Khoa học và Công nghệ (Số 4-2022) -0001-11-30 07:06:30

Rối loạn chuyển hóa lipid máu được xác định khi có sự thay đổi có tính chất bệnh lý của một hay nhiều thành phần lipid trong máu như cholesterol, triglycerid…Rối loạn chuyển hóa lipid máu là yếu tố gây nguy cơ cao trong việc hình thành bệnh vữa xơ động mạch và là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất trong việc gây nên các tai biến của thể vữa xơ động mạch vành.

Tại Việt Nam, bệnh vữa xơ động mạch với các biểu hiện lâm sàng như suy mạch vành, nhồi máu cơ tim, nhồi mãu não trước đây ít gặp, đang có xu hướng gia tăng theo sự phát triển của xã hội và trở thành một bệnh đáng lo ngại cho sức khỏe của những người cao tuổi, thậm chí ngày càng gặp nhiều hơn ở người trẻ tuổi. Ngoài gây vữa xơ động mạch, rối loạn chuyển hóa lipid máu cũng là yếu tố nguy cơ của một số bệnh khác như tăng huyết áp, đái tháo đường. Tía tô là dược liệu được trồng phổ biến ở nước ta cũng như một số nước trên thế giới. Hạt tía tô chứa khoảng 45% dầu nhưng chỉ có dầu hạt chứa acid linolenic (thuộc nhóm Omega 3). So với các loại dầu thực vật khác, dầu hạt Tía tô có tỷ lệ acid linolenic cao nhất từ 54 - 64%. Thành phần acid linoleic (thuộc nhóm omega 6) thường chiếm khoảng 14% và omega 9 (acid oleic) cũng có trong dầu tía tô.

Trong 2 năm 2020 - 2021 được sự cho phép của UBND tỉnh, tiến sỹ Trần Bá Kiên, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương đã thực hiện đề tài nghiên cứu quy trình chiết xuất dầu béo từ hạt Tía tô và sản xuất viên nang mềm hỗ trợ điều trị rồi loạn chuyển hóa lipid máu. Qua đó nhằm xây dựng sơ đồ quy trình chiết xuất dầu béo từ hạt Tía tô; đánh gia tác dụng hạ lipid máu của dầu béo từ hạt Tía tô trên chuột nhắt trắng; xác định độc tính và thành phần hóa học của dầu béo chiết xuất từ hạt Tía tô; xây dựng công thức và sản xuất thử viên nang mềm từ dầu béo hạt Tía tô; đánh giá tác dụng của viên nang mềm trên bệnh nhân rồi loạn chuyển hóa lipid máu.

Ban chủ nhiệm đề tài sử dụng phương pháp chiết hồi lưu bằng dung môi hữu cơ (Aceton), nhiệt độ sôi thấp, dầu không bị khét, cho tỷ lệ dầu béo cao 30,1%, áp dụng sản xuất trên quy mô công nghiệp thuận tiện.

Kết quả thử nghiệm đánh giá tác dụng hạ lipid máu trên động vật thực nghiệm cho thấy nồng độ cholesterol và triglycerid ở 3 lô chuột với 3 liều khác nhau thể hiện tác dụng theo liều. Với 2 mức liều 0,3 ml/kg và 0,6 ml/kg sự khác biệt không có ý nghĩa, do đó xác định được liều lựa chọn cho các nghiên cứu tiếp theo là 0,3 ml/kg chuột. Nồng độ cholesterol ở lô 2 (không được điều trị) cao khác biệt so với các lô được điều trị (p<0,01). Nồng độ triglycerid ở lô 2 (không được điều trị) cao khác biệt so với các lô 3,4,5 và lô 6 (p<0,01). Tác dụng hạ lipid máu trên cả 2 mô hình nội sinh và ngoại sinh đều xác định liều tối ưu cho điều trị RLLPM là 0,3 ml/kg chuột tương đương với liều 0,025 ml/kg thể trọng người (ước tính khoảng 1,25 ml- cho người 50 kg).

