Khoa học và Công nghệ (Số 4-2022) -0001-11-30 07:06:30

Trong những năm qua, ngành công nghiệp tỉnh Hải Dương đã phát huy những thế mạnh và lợi thế của tỉnh, từng bước khằng định Hải Dương là trung tâm công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao của cả nước, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Giai đoạn 2016 - 2020, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng bình quân 15,4%/năm, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm 90,3% GRDP; quy mô ngành công nghiệp tăng gấp 2 lần so với năm 2015; cơ cấu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 92,9% năm 2015 lên 94,5% năm 2020, tổng giá trị sản xuát ngành công nghiệp đạt 288.217 tỷ đồng. GRDP công nghiệp, xây dựng của tỉnh Hải Dương đạt 75.664 tỷ đồng, đứng thứ 4 trong khu cực đồng bằng sông Hồng.

Tổng số vốn sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp đạt 194.800 tỷ đồng, chiếm 61% tổng số vốn sản xuất kinh doanh của các ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh (vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp đạt 7,2 tỷ USD, chiếm 91,5% tổng số vốn FDI được cấp phép). Tỷ lệ vốn cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong công nghiệp chiếm khoảng 93%; ngành công nghiệp khai khoáng chiếm 0,3%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước 5,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác, nước thải chiếm 1,6%. Công nghiệp công nghệ cao (CNCNC), công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của tỉnh cơ bản đã hình thành trong 3 lĩnh vực chủ yếu là cơ khí chế tạo, điện - điện tử, dệt may - da giày (toàn tỉnh hiện có khoảng 152 cơ sở sản xuất CNHT)…Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 10,6%/năm, chiếm tỷ trọng 19,3% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, đáp ứng một phần cho nhu cầu sản xuất của một số ngành công nghiệp của lực của tỉnh.

Thực tế các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ (80% tổng số các doanh nghiệp có vốn đầu tư dưới 50 tỷ đồng). Toàn ngành chỉ có 165 doanh nghiệp có quy mô vốn lớn từ 200 tỷ đồng trở lên, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp công nghiệp. Các doanh nghiệp quy mô vốn lớn tập trung chủ yếu tại các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, luyện kim và điện, điện tử…So với các tỉnh lân cận, vốn sản xuất kinh doanh trung bình trên mỗi doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh Hải Dương vẫn đang ở mức thấp (đứng thứ 6 trong khu vực). Giá trị tài sản cố định trung bình trên mỗi doanh nghiệp công nghiệp đứng thứ 7 trong khu vực. Quy mô vốn FDI được cấp phép vào ngành công nghiệp theo lũy kế các dự án còn hiệu lực với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng cũng như Bắc Bộ. Tỉnh Hải Dương đã thu hút được nguồn vốn FDI ở mức cao đứng thứ 4 trong khu cực Đồng bằng sông Hồng và thứ 5 trong khu vực miền Bắc.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 14 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích gần 2.700 ha, trong đó có 10 khu công nghiệp đã và đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 77% và 53 cụm cộng nghiệp đã được thành lập với diện tích 2.685 ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 1.860 ha, trong đó có 32 cụm công nghiệp có các dự án thứ cấp vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt khoảng 45%. Các ngành CNCNC ở tỉnh Hải Dương mới bắt đầu phát triển, chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. Đến nay, mới chỉ có 2 doanh nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao đó là Công ty TNHH công nghiệp Brother Việt Nam và Công ty TNHH Huyndai Kefico Việt Nam.

Với lợi thế nằm ở trung tâm của các hành lang kinh tế Hà Nội - Hải phòng và Hà Nội - Quảng Ninh, Hải Dương có nhiều cơ hội về hợp tác, liên kết không gian phát triển kinh tế hình thành trục công nghiệp, đô thị kết nối Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng và trục kinh tế TP. Hà Nội - TP. Chí Linh - TP. Hạ Long, kết hợp với Hải Phòng và Quảng Ninh hình thành tam giác trọng điểm kinh tế khu vực phía Đông vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hệ thống đường thủy thuận lợi, mật độ sông có thể làm vận tải thủy cao, nhiều dư địa để làm cảng logistics, Hải Dương có thuận lợi cho phát triển CNCNC, CNHT ngành cơ khí, điện tử, công nghiệp sản xuất kim loại, công nghiệp năng lượng, công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ ven biển như cảng nội địa, logistics xuất nhập khẩu hàng hóa.

Hiện tại xung quanh tỉnh Hải Dương cũng đã có nhiều các doanh nghiệp lắp ráp lớn đang hoạt động như Samsung, Microsoft…là tiềm năng cho CNHT của tỉnh phát triển trong giai đoạn tới, một số nhà đầu tư nước ngoài như Foxcom, Powe Solar, Sun Group, TH, T&T.. đã và đang nghiên cứu đầu tư vào Hải Dương với ý tưởng đầu tư lớn đây là hạt nhân để phát triển công nghiệp của tỉnh từng bước đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Nguồn nhân lực lao động của Hải Dương dồi dào, với quy mô dân số trên 1,9 triệu người, trong đó trên 60% tỷ lệ dân số nằm trong độ tuổi lao động. Chất lượng lao động đã được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80% là nguồn nhân lực quan trọng để phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, hạ tầng các KCN, CCN đã và đang hoàn chỉnh với nhiều dự án lớn đầu tư đi vào hoạt động, cũng là một trong những lợi thế trong việc thu hút đầu tư vào sản xuất CNCNC, CNHT và cung cấp linh phụ kiện các loại đa dạng cho các lĩnh vực công nghiệp khác nhau…phục vụ nhu cầu chế tạo, sản xuất trong nước đặc biệt là tại các khu kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và hướng đến xuất khẩu. Trong gia đoạn 2021 - 2030 có thể chuyển đổi khoảng 10.000 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp, giai đoạn 2020 - 2025 phát triển thêm 5 - 7 KCN, 30 - 50 CCN với diện tích trên 5000 ha. Hiện nay các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh như công nghiệp sản xuất lắp ráp máy móc, thiết bị hạng nặng, công nghiệp ô tô, công nghiệp điện - điện tử…đang được đầu tư phát triển sẽ góp phần đa dạng các sản phẩm CNCNC, CNHT.

