Khoa học và Công nghệ (Số 3-2022) -0001-11-30 07:06:30

Tỉnh Hải Dương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi lợn. Các cơ sở chăn nuôi trong tỉnh sử dụng thức ăn hỗn hợp công nghiệp hoàn chỉnh để nuôi lợn là phổ biến. Điều này dẫn đến chi phí thức ăn cao, tăng giá thành chăn nuôi. Hiện nay sản phẩm chăn nuôi từ nuôi dưỡng bằng thức ăn có bổ sung thảo dược được người dùng quan tâm. Trên địa bàn tỉnh đã có trang trại nuôi lợn bằng thức ăn bổ sung thảo dược song khẩu phần thức ăn không cân đối, hiệu quả sử dụng thức ăn thấp, thời gian nuôi kéo dài từ 9 - 10 tháng tuổi.

Trong hai năm 2020 - 2021, được sự cho phép của UBND tỉnh, Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Đình Tôn (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã thực hiện đề tài nghiên cứu: Sử dụng một số thảo dược bổ sung vào khẩu phần thức ăn nhằm nâng cao chất lượng thịt và hiệu quả chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi tỉnh Hải Dương. Nhằm nâng cao chất lượng thịt, đảm bảo giá trị dinh dưỡng, an toàn vệ sinh và tăng hiệu quả kinh tế chăn nuôi.

Đề tài đã chọn 3 trang trại có đủ điều kiện thực hiện như có đủ số ô chuồng để bố trí thí nghiệm, có hệ thống máng ăn và cung cấp nước uống tự động cho lợn, có hệ thống chống nóng, xử lý chất thải bằng Biogas…Qua hai năm nghiên cứu cho thấy: khả năng sinh trưởng của lợn ở các công thức thức ăn đối chứng công thức (CT) CT1, CT2, CT3, CT4 không có sự khác nhau P > 0,05. Sau 45 ngày thí nghiệm giai đoạn 1 khối lượng lợn đạt cao nhất ở lô đối chúng P < 0,05. Sau đó đến CT2 có khối lượng lợn cao hơn so với CT1 và CT4 (P < 0,05). Kết thúc giai đoạn 1 không có sự khác nhau về khối lượng lợn giữa hai công thức thức ăn CT1 và CT3; không có sự khác nhau giữa CT3 và CT4 (P > 0,05). Tương tự tốc độ sinh trưởng tuyệt đối của lợn đạt cao nhất ở lô đối chứng so với các công thức thức ăn bổ sung thảo dược và bổ sung tỏi (P < 0,05).

Giai đoạn từ 30 đến 60 kg khả năng sinh trưởng của lợn ở lô đối chứng nuôi bằng thức ăn công nghiệp cao hơn so với các lô thức ăn thử nghiệm bổ sung thảo dược và bột tỏi. Trong các lô thức ăn thủ nghiệm thì khả năng sinh trưởng của công thức thức ăn CT2 có xu hướng tốt hơn so với công thức CT1, CT3, CT4. Khả năng sinh trưởng của lợn ở giai đoạn 2 với thời gian nuôi 60 ngày cho thấy tốc độ sinh trưởng của lợn ở lô đối chúng đạt cao hơn so với các công thức thức ăn thử nghiệm CT1, CT3, CT4 (P < 0,05), trong khi đó không có sự khác nhau giữa lô đối chứng và công thức CT2 (P > 0,05). Khả năng sinh trưởng của lợn ở các công thức CT1, CT3, CT4 không khác nhau.

Giai đoạn nuôi từ 30 kg đến khi xuất bán, khả năng sinh trưởng, khối lượng xuất bán của lợn ở lô đối chứng là đạt cao hơn so với các công thức thức ăn thử nghiệm (P<0,05). Khối lượng xuất bán của lợn ở công thức CT2 cao hơn so với CT1, CT3, CT4 (P < 0,05). Khối lượng xuất bán của lợn ở lô CT4 bổ sung bột tỏi là thấp nhất. Việc bổ sung hỗn hợp gồm đơn kim, hoàn ngọc, ké hoa đào, hồi, quế ở mức 4% vào khẩu phần thức ăn đã cải thiện khả năng sinh trưởng của lợn so với lô CT1 bổ sung 2% thảo dược, CT3 bổ sung 6% thảo dược, CT4 bổ sung 1% tỏi.

Hiệu quả sử dụng thức ăn (FGR) của lợn ở giai đoạn 1 từ 30 kg đến khi xuất bản của lợn ở lô đối chứng tốt hơn so với các lô thức ăn thử nghiệm (P<0,05). Giai đoạn 2 từ 60 kg đến khi xuất bán hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn ở lô đối chứng và công thức CT2 không khác nhau (P > 0,05) và tốt hơn so với CT1, CT3, CT4 (P<0,05). Cả giai đoạn nuôi từ 30 kg đến khi xuất bán hiệu quả sử dụng thức ăn tốt nhất ở lô đối chưng sau đó đến CT2 và không có sự khác nhau ở công thức CT1, CT3, CT4 (P>0,05). Hiệu quả sử dụng thức ăn tốt nhất ở công thức thức ăn có mức bổ sung 4% thảo dược (CT2).

