Khoa học và Công nghệ (Số 6-2022) 2022-12-30 17:50:26

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nêu rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao (CNC), nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Để đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống, tỉnh Hải Dương đã xây dựng Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm góp phần nâng cao giá trị gia tăng sản xuất và phát triển bền vững.

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương đã thực hiện theo hướng tập trung ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ. Xuất hiện một số mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao gắn với đổi mới tổ chức sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất đến khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị trên một đơn vị diện tích, cụ thể:

Sản xuất nông nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020

- Lĩnh vực trồng trọt: Diện tích gieo cấy lúa giảm mạnh (diện tích gieo trồng 2 vụ lúa năm 2020 là 112.498 ha, giảm 5.077 ha so với năm 2015), nhưng do áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp vào sản xuất sản lượng thóc đạt 681.545 tấn. Diện tích lúa đặc sản nếp cái hoa vàng 2280 ha, đã xây dựng nhãn hiệu tập thể; diện tích nếp xoắn, nếp quýt chất lượng cao 1.800 ha.

Diện tích rau, màu các loại đạt 41.170 ha, hình thành các vùng sản xuất tập trung cây rau màu truyền thống, có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế cao đạt khoảng 250 triệu đồng/ha, có những vùng đạt trên 500 triệu đồng/ha. Diện tích cây ăn quả đạt 21.300 ha, một số vùng cây ăn quả đặc sản cho thu nhập từ 200 - 350 triệu đồng/ha/năm, có thị trường tiêu thụ ổn định. Toàn tỉnh có khoảng 28 ha nhà màng, nhà lưới, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất từ 1 - 3 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận trung bình đạt 550 triệu đồng/ha/năm. Toàn tỉnh có khoảng 540 ha rau màu chuyên canh ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả kinh tế 10 - 30%.

Diện tích ứng dụng giống lúa, rau màu năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh tốt khoảng 5.000 ha. Có trên 15.500 ha rau sản xuất theo quy trình GAP, trên 5.000 ha rau được sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu; có 1.500 ha rau, trái cây được cấp chứng nhận theo quy trình VietGAP, chất lượng cao, đủ điều kiện xuất khẩu như vải, cà rốt, cải bắp...sang Nhật Bản, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Asean... có khoảng 421,7 ha là vùng sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích khai thác sản phẩm rươi, cáy tự nhiên với diện tích 403,7 ha.

- Lĩnh vực chăn nuôi: Toàn tỉnh có 15 khu chăn nuôi hàng hóa xa khu dân cư với quy mô từ 3 ha trở lên; Tỷ trọng chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, trang trại đối với chăn nuôi gia cầm chiếm khoảng 67%, chăn nuôi lợn chiếm khoảng 55%. Tổng đàn lợn đạt 370.000 con, đàn gia cầm đạt 15 triệu con (tăng 35,7%); Sản lượng thịt hơi các loại 115.000 tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 520 triệu quả.

- Lĩnh vực thủy sản:Tổng sản lượng cá bột, cá hương, cá giống các loại sản xuất và tiêu thụ hằng năm đạt khoảng 1,5 tỷ con. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,5%, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 11.800 ha, sản lượng đạt 87.800 tấn, tăng 18.340 tấn so với năm 2015. Hình thành 214 vùng nuôi thuỷ sản tập trung (từ 5 ha trở lên) với tổng diện tích 5.000 ha; có hơn 7.000 lồng cá, sản lượng 25.000 tấn/năm.

 Sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp CNC, nông nghiệp hữu cơ được chú trọng phát triển cho kết quả tích cực: Diện tích nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao 2.000 ha (chiếm khoảng 20% tổng diện tích). Vùng khai thác rươi, cáy với quy mô trên 400 ha là tiềm năng để phát triển thành các khu du lịch sinh thái nông nghiệp xanh cho giá trị kinh tế cao, tạo thương hiệu khác biệt riêng cho tỉnh.

