YÊU CẦU QUẢN LÝ ĐỐI VỚI THÉP KHÔNG GỈ
Ngày 15/11/2019 Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BKHCNvề việc ban hành QCVN 20:2019/BKHCN - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ.
Quy chuẩn kỹ thuật này quy định mức giới hạn của thành phần các nguyên tố hóa học đối với thép không gỉ và các yêu cầu quản lý chất lượng đối với thép không gỉ sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.
Yêu cầu về quản lý đối với thép không gỉ được quy định như sau:
1. Yêu cầu kỹ thuật
Thép không gỉ quy định tại Phụ lục của Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 20:2019/BKHCN phải đảm bảo phù hợp với các yêu cầu sau:
- Thép không gỉ sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường được đánh giá phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật này phải có thành phần hóa học phù hợp với yêu cầu của mác thép trong tiêu chuẩn công bố. Trong đó, hàm lượng crom không thấp hơn 10,5% (theo khối lượng) và hàm lượng cacbon không lớn hơn 1,2% (theo khối lượng). Tiêu chuẩn công bố áp dụng phải là tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn quốc ế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn quốc gia nước ngoài, tiêu chuẩn ASTM, tiêu chuẩn SAE.
- Kết quả thử nghiệm mẫu chỉ được coi là phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng nếu các nguyên tố trong kết quả thử nghiệm thành phần hóa học của mẫu nằm trong giới hạn về sai lệch cho phép trong các tiêu chuẩn công bố.
- Các yêu cầu về phương pháp lấy mẫu và thử nghiệm mẫu đối với thép không gỉ sản xuất trong nước, nhập khẩu khi đánh giá phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật này cần tuân thủ theo quy định tương ứng của tiêu chuẩn công bố. Trong trường hợp tiêu chuẩn công bố không quy định phương pháp thử thì được sử dụng phương pháp thử trong các tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn quốc gia nước ngoài, tiêu chuẩn ASTM, tiêu chuẩn SAE.
2. Yêu cầu về ghi nhãn
Việc ghi nhãn hàng hóa phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các quy định hiện hành liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Nhãn của thép không gỉ phải được ghi một cách rõ ràng, dễ đọc, không thể tẩy xóa bằng tay, được ghi/gắn/buộc trên bó, cuộn, tấm, thanh và phải đảm bảo các yêu cầu tối thiểu sau:
- Tên hàng hóa.
- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa (cơ sở sản xuất/tổ chức, cá nhân nhập khẩu).
- Xuất xứ hàng hóa.
- Định lượng (khối/số lượng).
- Kích thước danh nghĩa, mác thép, tiêu chuẩn công bố áp dụng.
3. Yêu cầu quản lý
- Thép không gỉ sản xuất trong nước phải thực hiện việc công bố hợp quy phù hợp quy định kỹ thuật tại Quy chuẩn kỹ thuật này, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và có nhãn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này trước khi lưu thông trên thị trường. Việc công bố hợp quy thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Căn cứ để công bố hợp quy là kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, giám định đã đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy định hoặc được thừa nhận theo quy định.
- Thép không gỉ nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng phù hợp với các quy định tại Quy chuẩn, được gắn dấu hợp quy (dấu CR) và có nhãn phù hợp trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
- Việc kiểm tra chất lượng thép không gỉ nhập khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 2b Điều 7 của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (được bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủvà khoản 1 Điều 4 Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ).
- Các phương thức đánh giá sự phù hợp:
+ Các phương thức đánh giá sự phù hợp làm cơ sở cho việc công bố hợp quy, kiểm tra nhà nước về chất lượng thép không gỉ được quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
+ Đối với thép không gỉ được sản xuất trong nước, áp dụng phương thức đánh giá sự phù hợp là chứng nhận hợp quy theo Phương thức 5 tại cơ sở sản xuất. Trường hợp cơ sở sản xuất không thể áp dụng các yêu cầu đảm bảo chất lượng theo Phương thức 5 thì phải chứng nhận hợp quy theo Phương thức 7 cho từng lô sản phẩm.
+ Đối với thép không gỉ nhập khẩu, áp dụng phương thức đánh giá sự phù hợp là chứng nhận hợp quy, giám định phù hợp quy chuẩn theo Phương thức 7 đối với từng lô thép không gỉ nhập khẩu. Trường hợp nhà nhập khẩu có yêu cầu chứng nhận tại cơ sở sản xuất của nước xuất khẩu thì áp dụng chứng nhận hợp quy theo Phương thức 5.
- Nguyên tắc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp, sử dụng kết quả thử nghiệm:
+ Tổ chức đánh giá sự phù hợp (tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định) có thể xem xét sử dụng kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm tại nước xuất khẩu để phục vụ chứng nhận, giám định nếu tổ chức thử nghiệm đó có đủ năng lực và đáp ứng các quy định tại TCVN ISO/IEC 17025.
+ Trước khi sử dụng kết quả thử nghiệm của các tổ chức đánh giá sự phù hợp tại nước xuất khẩu, tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định phải báo cáo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để theo dõi và quản lý. Khi cần thiết Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ tổ chức kiểm tra việc sử dụng kết quả thử nghiệm của các tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định.
+ Khi sử dụng kết quả thử nghiệm của các tổ chức đánh giá sự phù hợp tại nước xuất khẩu, tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định phải chịu trách nhiệm về kết quả chứng nhận, giám định của mình.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2020, thép không gỉ thuộc các mã HS quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo QCVN 20:2019/BKHCN do Thông tư này ban hành, đáp ứng các yêu cầu quy định tại QCVN 20:2019/BKHCN trước khi lưu thông trên thị trường.
Xem chi tiết Thông tư tại đây.
Tin TBT Hải Dương số 11