Những năm qua, tỉnh Hải Dương đã phát huy những lợi thế thu hút sản xuất CNCNC, CNHT một cách có chọn lọc so với các tỉnh đi trước. CNHT phát triển đã từng bước hấp dẫn các nhà đầu tư sản xuất lĩnh vực cung cấp linh phụ kiện các loại cho các ngành công nghiệp ô tô, xe máy, điện tử gia dụng…

Nhằm khai thác tốt các tiềm năng riêng sẵn có, phát huy thế mạnh khác biệt của tỉnh để phát triển CNCNC, CNHT giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Ưu tiên thu hút các DN CNC, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, DN lắp ráp lớn để dẫn dắt phát triển sản phẩm CNHT, làm nền tảng bước đầu tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Hải Dương có khoảng 340 doanh nghiệp CNHT, doanh nghiệp CNCNC, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, các doanh nghiệp lắp ráp lớn mang lại giá trị kinh tế cao, đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 580 doanh nghiệp. GTSXCN của công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ tiên tiến, công nghiệp công nghệ mới, công nghiệp công nghệ sạch, CNHT chiếm khoảng 35% GTSXCN toàn ngành công nghiệp, đến năm 2030 chiếm khoảng 45% GTSXCN toàn ngành công nghiệp. Đến năm 2025 thu hút khoảng 100 doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, các DN lắp ráp lớn mang lại giá trị kinh tế cao; đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 250 daonh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, các DN lắp ráp lớn mang lại giá trị kinh tế cao. Ưu tiên tập trung hỗ trợ các DN công nghệ cao gồm công nghiệp năng lượng, công nghiệp sinh học ngành công thương, công nghệ vật liệu mới và nano, công nghiệp điện tử - công nghệ số, công nghiệp chế tạo và tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao để cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Các dịch vụ phân tích hệ gen; phân tích chức năng gen hay biểu hiện nhận diện chuỗi polypeptid dự toán cấu trúc của protein của các hệ thống sinh học kiểu mẫu, phân tích hình ảnh mức độ cao; dịch vụ số hóa công nghệ sinh học, thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2025 GTSX công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghiệp công nghệ mới, công nghiệp công nghệ sạch chiếm 12%, đến năm 2030 chiếm khoảng 18% GTSXCN toàn ngành công nghiệp.

Để điều đó thành hiện thực, tỉnh Hải Dương đã đẩy mạnh tuyên truyền đến cộng đồng các DN, doanh nhân nhằm thu hút phát triển CNCNC, công nghệ tiên tiến, công nghiệp công nghệ mới, công nghiệp công nghệ sạch, CNHT. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh để phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh. Lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết đối với các KCN, CCN đã được thành lập trước năm 2021 để bố trí quy đất dành cho các khu CNHT với các diện tích quy mô phù hợp nhằm tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh CNHT ưu tiên phát triển của tỉnh. Các KCN mới được thành lập sẽ bắt buộc phải dành ít nhất 20% quỹ đất công nghiệp để bố trí phân khu CNCNC, CNHT…Hình thành vùng công nghiệp trọng điểm khoảng 5000 ha tại huyện Bình Giang, Thanh Miện có vai trò dẫn dắt định hướng với các phân khu chính như KCN chuyên biệt CNC,  KCN đô thị - dịch vụ với lõi là Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, KCN sinh thái…làm động lực phát triển tỉnh Hải Dương thành Vùng công nghiệp công nghệ cao, CNHT, sinh thái.

Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật tạo điều kiện cho sản xuất. Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các loại hình doanh nghiệp và thực hiện các thủ tục đầu tư. Từng bước cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp từ cấp tỉnh đến cơ sở, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển CNCNC, CNHT, chuyển giao công nghệ. Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp có cam kết chuyển giao công nghệ sử dụng lao động chất lượng trong nước. Đơn giản hóa và đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục hành chính. Ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính mức độ 3, 4…nhằm tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, nhanh gọn, bình đẳng và minh bạch.

Hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI. Xúc tiến, mời gọi thu hút đầu tư triển khai xây dựng các KCN, CCN chuyên ngành tập trung để tạo cụm liên kết ngành.

Khuyến khích đầu tư chuyển đổi công nghệ, thiết bị tiên tiến; thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, chuyển giao và phát triển KHCN từ các đối tác nước ngoài. Ưu tiên các dự án đầu tư có yếu tố chuyển giao công nghệ mới làm nền tảng cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và có cam kết hỗ trợ các DN trong tỉnh tham gia cung ứng sản phẩm vào chuỗi sản xuất của DN. Hoàn chỉnh hạ tầng các KCN, CCN nhằm đảm bảo tiếp nhận và xử lý chất thải từ các DN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng môi trường ngoài KCN, CCN. Từng bước di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện hữu có nguy cơ gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường trong khu vực đô thị. Kiểm soát chặt việc nhập khẩu các loại máy móc thiết bị, công nghệ cũ để bảo đảm phục vụ cho quá trình sản xuất, phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho để thu hút các nhà khoa học có tài năng và kinh nghiệm của nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài vào phát triển CNC, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, CNHT.

 Vũ Thu Huyền 

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.