Khoa học công nghệ(01-2024) -0001-11-30 07:06:30

Những năm qua, ngành KH & CN đã tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH & CN; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (HTSKNĐMST); chính sách hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá; thực hiện chiến lược sở hữu trí tuệ… hoạt động KH & CN tiếp tục có những đóng góp thiết thực vào phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Nhiều kết quả KH & CN, được chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, phát triển các ngành dịch vụ, văn hóa, du lịch... tại địa phương. Hoạt động phát triển HSTKNĐMST được triển khai tích cực, hiệu quả tại các địa phương trên cả nước.

Năm 2023, có gần 300 nhiệm vụ cấp quốc gia được triển khai thực hiện. Trong đó, gần 250 nhiệm vụ chuyển tiếp từ các năm trước và 46 nhiệm vụ mới được Bộ KH & CN hỗ trợ thuộc nhiệm vụ độc lập hoặc các Chương trình: Nông thôn miền múi, Đổi mới công nghệ, Quỹ gen, Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, nhiệm vụ cấp thiết địa phương,... Các nhiệm vụ KH & CN tiếp tục ứng dụng các kết quả KH&CN, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất các sản phẩm theo hướng chuỗi giá trị; nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; giải quyết các vấn đề cấp thiết của địa phương về quản lý tổng hợp một số dịch bệnh chính hại cây trồng, vật nuôi; phát triển giống cây trồng, vật nuôi với thích ứng với với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…

Năm 2023 các địa phương đã triển khai thực hiện 2.658 nhiệm vụ KH & CN, trong đó có 717 nhiệm vụ mới gồm khoa học nông nghiệp, chiếm tỷ lệ cao nhất với 1.081 nhiệm vụ (chiếm 40,7%); khoa học kỹ thuật và công nghệ (521 nhiệm vụ, chiếm 19,6%), khoa học xã hội (517 nhiệm vụ, tỷ lệ và 19,5%); khoa học giáo dục - đào tạo, y - dược (331 nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 12,4%); khoa học nhân văn (106 nhiệm vụ, chiếm 4%); chiếm tỷ lệ thấp nhất (3,8%) là khoa học tự nhiên với tổng số 99 nhiệm vụ được triển khai.

Các nhiệm vụ KH & CN được triển khai theo hướng nâng cao hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn để phục vụ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH, tạo ra sản phẩm mới, theo hướng chuỗi giá trị sản phẩm, tập trung ưu tiên vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có lợi thế của địa phương; giải pháp thúc đẩy việc ứng dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất và đời sống.

Đối với Khoa học nông nghiệp: Nghiên cứu, ứng dụng và từng bước làm chủ được công nghệ chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh và chống chịu với điều kiện bất thuận và ứng dụng vào sản xuất; ứng dụng CNSH, công nghệ cao, công nghệ mới và thân thiện với môi trường trong nuôi trồng, chăm sóc, canh tác, quản lý dịch bệnh, bảo quản và chế biến nông sản; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hoặc làm chủ được công nghệ thiết kế chế tạo một số loại máy móc để ứng dụng vào sản xuất, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm; bảo tồn, khai thác và phát triển được một số nguồn gen cây trồng, vật nuôi, dược liệu, vi sinh vật quý hiếm có giá trị ứng dụng để phát triển phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, y - dược, văn hóa, bảo vệ môi trường và an ninh - quốc phòng; xây dựng thương hiệu sản phẩm, thiết kế mẫu mã, nhãn hiệu, bao bì và xúc tiến quảng bá các sản phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP; thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương; KH & CN đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản đạt trên 53 tỷ USD/năm, thặng dư thương mại ngành đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước, trong đó có 6 sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Đối với Khoa học kỹ thuật và công nghệ: Nghiên cứu ứng dụng, làm chủ được công nghệ phát triển sản phẩm mới thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, cơ khí, vật liệu mới, công nghệ chế biến, dịch vụ, du lịch, năng lượng, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu... đầu tư đổi mới công nghệ cho những khâu cơ bản, quyết định chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu, chế tạo ra một số dây chuyền công nghệ thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và sản xuất hàng tiêu dùng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá. Trong lĩnh vực công nghệ cao, việc tiếp cận công nghệ sản xuất chip bán dẫn đang được phát triển các công nghệ chủ chốt như: trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, robot tiên tiến, in 3D, công nghệ thực tế ảo... giúp thu hút một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp FDI cho địa phương