Khối lượng lợn giết mổ ở lô đối chứng cao hơn so với các công thức thức ăn thử nghiệm (P < 0,05). Tỷ lệ thịt móc hàng, thịt xẻ  của lợn ở lô đối chứng và các công thức ăn CT1, CT2, CT3 không khác nhau (P>0,05). Lô CT4 có tỷ lệ móc hàm cũng như thịt xẻ thấp hơn so với lô đối chứng. Nguyên nhân do khối lượng giết mổ thấp hơn nên các tỷ lệ này thấp. Trong các công thức thức ăn thử nghiệm năng suất thịt của công thức CT2 có xu hướng cao hơn so với các công thức CT1, CT3, CT4. Tỷ lệ nạc, diện tích cơ thăn không có sự khác nhua giữa các công thức chức ăn (P > 0,05) song ở các lô được bổ sung thảo dược vẫn cao hơn. Tỷ lệ hao hụt của thịt lợn sau bảo quản 24 giờ ở lô đối chứng cao hơn 1,3 - 1,9 lần so với các công thức bổ sung thảo dược (P < 0,05). Tỷ lệ hao hụt của thịt lợn sau bảo quản, chế biên ở các lô bổ sung  thảo dược không khác nhau. Tỷ lệ hao hụt thịt lợn sau chế biến cao hơn đối chúng cao hơn so với công thức thức ăn bổ sung và bổ sung tỏi. Màu sắc thịt lợn nuôi bằng thức ăn bổ sung thảo dược có màu đỏ đậm tự nhiên hơn so với màu sắc thịt lợn ở lô đối chứng và công thức CT4. Qua đánh giá cảm quan về thịt sống cho thấy điểm trạng thái của miếng thịt lợn không có sự khác nhau đáng kể giữa các công thức thức ăn. Mức độ ưa thích về thịt lợn sống ở các công thức thức ăn thử nghiệm được đánh giá cao hơn so với lô đối chứng.

Đánh giá cảm quan thịt luộc cho thấy có sự khác nhau rõ ràng về cảm quan mùi, mùi vị và mức độ ưa thích tổng thể giữa lô đối chứng và các công thức thức ăn thử nghiệm. Nước luộc thịt về độ trong, mùi vị, váng nước luộc và mức độ ưa thích tổng thể ở các công thức thức ăn thử nghiệm bổ sung thảo dược và tỏi được đánh giá cao hơn hẳn so với lô đối chúng. Nước luộc thịt của các công thức thức ăn thử nghiệm trong, không có váng đen bám lại ở thành xoong luộc thịt, nước luộc có mùi thơm đặc trưng. Mức độ ưa thích của thịt lợn nuôi bằng công thức thức ăn thử nghiệm được đánh giá cao hơn hẳn so với thịt lợn của lô đối chứng và thịt lợn ở công thức CT2, CT3 có xu hướng được đánh giá cao hơn so với công thức CT1 và CT4.

Hàm lượng vật chất khô, protein thô, lipid, khoáng tổng số và omega 3 trong thịt lợn không có sự khác nhau giữa các công thức thức ăn. Hàm lượng choleterol trong thịt lợn ở lô đối chứng là cao hơn so với các công thức thức ăn bổ sung thảo dược và bổ sung tỏi. Giai đoạn lợn từ 30 - 60 kg có tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn so với lợn ở giai đoạn 60 kg đến xuất bán và tỷ lệ lợn mắc bệnh có xu hướng cao hơn ở lô đối chứng so với các lô bổ sung thảo dược và tỏi. Hàm lượng E.Coli trong phân lợn ở đầu kỳ giữa các công thức thức ăn thử nghiệm và lô đối chứng không có sự khác nhau. Đến khi cuối kỳ của các công thức thức ăn thử nghiệm thì thấp hơn so với lô đối chứng.

Chi phí con giống như nhau giữa các công thức thức ăn, ở giai đoạn lợn từ 30 - 60 kg thức ăn lô đối chứng là 12.950 đồng và 11.000 đồng ở giai đoạn từ 60 kg đến khi xuất bán cao hơn so với giá thức ăn của các công thức thức ăn thử nghiệm. Chi phí thức ăn của lô đối chứng cao hơn so với các công thức thức ăn thử nghiệm bổ sung thảo dược và bổ sung bột tỏi từ 11,53% - 26,84%. Chi phí cho 1 kg tăng khối lựng lợn ở công thức CT2, CT1, CT4 thấp hơn so với lô đối chứng là 12,07% (thấp hơn 4.978 đồng/kg); 8,71% (thấp hơn 3.593 đồng/kg) và 6,65% (thấp hơn 2.745 đồng/kg). Trong khi chi phí ước tính cho 1 kg tăng khối lượng lợn công thức CT3 cao hơn 1,92% (cao hơn 793 đồng/kg) so với lô đối chứng.

Giá bán lợn ở các công thức thức ăn bổ sung thảo dược và bổ sung bột tỏi trung bình cao hơn từ 10 - 15% so với giá bán lợn ở lô đối chứng sử dụng thức ăn công nghiệp. Hiệu quả chăn nuôi lợn của các công thức thức ăn thử nghiệm đạt cao hơn so với đối chứng. Trong các công thức thức ăn cho hiệu quả cao nhất là CT2, sau đó đến công thức CT1, CT4, CT3. Các công thức thức ăn có nguyên liệu đơn giản, phổ biến, người chăn nuôi dễ dàng áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi. Giá trị dinh dưỡng của các công thức thức ăn đáp ứng yêu cầu của TCVN 1547:2007 về thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt.

Bài của Đặng Thị Mai 

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2022

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.