Các sản phẩm được chế biến như cà rốt, dưa chuột, hành tỏi, ớt quả, rau cải các loại, tỏi, gấc, sắn dây, tinh bột nghệ, vải thiều...với 208 cơ sở chế biến, 58 kho lạnh bảo quản nông sản đạt từ 60 - 150 tấn/kho. Cơ giới hóa trong sản xuất được đẩy mạnh: tỷ lệ làm đất bằng máy đạt trên 98%; gặt máy trên 90%, cấy máy đạt 8,05%…Hiện toàn tỉnh có 8.440 máy làm đất; 1.858 máy cấy, máy gieo hạt; 1.990 máy gặt đập liên hợp...Toàn tỉnh có 25 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề được bảo hộ quyền SHTT và được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý vải thiều Thanh Hà, 25 sản phẩm cấp mã QR code. Toàn tỉnh đã có 75 sản phẩm OCOP, trong đó 36 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 37 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, có 2 sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận đạt 5 sao. Với gần 2000 DN có đăng ký các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, số DN trong nước có hoạt động thực sự trong lĩnh vực nông nghiệp khoảng 300 DN; có 363 trang trại, có 359 HTX nông nghiệp. Mô hình HTXNN phát huy hiệu quả hoạt động do ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp, tăng cường hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho HTX và các thành viên.

Hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn coi trọng ứng dụng các công nghệ mới trong quản lý, sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường. Công tác khảo nghiệm, sản xuất thử và chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản cho năng suất, chất lượng cao để đưa vào sản xuất. Hằng năm trên địa bàn tỉnh tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật khoảng 1.600 lớp, cho trên 110.000 lượt người cùng với hàng trăm mô hình khuyến nông hiệu quả.

Phương hướng đến năm 2025

Tỉnh Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng CNC, nông nghiệp hữu cơ hướng tới nông nghiệp thông minh để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn liền tăng trưởng xanh và chuyển đổi số. Tập trung vào một số nội dung sau:

- Quy hoạch, phát triển các vùng trọng điểm, chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

- Chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ gắn liền với ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và cơ giới hóa trong sản xuất, bảo quản chế biến.

- Phát huy tiềm năng của các sản phẩm truyền thống, sản phẩm lợi thế, chủ lực của tỉnh gắn với quy trình tiêu chuẩn hóa sản phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, tạo nhiều giá trị khác biệt.

 - Chuyển đổi và sử dụng linh hoạt đất trồng lúa sang trồng cây rau màu, cây hằng năm khác, cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao hơn nhằm bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế, hiệu quả sử dụng đất và đảm bảo an ninh lương thực.

- Đổi mới tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với thị trường trên cơ sở tích tụ đất đai, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Gắn phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Phấn đấu đến năm 2025 thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020

Định hướng đến năm 2030

Tỉnh Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện liên kết 4 nhà, tham gia chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Tập trung thu hút, phát triển DN, HTX trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến sâu nông sản; có cơ chế thành lập cụm công nghiệp chế biến nông sản. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; các quy trình canh tác tiên tiến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; cải tạo nâng cao chất lượng nguồn nước nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn.

Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp để giảm công lao động, giảm chi phí, tăng năng suất cây trồng như cấy, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch bằng máy; hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm…tăng cường áp dụng hệ thống tự động hóa trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản. Thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu giúp doanh nghiệp có thể truy cập để nắm bắt thông tin, nghiên cứu đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ đầu tư hạ tầng công nghệ số, áp dụng các phần mềm để quản lý, điều hành, kết nối xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ nông sản. Xây dựng các mô hình sản xuất đầu tư đồng bộ về KHCN, công nghệ số, các thiết bị điện tử thông minh để giúp cho việc cập nhật thông tin, quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc, tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi.

2. Tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương đã phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, diện mạo nông thôn thực sự được đổi mới, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và các công trình phục vụ phúc lợi công cộng. Chương trình xây dựng NTM góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện, môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp hơn, giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, an ninh chính trị được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, khoảng cách phát triển giữa nông thôn - đô thị từng bước được thu hẹp.

