp cho thị trường khoảng 3.000 con, với giá bán trung bình từ 70 - 80 nghìn đồng/con. Trung bình với 1.000 cặp chim bố mẹ, sau khi trừ chi phí mỗi tháng sẽ thu lãi khoảng 30 triệu đồng.

Với sự năng động, sáng tạo, tinh thần ham học hỏi, đi đầu trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, anh Phạm Văn Xá đang từng bước khẳng định sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đây là mô hình chăn nuôi hiệu quả, góp phần gợi mở những hướng đi phù hợp cho người dân địa phương nhân rộng trong thời gian tới. Ông Nguyễn Ánh Dương, Phó chủ tịch UBND xã Đại Hợp cho biết, đây là mô hình tiêu biểu của xã Đại Hợp về phát triển kinh tế nông nghiệp, địa phương đã tổ chức tuyên truyền tới đông đảo nhân dân để mở rộng mô hình.

Để phát huy hiệu quả mô hình nuôi chim câu thảo dược, anh Xá đã liên kết với 6 hộ chăn nuôi tại các xã Đại Hợp, Dân Chủ, Bình Lãng và Hà Kỳ thành lập HTX Chăn nuôi hữu cơ Thủy Phát với số lượng 10 nghìn cặp chim câu bố mẹ. Sản phẩm chim câu thảo dược của HTX đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO quy trình nuôi và đạt tiêu chuẩn Vietgap về an toàn trong chăn nuôi, được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện, mỗi ngày, HTX Thủy Phát xuất bán khoảng 300 con chim bồ câu thương phẩm. Thị trường phân phối chính là hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Do ngày càng nhiều khách hàng biết đến sản phẩm chim bồ câu thảo dược của HTX Thủy Phát nên HTX định hướng triển khai mở rộng mô hình để ngày càng nhiều khách hàng được sử dụng thực phẩm sạch.

Bài của Anh Nguyên

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2022

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.