Khoa học Quản lý (Số 3-2022) -0001-11-30 07:06:30

Trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động của các làng nghề trong tỉnh đã gặp không ít khó khăn, việc ứng dụng chuyển đổi số vào các làng nghề còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên các làng nghề trong tỉnh đã tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua việc quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tính đến ngày 31/12/2021, tỉnh Hải Dương có một nghề truyền thống là nghề sản xuất bánh đậu xanh và 66 làng nghề, trong đó có 34 làng nghề truyền thống (giảm 01 làng nghề so với năm 2018) gồm 11 làng nghề chế biến, bảo quản, nông lâm, thủy sản; 6 làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ; 3 làng nghề xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; 37 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; 01 làng nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; 08 làng nghề dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Hiện nay toàn tỉnh có 5.046 cơ sở sản xuất trong các làng nghề (giảm 592 cơ sở so với năm 2018). Nhóm ngành chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 545 cơ sở, chiếm 10,8% tổng số cơ sở; nhóm nghề xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn có 12 cơ sở, chiếm 0,2%; nhóm nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 980 cơ sở, chiếm 19,4%, nhóm ngành nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 154 cơ sở, chiếm 3%; nhóm ngành nghề dịch vụ phục sản xuất, đời sống dân cư nông thôn có 485 cơ sở, chiếm 9,6%; nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ…chiếm 43%.

Trong quá trình hình thành, phát triển các ngành nghề tỉnh Hải Dương đã hình thành một số hiệp hội ngành nghề như Hiệp hội bánh Đậu xanh Hải Dương, Hiệp hội sản xuất bánh Gai Ninh Giang, Hiệp hội Giầy da Hải Dương…Hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề đã thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động nông thôn, với thu nhập ổn định từ 4 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Việc phát triển ngành nghề nông thôn của tỉnh đã góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, tạo việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống của một bộ phận người dân ở nông thôn, sử dụng có hiệu quả các nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, hình thành các trung tâm buôn bán, trao đổi hàng hóa và phát triển nhiều dịch vụ khác từ đó hình thành cụm dân cư có lối sống đô thị rõ rệt hơn như làng nghề Gốm Chu Đậu, làng nghề Mộc Đông Giao, làng nghề Giầy da Hoàng Diệu…góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới.

Để tạo thuận lợi cho các làng nghề phát triển, tỉnh Hải Dương đã hoàn thiện các hệ thống chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn, sản xuất sản phẩm làng nghề sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, giá trị sản phẩm của các làng nghề khá cao so với giá trị các sản phẩm nông nghiệp, người lao động tham gia sản xuất của làng nghề thường có tay nghề cao hoặc là các nghệ nhân có tính sáng tạo. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, hoạt động của các làng nghề truyền thống cũng gặp không ít khó khăn đó là quy mô sản xuất của đa số các cơ sở ngành nghề nông thôn đều ở mức nhỏ lẻ, các ngành nghề truyền thống đang có xu hướng thu hẹp sản xuất, công nghệ thiết bị máy móc phục vụ sản xuất của các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề còn lạc hậu, chưa được đổi mới; việc ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất chưa được nhiều. Nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của nhà nước cho lĩnh vực ngành nghề nông thôn còn rất hạn chế. Các cơ sở làng nghề đang thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao do các doanh nghiệp trên địa bàn thu hút lao động với mức lương cao hơn, chế độ đãi nghộ tốt hơn. Công tác bảo vệ môi trường mặc dù được quan tâm nhưng tình trạng ô nhiễm nguồn nước, bụi, tiếng ồn chưa được xử lý triệt để. Các làng nghề đã có những biện pháp khắc phục giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đối với chất thải rắn sản xuất sẽ phân thành loại có thể tái chế được thì bán phế liệu, loại chất thải nguy hại và chất thải khác được cơ sở thu gom riêng để tổ vệ sinh môi trường vận chuyển về bãi rác địa phương để chôn lấp hàng hàng ngày. Đối với bụi, khí thải, tiếng ồn các cơ sở sản xuất thực hiện xây dựng nhà xưởng lớn, có hệ thống cửa kín, hút bụi, quạt gió và trồng cây xanh xung quanh khu vực nhà xưởng. Đối với nước thải thì các cơ sở đều xây dựng hệ thống hố ga, cống thoát nước nối với hệ thống thoát nước chung của làng.

Trong giai đoạn 2018 - 2021, tỉnh Hải Dương đã hỗ trợ 14 xã đầu tư cải tạo hạ tầng cho 18 làng nghề với tổng kinh phí là 43,187 tỷ đồng, hỗ trợ 2 tỷ đồng bảo dưỡng, sửa chữa đường làng nghề thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ), hỗ trợ 600 triệu đồng nâng cấp hệ thống phân lọc cà rốt của công ty cổ phần chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) và dây truyền sản xuất muối vừng dinh dưỡng của công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ HD-Green, thị trấn Gia Lộc (Gia Lộc). 

Hiện nay, tỉnh Hải Dương đã thực hiện chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 49/2020/QĐ-UBND ngày 15/10/2020 về ban hành “Quy định về công nhận nghề truyền thống, làng nghề truyền thống và một số chính sách phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương” với các biện pháp khuyến khích phát triển làng nghề như: phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch, bảo tồn các làng nghề truyền thống có cơ hội, phát triển theo hướng sản xuất đặc trưng có giá trị kinh tế và giá trị văn hóa địa phương, phát triển hạ tầng, bảo vệ môi trường làng nghề, áp dụng các chính sách đối với nghệ nhân và đầu tư về vốn sản xuất, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, chú trọng đưa dây truyền thiết bị tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và trình độ sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo mối liên kết trong sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề, tạo mối liên kết trong sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề. Chương trình mỗi xã một sản phẩm cảu tỉnh đang triển khai và rất quan tâm đến phát triển các sản phẩm làng nghề thành sản phẩm OCOP. Các sản phẩm của nghề làm bánh đậu xanh một nghề truyền thống của tỉnh Hải Dương được các cơ sở sản xuất quan tâm phát triển thành sản phẩm OCOP như 14 sản phẩm bánh đậu xanh của các công ty Cổ phần Việt Hương, Công ty Cổ phần Hoàng Giang, Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Hưng Long…cũng trong giai đoạn này, toàn tỉnh có 9 sản phẩm OCOP là sản phẩm của các làng nghề như làng nghề Rượu Phú Lộc, vàng bạc Châu Khê, bánh đa Hội Yên, Chổi chít Mật Sơn…tỉnh cũng đã quảng bá sản phẩm làng nghề, các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh thông qua hệ thống siêu thị, của hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử… 

Thời gian tới, tỉnh Hải Dương tổ chức xúc tiến thương mại và trình diễn mô hình sản xuất áp dụng công nghệ tiên tiến, tổ chức cho các cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh như Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế, Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc, Hội chợ làng nghề, Hội chợ Thương mại khu vực đồng bằng sông Hồng…Qua đó giúp các cơ sở ngành nghề nông thôn có cơ hội giao lưu quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng. Ưu tiên hỗ trợ kinh phí, thu hút các dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ số, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường để phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề.

Bài của Trần Thị Lan Anh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2022

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.