Tổng kinh phí đã thực hiện trên địa bàn tỉnhHải Dươnggiai đoạn 2011 - 2021là 58.383,123 tỷ đồng. Có 178 xã được công nhận và đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100%. Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với sự tham gia đóng góp ngày công, hiện vật của nhân dân, đến nay kết cấu hạ tầng kinh tế, bộ mặt nông thôn ngày càng được đồng bộ, khang trang từng bước đáp ứng nhu cầu nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, đồng thời, đang dần bắt kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Từ năm 2011 - 2015 toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp được 3.184 km đường các loại. Kinh phí đầu tư là 3.095,543 tỷ đồng; trong đó nhà nước đầu tư là 323,890 tỷ đồng (bằng 10%), tỉnh hỗ trợ theo Đề án là 605,520 tỷ đồng còn lại là ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp là 2.166,133 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng đường giao thông sửa chữa, cải tạo, nâng cấp được 1.187 km đường giao thông nông thôn với kinh phí từ ngân sách nhà nước là 319,7 tỷ đồng và từ nguồn nhân dân đóng góp và ngân sách xã khoảng 1.278,8 tỷ đồng.

Trong hơn 10 năm qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi đồng bộ, đa mục tiêu, gắn với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ đó đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, từng bước hình thành các vùng sản xuất lớn, chuyên canh. Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương quản lý 191 đơn vị trong tổng số 235 xã/phường/thị trấn với tổng mức đầu tư là 3.347,65 tỷ. Hệ thống đường dây, trạm biến áp được đầu tư cải tạo, nâng cấp thường xuyên đảm bảo 100% các xã có hệ thống điện đạt chuẩn. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%. Tất cả các trường MN, TH, THCS, TH - THCS của 178 xã trong tỉnh đều đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo tiêu chí nông thôn mới.

Giai đoạn từ 2006 - 2008 đã có 736 nhà văn hoá được xây dựng, với tổng kinh phí là 36,800 tỷ đồng. Giai đoạn từ 2009 - 2013 đã có 317 nhà văn hoá được xây mới, với kinh phí là 31,700 tỷ đồng; 443 nhà văn hoá được hỗ trợ sửa chữa nâng cấp, mua sắm trang thiết bị với kinh phí 22,150 tỷ đồng. Giai đoạn từ 2014 tỉnh đã hỗ trợ xây dựng sân thể thao thao các xã, thị trấn và sân thể thao thôn trên địa bàn nông thôn, giai đoạn 2015 - 2020 mức hỗ trợ kinh phí xây dựng mới nhà văn hoá thôn, khu dân cư giai là 200 triệu đồng. Toàn tỉnh có 235 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã. Có 1.334 số thôn có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng. Toàn tỉnh có trên 1.400 đội văn nghệ quần chúng, 7.778 các loại hình câu lạc bộ và trên 65.000 lượt gia đình được công nhận danh hiệu “Ông bà mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”. Sau khi sáp nhập địa giới hành chính, tỉnh Hải Dương còn 121 chợ nông thôn/178 xã.

Trong giai đoạn 2010 đến nay đã quan tâm đầu tư xây dựng xây mới, sửa chữa cải tạo nâng trên 50 chợ, với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Mạng lưới điểm phục vụ bưu chính tỉnh Hải Dương có 254 điểm phục vụ bưu chính trải rộng khắp trên địa bàn tỉnh, có trên 90 điểm phục vụ của là các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp bưu chính khác đáp ứng phục vụ nhu cầu của người dân trong xã. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông đáp ứng đầy đủ việc kết nối cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tới 100% các thôn trên địa bàn tỉnh...178 xã được phủ sóng điện thoại di động, có mạng Internet được kết nối tới các thôn đáp ứng nhu cầu truy nhập của nhân dân. Toàn tỉnh có 235 đài truyền thanh cơ sở đang hoạt động có hiệu quả, 100% số thôn có hệ thống loa truyền thanh. Hệ thống một cửa điện tử được triển khai đồng bộ, thống nhất cho các cơ quan nhà nước, hệ thống đảm bảo kết nối, liên thông và cung cấp trực tuyến 1.853 thủ tục hành chính. Đến nay, tỷ lệ hộ có nhà ở nông thôn chuẩn theo quy định trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đều có tỷ lệ từ 95% đến 100% đạt tỷ lệ theo yêu cầu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 14.000 doanh nghiệp. UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức đánh giá và công nhận cho 73 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao và có 2 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận 5 sao; năm 2021 có 78 sản phẩm đăng ký tham gia Đề án OCOP.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (giá 2010) tăng bình quân 8,1%/năm; giai đoạn 2010 - 2015 (7,7% năm); Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2020 gấp 1,6 lần năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 69,8 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hường tích cực, năm 2020, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm 90,3%, nông nghiệp chiếm 9,7 % GRDP. Giai đoạn 2011 - 2020, đã thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề đối với 56.907 lao động nông thôn, trong đó, nghề nông nghiệp 21.022 người; nghề phi nông nghiệp 35.885 người.