Đối với Khoa học xã hội và nhân văn: Nghiên cứu các vấn đề văn hóa, KT - XH gắn liền với đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương, đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc đề ra các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển KT - XH của địa phương; xây dựng nông thôn mới; bảo tồn, lưu giữ những giá trị, bản sắc văn hoá bản địa, địa phương, văn hóa dân tộc.

- Khoa học giáo dục - đào tạo, y - dược: Các nhiệm vụ KH & CN tập trung chủ yếu đến việc nghiên cứu đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy; chuyển giao các mô hình giáo dục, phương pháp giảng dạy mới vào ứng dụng trong hệ thống các trường học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Đối với lĩnh vực y - dược: Với mục tiêu làm chủ và phát triển y tế kỹ thuật cao kết hợp sử dụng vốn quý của nền y học cổ truyền Việt Nam, tạo ra tiềm lực KH & CN trong lĩnh vực y tế tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế, các nghiên cứu thuộc lĩnh vực y dược đã tập trung vào nghiên cứu dược liệu và tách chiết các thành phần hoá học từ cây, phát triển y học cổ truyền, chuyển giao ứng dụng các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh trong y tế cộng đồng.

- Đối với Khoa học tự nhiên: Đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong các lĩnh vực về toán học, vật lý, hóa học, khoa học sự sống khoa học trái đất và khoa học biển, tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái; nghiên cứu đề xuất các giải pháp ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu đã tạo luận cứ, cơ sở khoa học quan trọng cho các phương án phát triển KT - XH của từng địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ, Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ vận hành, khai thác hiệu quả 13 điểm kết nối cung cầu công nghệ phân bố trên 5 vùng, 12 tỉnh/thành phố. Các công nghệ được chuyển giao tại địa phương tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp với khoảng 25 công nghệ mới, công nghệ tiên tiến được chuyển giao ứng dụng, tổng kinh phí đầu tư trên 41,7 tỷ đồng. Có 30 nhiệm vụ KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ được triển khai; 37 doanh nghiệp được hỗ trợ ứng dụng, đổi mới công nghệ; 67 doanh nghiệp được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng.

Hiện nay, với sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của 19 Trung tâm giao dịch công nghệ; 20 Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ; 75 Trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo và 119 cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH & CN trong cả nước đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hoá các sản phẩm KH & CN, phát triển thị trường KH & CN. Hoạt động KNĐMST tiếp tục được các địa phương quan tâm với 31 văn bản có nội dung liên quan đến hỗ trợ KHĐMST được ban hành. Nhiều hoạt động KNĐMST được tổ chức đạt chất lượng cao, thu hút được sự quan tâm lớn của xã hội, giúp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các chuyên gia, nhà đầu tư về khởi nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cùng nhau trao đổi, chia sẻ những quan điểm, góc nhìn, kinh nghiệm vận hành, từ đó tạo nguồn năng lượng mới cho hệ sinh thái KNĐMST phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn tại địa phương đáp ứng cơ bản nhu cầu về đảm bảo đo lường trong thương mại, giao nhận hàng hóa, trong quản lý thị trường và xuất nhập khẩu. Với 284.939 phương tiện đo đã kiểm định, trong đó có 258.677 phương tiện đo đạt yêu cầu và 26.262 phương tiện đo không đạt yêu cầu.

