QUY ĐỊNH VỀ VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA NGUY HIỂM
Ngày 08/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2020/NĐ-CP quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.
Nghị định 42/2020/NĐ-CP áp dụng với tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Nghị định, tùy theo tính chất hóa, lý, hàng hóa nguy hiểm được phân thành 9 loại và nhóm loại sau đây:
- Loại 1: Chất nổ và vật phẩm dễ nổ gồm:
+ Nhóm 1.1: Chất và vật phẩm có nguy cơ nổ rộng;
+ Nhóm 1.2: Chất và vật phẩm có nguy cơ bắn tóe nhưng không nổ rộng;
+ Nhóm 1.3: Chất và vật phẩm có nguy cơ cháy và nguy cơ nổ nhỏ hoặc bắn tóe nhỏ hoặc cả hai, nhưng không nổ rộng;
+ Nhóm 1.4: Chất và vật phẩm có nguy cơ không đáng kể;
+ Nhóm 1.5: Chất rất không nhạy nhưng có nguy cơ nổ rộng;
+ Nhóm 1.6: Vật phẩm đặc biệt không nhạy, không có nguy cơ nổ rộng.
- Loại 2: Khí gồm:
+ Nhóm 2.1: Khí dễ cháy;
+ Nhóm 2.2: Khí không dễ cháy, không độc hại;
+ Nhóm 2.3: Khí độc hại.
- Loại 3: Chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy.
- Loại 4:
+ Nhóm 4.1: Chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy;
+ Nhóm 4.2: Chất có khả năng tự bốc cháy;
+ Nhóm 4.3: Chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy
- Loại 5:
+ Nhóm 5.1: Chất ôxi hóa;
+ Nhóm 5.2: Perôxít hữu cơ.
- Loại 6:
+ Nhóm 6.1: Chất độc;
+ Nhóm 6.2: Chất gây nhiễm bệnh.
- Loại 7: Chất phóng xạ.
- Loại 8: Chất ăn mòn.
- Loại 9: Chất và vật phẩm nguy hiểm khác.
Các bao bì, thùng chứa hàng hóa nguy hiểm chưa được làm sạch bên trong và bên ngoài sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm cũng được coi là hàng hóa nguy hiểm tương ứng.
Nghị định quy định, phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Thiết bị chuyên dùng của phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.
Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên và phía sau của phương tiện.
Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm, sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì phải được làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Việc làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện được thực hiện theo quy trình và ở nơi quy định.
Nghị định cũng quy định việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện và lưu kho bãi. Cụ thể, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển và lưu kho, bãi phải tuân thủ đúng chỉ dẫn về bảo quản, xếp, dỡ, vận chuyển của từng loại hàng hóa nguy hiểm hoặc trong thông báo của người thuê vận tải.
Việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm phải do người thủ kho, người thuê vận tải hoặc người áp tải trực tiếp hướng dẫn và giám sát. Không xếp chung các loại hàng hóa có thể tác động lẫn nhau làm tăng mức độ nguy hiểm trong cùng một phương tiện. Đối với loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm quy định phải xếp, dỡ, lưu giữ ở nơi riêng biệt thì việc xếp, dỡ phải thực hiện tại khu vực kho, bến bãi riêng biệt.
Trường hợp vận chuyển hàng hóa nguy hiểm không quy định phải có người áp tải thì người vận tải phải thực hiện xếp, dỡ hàng hóa theo chỉ dẫn của người thuê vận tải. Sau khi đưa hết hàng hóa nguy hiểm ra khỏi kho, bãi thì nơi lưu giữ hàng hóa nguy hiểm phải được làm sạch để không ảnh hưởng tới hàng hóa khác theo đúng quy trình quy định.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2020 và thay thế Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của Chính phủ.
Tin TBT Hải Dương số 10