Công tác phổ cập giáo dục MN trẻ 5 tuổi có 178 xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục MN trẻ 5 tuổi. Phổ cập giáo dục TH 178 xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục giáo dục TH từ mức độ 2 đến mức độ 3. Phổ cập giáo dục THCS có 17 xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2,3. Đến nay có 178 xã đạt 100% người dân tham gia BHYT đều đạt và vượt tỷ lệ theo quy định. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy định đạt 100%. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trungđạt 99,02%. Hộ gia đình có nhà vệ sinh, nhà tắm đạt tiêu chuẩn quy định đạt 99.58%. Chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 86.8%. Đường làng, ngõ xóm xanh sạch đẹp; khu vực công cộng không có hiện tượng xả nước thải, chất thải bừa bãi gây mất mỹ quan đạt trên 90%. Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định.

Từ giai đoạn 2010 - 2020, toàn tỉnh đã xây dựng, nhân rộng và duy trì hoạt động có hiệu quả 19 loại với trên 2 nghìn mô hình “Tự quản, tự phòng ngừa, tự bảo vệ ANTT”; 178 xã được công nhận đạt danh hiệu “An toàn về ANTT”. Từ đó kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, phòng ngừa ngăn chặn hiệu quả hoạt động của các băng nhóm tội phạm và các vi phạm pháp luật khác được kiềm chế, giảm so với năm trước; không có tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội.

Gian đoạn từ năm 2021 - 2025, tỉnh Hải Dương tiếp tục nâng cao đời sống vật chất tỉnh thần của người dân nông thôn. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn, sáng, xanh, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Đến năm 2025 tiếp tục phấn đấu 107 xã, chiếm 60% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 36 xã, chiếm 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thu nhập hình quân người dân nông thôn đạt từ 76-80 triệu đồng/người/năm. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quản nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam. Đẩy mạnh nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong thôn thôn mới, tăng cường ứng dụng CNTT, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn.

Một số giải pháp sản xuất vụ đông xuân năm 2022 - 2023

Để mở rộng diện tích vụ đông xuân, tỉnh Hải Dương có chính sách hỗ trợ nhằmđẩy mạnh cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu của hàng nông sản Hải Dương giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển sản xuất.Người dân cũng chủ động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất từng bước được nâng lên, đa số các vùng đã nâng cao tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất để giảm chi phí, đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng.

Vụ đông xuân năm nay,toàn tỉnh gieo trồng được 10.161 ha cây rau màu vụ xuân, đạt 101,6% so với KH (10.000 ha), cao hơn 45 ha so CKNT (10.084 ha). Diện tích có sự chuyển dịch giảm cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang cây rau có hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, rau các loại 6.621 ha, tăng 58 ha so CKNT; cây ngô 1.131 ha, cao hơn 4ha; cây màu còn lại 2.409 ha, tăng 15 ha so CKNT.