Thử nghiệm độc tính cấp cho kết quả ở thử nghiệm thăm dò xác định được liều 40 ml dầu béo từ hạt Tía tô/kg chuột (là mức liều cao nhất có thể cho uống được) không gây chết chuột nhắt trắng. thử nghiệm chính thức cũng cho thấy chế phẩm không có biểu hiện của độc tính cấp:

Sau khi uống chế phẩm thử 4 giờ: 6/10 chuột lô IIIb có biểu hiện tiêu chảy, giảm hoạt động, chuột còn lại trong các lô không có biểu hiện bất thường (ăn uống, vận động bình thường, lông mượt, niêm mạc hồng hào, mắt sáng, phân khô, nước tiểu bình thường, không bị tiêu chảy). Các chuột đều phản xạ tốt với các kích thích, không khó thở.

Sau khi uống chế phẩm thử 4 - 12 giờ: 1/10 chuột ở mức liều 2 lô IIb và cả 10/10 chuột ở mức liều 2 lô IIIb đều bị tiêu chảy, giảm hoạt động, tụm lại thành đám. Sau khi uống chế phẩm thử 12 - 24 giờ 1/10 chuột ở mức liều 2 lô IIb và 9/10 chuột ở mức liều 2 lô IIIb giảm dần hiện tượng tiêu chảy, hoạt động hồi phục dần về bình thường, ăn uống, phản xạ tốt, phân khô, nước tiểu bình thường. Có một chuột ở mức liều 2 lô IIIb vẫn còn tình trạng tiêu chảy, mệt mỏi, rất ít hoạt động.

Sau khi uống chế phẩm thử 72 giờ: các chuột đều không còn biểu hiện bất thường, ăn uống, vận động bình thường, phản xạ tốt với kích thích, lông mượt, niêm mạc hồng hào, mắt sáng, phân khô, nước tiểu bình thường. 100% số chuột thử nghiệm đều còn sống sau 14 ngày dùng chế phẩm thử. Không có chuột chết ở các lô thử nghiệm nên chưa xác định LD50 của Dầu béo từ hạt Tía tô. Chế phẩm thử với liều 40 ml/kg - liều cao nhất có thể cho chuột nhắt trắng uống được qua kim đầu tù không thấy xuất hiện các biểu hiện của độc tính cấp.

Trong suốt quá trình nghiên cứu độc tính bán trường diễn, thỏ ở các lô đều ăn uống, hoạt động bình thường, phản xạ nhanh, mắt sáng, không tiết chất nhày mũi, miệng, lông mượt, phân khô, nước tiểu không có biểu hiện bất thường.

Sau 28 ngày nghiên cứu, cân nặng thỏ đều tăng lên ở cả lô chứng và lô thử. Không có sự khác biệt về sự tăng trưởng khối lượng cơ thể giữa các lô chứng với các lô thử tại tất cả các thời điểm nghiên cứu. Ảnh hưởng của chế phẩm Dầu béo từ hạt Tía tô trên chức năng tạo máu của thỏ được thể hiện qua các thông số: số lượng bạch cầu (WBC), số lượng hồng cầu (RBC), nồng độ hemoglobin (HGB), tỷ lệ hematocrit (HCT), thể tích trung bình hồng cầu (MCV) và số lượng tiểu cầu (PLT). Tại thời điểm sau uống chế phẩm thử 28 ngày, không có sự khác biệt về thông số huyết học giữa các lô dùng chế phẩm thử Dầu béo từ hạt Tía tô so với lô chứng.

Ảnh hưởng của chế phẩm Dầu béo từ hạt Tía tôlên các thông số sinh hóa của thỏ được thể hiện qua các thông số glucose huyết thanh, cholesterol và protein toàn phần. Sau uống chế phẩm thử 28 ngày, glucose huyết thanh giảm khác biệt so với lô chứng (p<0,05). Cholesterol và protein toàn phần ở lô uống Dầu béo từ hạt Tía tô đều giảm nhẹ so với lô chứng. Ảnh hưởng của chế phẩm Dầu béo từ hạt Tía tô lên các chức năng gan, thận của thỏ được thể hiện qua các thông số AST, ALT và creatinine huyết thanh.

