Sản xuất bền vững và có trách nhiệm không chỉ giới hạn trong việc bảo vệ môi trường, điều kiện làm việc mà còn là việc đảm bảo đối xử nhân đạo với động vật khi nguyên liệu cơ bản đến từ nguồn này. Riêng đối với ngành dệt may, việc tìm ngành cung ứng có liên quan đến sản phẩm từ động vật cũng gặp phải nhiều thách thức. Cụ thể là việc sử dụng lông các loại động vật để làm quần áo như: lông vũ, len, lông dê, len ca-sơ-mia-a,…Vì vậy, tiêu chuẩn lông vũ có trách nhiệm, một tiêu chuẩn hàng đầu về chăm sóc động vật trong các sản phẩm liên quan đến lông được phát triển nhằm hướng đến một nền may mặc xanh và bảo vệ động vật.
Tiêu chuẩn RDS được viết tắt bởi cụm từ “Responsible Down Standard” có nghĩa là tiêu chuẩn lông vũ có trách nhiệm. Đây là bộ tiêu chuẩn quốc tế có tính chất tự nguyện do 3 tổ chức là Textile Exchange, tổ chức Control Union và The North Face xây dựng lần đầu tiên vào năm 2014. Bộ tiêu chuẩn RDS này được dùng cho một quá trình đánh giá chứng nhận về nguồn gốc của sản phẩm lông vũ cũng như việc truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng của một tổ chức.
Tại các thị trường phát triển, người ta dành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội và nhiều khía cạnh khác bên cạnh năng suất, hiệu quả kinh tế. Sự phản đối ngày càng tăng của các nhà hoạt động, người tiêu dùng vì quyền lợi động vật cũng chính là một nguyên nhân cho sự ra đời của tiêu chuẩn RDS. Có thể thấy được từ khi ra đời cho đến nay thì tiêu chuẩn RDS dã tác động khá nhiều đến ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm lông vũ. RDS khiến việc tiêu thụ các sản phẩm này có trách nhiệm hơn. RDS là một tiêu chuẩn quốc tế, tự nguyện và đầy đủ, đặt ra các yêu cầu về chứng nhận của bên thứ ba nhằm giải quyết vấn đề phúc lợi động vật trong chuỗi cung ứng Lông vũ và chuỗi hành trình sản xuất nguyên liệu lông vũ, lông tơ từ các trang trại được chứng nhận cho đến sản phẩm cuối cùng.
Tiêu chuẩn lông vũ trách nhiệm xã hội nhằm mục đích đảm bảo động vật để lấy lông vũ không bị đe dọa không cần thiết. Nhà ban hành tiêu chuẩn hy vọng rằng tiêu chuẩn này có thể ảnh hưởng tích cực đến ngành chăn nuôi và công nghiệp lông vũ, khuyến khích đối xử nhân đạo với vịt và ngỗng. Tiêu chuẩn này cũng cung cấp cho các công ty và người tiêu dùng một công cụ để biết những gì có trong sản phẩm và để đưa ra các tuyên bố chính xác.
Việc áp dụng tiêu chuẩn RDS, giúp các doanh nghiệp ngành may mặc tuân thủ pháp luật quốc gia và quốc tế về quyền lợi động vật; Kiểm soát chuỗi cung ứng sản phẩm lông tơ, lông vũ hiệu quả; Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Minh bạch thông tin sản phẩm từ đó tạo được uy tín và niềm tin đối với người tiêu dùng về sản phẩm hướng đến thân thiện với môi trường. Đây là yếu tố được nhiều người dùng quan tâm và đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, việc đảm bảo tiêu chuẩn trong sản phẩm, còn giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng cạnh tranh của sản phẩm đối với các doanh nghiệp khác. Cũng như trong thời đại thị trường hội nhập, giao lưu thương mại đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, tiêu chuẩn RDS giống như chiếc “chìa khóa vàng” xóa bỏ rào cản xuất khẩu hàng hóa sang các khu vực như: Châu Âu, Mỹ, Anh…. Tăng hiệu quả năng suất cho sản phẩm và là lời cam kết của doanh nghiệp trong việc kinh doanh có đạo đức và trách nhiệm.
Theo VietQ.vn