Năm nay lập Xuân sau Tết Nguyên Đán (Lập Xuân ngày 04/02/2023 tức ngày 14/01/2023 Âm Lịch) người dân cần gieo cấy lúa đúng lịch, giảm gieo cấy trà xuân sớm, giảm diện tích mạ dược tránh bị thiệt hại do rét đậm, rét hại gây chết mạ; tăng diện tích gieo cấy trà xuân muộn để đảm bảolúa trỗ bông gọn, an toàn từ ngày 1 - 15/5/2023. Với cây rau màu, đẩy mạnh chuyển đổi, ứng dụng công nghệ cao, tăng diện tích sản xuất an toàn, trồng rải vụ và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Hạn chế gieo cấy lúa trà xuân sớm, tăng tối đa trà xuân muộn

* Lúa trà xuân sớm: Cấy mạ dược, dưới7,5% diện tích, cấy chân vàn trũng, chân trũng. Sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởngtừ150-170 ngày, cấytừ01-10/02/2023.

* Lúa trà xuân muộn: Trên 92,5% diện tích, sử dụng giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, chất lượng cao. không gieo mạ trà xuân muộn trước ngày 31/01/2023. Mạ non gieo trên nền đất cứng, mạ sân, mạ khay cấy máy, thời gian gieo mạ từ ngày 01 - 10/02/2023, tuổi mạ 2,5 - 3 lá, cấy từ 10 - 28/02/2023. Áp dụng phương thức gieo thẳng từ ngày 10 - 20/02/2023. Không gieo thẳng và cấy lúa vào những ngày rét đậm, rét hại khi nhiệt độ dưới 150C.

Người dân cần chọn đất tốt, quy vùng tập trung, làm đất kỹ, bón phân lót đủ chăm sóc để mạ sinh trư­ởng thuận lợi. Gieo đúng lịch thời vụ, không gieo sớm, gieo ở nơi thuận lợi cho việc chăm sóc, che đậy, áp dụng kỹ thuật gieo mạ thưa, thâm canh mạ để cây mạ khỏe, cứng cây, đanh dảnh. Thời gian mạ 10 - 15 ngày tuổi, mạ 2,5 - 3 lá thật, chiều cao cây mạ 10 - 20 cm, cứng cây, đanh dảnh, sạch sâu bệnh. Khi thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài phải che phủ nilon 100% cho tất cả diện tích mạ gieo để chống rét, giữ đủ ẩm; bón thêm phân chuồng, tro bếp mục, phân lân, tuyệt đối không bón thúc đạm cho mạ. Dự phòng các giống ngắn ngày KD18, CNC1, BT7 đề phòng rét đậm, rét hại làm chết mạ, chết lúa hoặc nắng nóng mạ già ống phải phá bỏ để gieo cấy lại.

Người dân thực hiện cấy “một vùng, một giống, một thời gian” để tăng tối đa diện tích ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, cấy máy, gặt máy, áp dụng các TBKT chăm bón cây trồng. Tiếp thu kỹ thuật áp dụng mở rộng cấy bằng máy, cấy bằng công cụ cấy, cấy hiệu ứng hàng biên phấn đấu đạt 10 - 15% diện tích gieo cấy. Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ ruộng, cỏ bờ. tăng cường áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM, ICM. Tăng cường tích tụ ruộng đất, chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màuở vùng quy hoạchđể nâng cao hiệu quả kinh tế. Tích cực đưa các giống mới, tiến bộ kỹ thuật thâm canh mới vào sản xuất. Trồng rải vụ, mở rộng diện tích nhà màng, nhà lưới cho hiệu quả kinh tế cao. Xử lý đất triệt để, luân canh cây trồng, hạn chế gieo trồng dưa lê, dưa hấu trên các chân ruộng nhiễm bệnh, chết cây từ vụ xuân và hè thu các năm trước. Tăng cường hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo quy trình thực hành nông nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ qua hợp đồng. Các giống năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt, các tiến bộ kỹ thuật về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác mới, cơ giới hóa tiếp tục ứng dụng chuyển giao, nhân rộng trong sản xuất.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất trồng trọt như: Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Phát triển diện tích cấy lúa bằng máy giai đoạn 2020 - 2025”;

Bài của TS. Nguyễn Đình Bộ

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 năm 2022

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.