Sau uống chế phẩm thử 28 ngày, các thông số AST, ALT tăng nhẹ, creatinin giảm ở lô uống dầu béo từ hạt Tía tô liều 0,1 ml/kg và tăng nhẹ ở lô 0,3 ml/kg. Sau khi dùng liều lặp lại 28 ngày, tỷ lệ khối lượng các cơ quan tim, gan, thận, phổi, lách, thượng thận/khối lượng cơ thể của các động vật ở các lô dùng chế phẩm thử và lô chứng nhìn chung không có sự khác biệt

Sau 28 ngày uống chế phẩm Dầu béo từ hạt Tía tôvới liều lên đến 0,3 ml/kg/ngày, các thông số cân nặng, huyết học, hóa sinh, đại thể cơ quan và mô bệnh học gan, thận của thỏ không có sự khác biệt so với lô chứng tương ứng. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, chế phẩm Dầu béo từ hạt Tía tôkhông thể hiện các dấu hiệu của độc tính khi dùng liều lặp lại 28 ngày trên thỏ với các mức liều thử 0,1 ml/kg/ngày (liều tương đương liều thể hiện tác dụng dược lý) và 0,3 ml/kg/ngày (liều gấp 3 lần liều thể hiện tác dụng dược lý). Do không quan sát thấy các tác dụng không mong muốn trong suốt quá trình thử nghiệm, vì vậy mức liều 0,3 ml/kg được coi là mức liều không quan sát thấy các tác dụng không mong muốn liên quan đến việc dùng chế phẩm dầu béo từ hạt Tía tô.

Nghiên cứu điều chế thành phần vỏ nang công thức CT2 có tỷ lệ tối ưu, cho màng có thể chất mềm, không dứt. Công thức 8 là đạt độ trong, độ cứng và độ tan; đạt độ nhiễm khuẩn, tổng tỉ lệ 3 yêu cầu cảm quan nhỏ hơn 5%.Vậy tạo màng gelatin bằng phương pháp đun cách thủy với thời gian khuấy trộn gelatin là 30 phút ở nhiệt độ phù hợp là 600C.Thời gian và khối lượng sấy định hình viên và thời gian sấy khô:thời gian sấy định hình phù hợp là 20 phút cho khối lượng 8kg, nhiệt độ sấy 250C, thời gian sấy khô là 48giờ, nhiệt độ sấy khô 200C.

Quá trình nghiên cứu độ ổn định của viên nang mềm cho thấy: Sau 3 tháng bảo quản, chỉ số acid của tất cả các mẫu dầu có sự biến động, tuy nhiên vẫn thấp hơn 4 mg KOH/g dầu, phù hợp với TCVN V. Đối với chỉ số peroxide, chỉ có các mẫu dầu bảo quản ở nhiệt độ lạnh nhỏ hơn 15 mEq O2/kg dầu. Do vậy, bảo quản dầu trong điều kiện nhiệt độ lạnh sẽ duy trì được tốt hơn các thành phần dinh dưỡng có trong dầu béo. Ảnh hưởng của loại bao bì và điều kiện bảo quản đến sự ổn định của dầu béo hạt Tía tô. Để hạn chế quá trình oxi hóa chất béo, dầu cần được bảo quản trong điều kiện mát, tránh tiếp xúc với ánh sáng.

