Khoa học quản lý (01-2024) -0001-11-30 07:06:30

Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tập trung chuyển đổi và phát triển các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGap và xuất khẩu; xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, chủ động mời gọi, kết nối, giúp đỡ các doanh nghiệp vào liên kết sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Từ đó ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã trở thành 1 trong 4 trụ cột chính trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2023, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,16%. Quy mô GRDP (theo giá 2010) toàn tỉnh đạt 106.386 tỷ đồng (tăng 8,2%); tổng giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản đạt 22.542 tỷ đồng (tăng 4,08% so với năm 2022); giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2023 tăng trưởng bình quân 4,6%; giá trị sản xuất trên  đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản đạt 198,6 triệu đồng/ha, dự kiến năm 2025 có thể đạt 215 triệu đồng/ha. Hải Dương là tỉnh có thế mạnh sản xuất cây rau vụ đông, giá trị sản xuất cây vụ Đông đạt 223,5 triệu đồng/ha cao gấp hơn 2,2 lần các tỉnh phía Bắc.

Năm 2023, toàn tỉnh gieo trồng lúa khoảng 108.300 ha, trong đó diện tích lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, lúa hữu cơ chiếm 77%; năng suất bình quân 63,2 tạ/ha; sản lượng thóc khoảng 685.000 tấn, đảm bảo nhu cầu an ninh lương thực trong tỉnh, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu khoảng 200.000 tấn; giá trị sản xuất lúa đạt từ 65 - 80 triệu đồng/ha.

Tỷ lệ cơ giới hoá trong sản xuất đứng đầu toàn vùng đồng bằng sông Hồng, đã áp dụng cơ giới hóa ở tất cả các khâu. Trong đó khâu làm đất, gặt đạt 99%. Khâu cấy máy đạt gần 15%; khâu bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 40%. Việc ứng dụng công nghệ cao trong phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị máy bay không người lái 1.600 ha/vụ và đang tăng mạnh những năm gần đây do chi phí thấp.

Toàn tỉnh có 38 cơ sở sản xuất mạ khay, cấy máy. Trong đó, có 5 cơ sở mạ khay, cấy máy theo tiêu chuẩn của Kubota. Cấy lúa bằng máy có chi phí thấp hơn và năng suất cao hơn so với cấy lúa thủ công do giảm được chi phí về giống, công gieo mạ, công cấy, thuốc bảo vệ thực vật. Hiệu quả kinh tế của mô hình cấy máy cao hơn so với cấy thủ công từ 23 - 37%.

Trong nhiều năm qua, tỉnh Hải Dương được ví như là “vựa rau” của toàn miền Bắc mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất. Tổng diện tích năm 2023 đạt khoảng 43.000 ha, trong đó, riêng rau màu vụ Đông đạt khoảng 22.000 ha; sản lượng rau các loại đạt trên 1.000.000 tấn; tiêu thụ trong tỉnh chiếm 30%, còn lại 70% tiêu thụ ngoài tỉnh và xuất khẩu; Giá trị sản xuất ước đạt 3.500 tỷ đồng. Giá trị theo giá thực tế 4.600 tỷ đồng, tăng 28 tỷ đồng so với năm trước; có khoảng 50 ha nhà màng, nhà lưới sản xuất rau màu công nghệ cao; sản xuất rau màu của tỉnh cơ bản theo hướng VietGAP, hữu cơ và xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như sản xuất Cà rốt với diện tích khoảng 2.600 ha (trong đó sản xuất trong tỉnh đạt 1.500 ha, còn lại 1.100 ha tỉnh ngoài do nông dân Hải Dương đi thuê đất trồng); sản lượng đạt khoảng 139.000 tấn (trong đó trong tỉnh 80.000 tấn, ngoài tỉnh 59.000 tấn); giá trị đạt khoảng 950 tỷ đồng.

Thời gian trồng từ tháng 01 đến 15/9 hàng năm; thu hoạch tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau. Tập trung tại các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh. Tiêu thụ 20% trong nước ở dạng củ tươi, một phần nhỏ sấy khô cung cấp cho chế biến thực phẩm và 80% xuất khẩu. Sản phẩm cà rốt được sản xuất theo quy trình VietGap. Cà rốt trồng tại Cẩm Giàng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Năm 2024, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 2,5%; Giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 205 triệu đồng. Diện tích lúa gieo cấy 106.500 ha, năng suất bình quân/vụ 62,5 tạ/ha, sản lượng đạt 668.524 tấn. Mở rộng vùng rau màu chuyên canh có lắp đặt hệ thống điều khiển thông minh tưới nước theo giờ, nâng cao hiệu quả kinh tế 10 - 30% và tiết kiệm khoảng 55% nước so với phương pháp tưới truyền thống; Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, cung cấp phân bón qua hệ thống tưới tự động, sử dụng quạt thông gió, ánh sáng đèn để điều hòa nhiệt độ, điều chỉnh thời gian chiếu sáng,…

Khuyến khích các HTX, trang trại, gia trại ứng dụng hệ thống nhà màng, nhà lưới có lắp đặt đồng bộ hệ thống camera giám sát và thiết bị cảm biến tự động kết nối điện thoại thông minh để điều khiển bón phân, tưới nưới tự động; áp dụng công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay... Các vùng trồng, tổ sản xuất, cơ sở sản xuất nông nghiệp cần mã hóa các thông tin liên quan đến sản phẩm như: tọa độ, diện tích vùng sản xuất; nhật ký gieo, trồng, chăm sóc, bón phân, phun thuốc trừ dịch hại, thời gian thu hoạch; sản lượng,... xây dựng thành bộ dữ liệu dạng số hóa để cập nhật lên hệ thống website, App, Facebook, Zalo,.. phục vụ cho truy suất nguồn gốc sản phẩm.

Bài của Nguyễn Thị Kim Hoa

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 4 năm 2024.

 

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.