Các địa phương đã thực hiện tốt công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, cụ thể như sau: (i) 333.303 phương tiện đo được kiểm tra tại 4.638 cơ sở, phát hiện 1.407 cơ sở vi phạm (chủ yếu là xăng dầu, điện - điện tử, thiết bị y tế); (ii) 20.893 phép đo được kiểm tra tại 1.791 cơ sở, phát hiện 32 cơ sở vi phạm (chủ yếu trong xăng dầu); (iii) 4.950 hàng hoá đóng gói sẵn được kiểm tra tại 569 cơ sở, phát hiện 18 cơ sở vi phạm (chủ yếu là hàng hoá nông sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, khí lỏng, vật liệu xây dựng); kiểm tra 67 tổ chức kiểm đinh, hiệu chuẩn, thử nghiệm phát hiện 4 cơ sở vi phạm.

Các địa phương đã hướng dẫn xác lập quyền SHCN cho 2.598 lượt nhãn hiệu; 38 lượt đăng ký về chỉ dẫn địa lý; 107 lượt đăng ký kiểu dáng công nghiệp; 74 lượt sáng chế/giải pháp hữu ích; 39 lượt các đối tượng khác. Hướng dẫn bảo vệ quyền SHCN cho: 361 nhãn hiệu; 9 chỉ dẫn địa lý, 5 kiểu dáng công nghiệp, 14 sáng chế/giải pháp hữu ích và 10 đối tượng khác. Tổng số vụ việc được giải quyết là 379 vụ.

Trong năm cả nước xử lý 1.629 vụ xâm phạm quyền SHCN, xử phạt hơn 8,0 tỷ đồng. Có 144 dự án/nhiệm vụ được hỗ trợ về phát triển TSTT; 24 sáng kiến, cải tiến được bảo hộ, khai thác; 134 sản phẩm đặc thù được hỗ trợ bảo hộ, quản lý quyền SHTT; 159 tổ chức được thành lập để quản lý TSTT cộng đồng; 13.052 lượt người được tập huấn, đào tạo về SHTT; 843 doanh nghiệp được hỗ trợ về SHTT; 176 lượt bản tin được phát sóng trên truyền hình tuyên truyền về SHTT được phát sóng; tổng kinh phí chi cho hoạt động SHTT khoảng 46,9 tỷ đồng. Đã có 19.669 sáng kiến được công nhận trong tổng số 68.868 giải pháp đề nghị công nhận sáng kiến của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương; 18.343 sáng kiến đang được áp dụng thu lợi 101,8 tỷ đồng. Có 309 sáng kiến đã được chuyển giao với số tiền thu được là 3,5 tỷ đồng; 1.901 sáng kiến được công nhận có phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh và 5 sáng kiến được công nhận có phạm vi ảnh hưởng cấp nhà nước. Đối với khối cơ quan, tổ chức doanh nghiệp ngoài Nhà nước, sự quan tâm thúc đẩy hoạt động sáng kiến còn hạn chế, chỉ có 135 sáng kiến đề nghị được công nhận và 33 sáng kiến được công nhận.

Những năm tiếp theo, ngành khoa học và công nghệ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong phát triển sản phẩm trọng điểm; tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong các dự án đầu tư, khuyến khích hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và quần chúng nhân dân. Phát triển mạnh mẽ HSTKNĐMST địa phương. Đẩy mạnh phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; thương mại hóa kết quả KH & CN vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kết nối cung - cầu công nghệ; thúc đẩy phát triển thị trường KH & CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động trong các ngành, lĩnh vực tại địa phương. Tăng cường hợp tác, liên kết địa phương, liên kết vùng trong triển khai hoạt động KHCN & ĐMST, liên kết địa phương, liên kết vùng để tạo sản phẩm theo chuỗi giá trị, có giá trị gia tăng lớn. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động KHCN&ĐMST tại địa phương, chủ động hội nhập quốc tế về KHCN & ĐMST./.

Bài của Lê Thị Thảo

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 4 năm 2024

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.