Sau 60 ngày chỉ sử dụng viên nang mềm chiết xuất từ dầu béo hạt Tía tô, 30 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm: Tính theo giá trị trung bình % thay đổi trên từng bệnh nhân, LDL-c và các chỉ số khác như cân nặng, IBM, glucose máu...thay đổi không đáng kể. Nhóm bệnh nhân chỉ dùng viên Tía tô có tỷ lệ giảm các chỉ số lipid như sau: giảm Cholesterol trung bình 2,7%; giảm Triglycerid trung bình 30,6%, tăng HDL trung bình 23,2%.Tính theo giá trị chỉ số Lipid trung bình của cả nhóm I trước và sau thử nghiệm Cholesterl giảm 2,86%, Triglycerid giảm 29,9%, HDL-c tăng 20,3%.

Nhóm bệnh nhân thứ 2 dùng kết hợp viên nang mềm chiết xuất từ dầu béo hạt Tía tô và Lypanthyl cho kết quả: Tính theo giá trị trung bình % thay đổi trên từng bệnh nhân, LDL-c và các chỉ số khác như cân nặng, IBM, glucose máu...thay đổi không đáng kể. Như vậy, nhóm bệnh nhân dùng kết hợp viên Tía tô và Lipanthyl có tỷ lệ giảm các chỉ số lipid như sau: giảm Cholesterol trung bình 14,1%; giảm Triglycerid trung bình 48,2%, tăng HDL trung bình 28.6%.Tính theo giá trị chỉ số Lipid trung bình của cả nhóm II trước và sau thử nghiệm Cholesterl giảm 15,8%, Triglycerid giảm 48,3%, HDL - C tăng 25,9%.

Nhóm bệnh nhân chỉ dùng Lypanthyl cho kết quả Tính theo giá trị trung bình % thay đổi trên từng bệnh nhân, LDL-c và các chỉ số khác như cân nặng, IBM, glucose máu...thay đổi không đáng kể. Nhóm bệnh nhân chỉ dùng Lipanthyl có tỷ lệ giảm các chỉ số lipid như sau: giảm Cholesterol trung bình 8,3%; giảm Triglycerid trung bình 37%, tăng HDL trung bình 15,5%. Tính theo giá trị chỉ số Lipid trung bình của cả nhóm III trước và sau thử nghiệm Cholesterl giảm 8,6 %, Triglycerid giảm 37,6 %, HDL-c tăng 13,1%.

Viên Tía tô có tác dụng giảm Cholesterol, tăng HDL-c và đặc biệt giảm triglycerid đáng kể, tác dụng tốt hơn khi dùng kết hợp cùng Lipanthyl trên bệnh nhân rối loạn lipid máu tình nguyện.

Qua 2 năm nghiên cứu đã lựa chọn được phương pháp chiết hồi lưu bằng dung môi hữu cơ (Aceton), nhiệt độ sôi thấp, dầu không bị khét, cho tỷ lệ dầu béo cao tới 30,1%, áp dụng thuận tiện cho sản xuất trên quy mô công nghiệp. Dầu béo từ hạt Tía tô khi thử nghiệm trên chuột nhắt trắng tăng lipid máu nội sinh, ngoại sinh giảm cả Triglycerid máu và Cholesterol máu, xác định liều tối ưu cho điều trị RLLPM là 0,3 ml/kg chuột tương đương với liều 0,025 ml/kg thể trọng người. Dầu béo hạt Tía tô có độ an toàn cao, hàm lượng acid linolenic đạt 58%. Chuẩn hóa quá trình sản xuất được 100.000 viên nang mềm với thành phần chính là dầu béo hạt Tía tô đạt tiêu chuẩn của Dược điển Việt Nam V với các thông số sản xuất phù hợp. Viên nang mềm điều trị bệnh nhân rối loạn chuyển hóa lipid máu tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương đã cho thấy có tác dụng giảm triglycerid: giảm cholesterol 2,7%, giảm Triglycerid 30,6%, tăng HDL 23,2%. Qua đó cho thấy các bệnh nhân dùng kết hợp viên Tía tô với Lypanthyl đạt các chỉ số lipid máu tốt hơn so với nhóm bệnh nhân chỉ dùng Lypanthyl. 

 Hải Ninh 

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.