Theo kết quả khảo sát đánh giá thực trạng về giống, sản xuất thương phẩm và khả năng phát triển sản xuất nếp Quýt tại huyện Kim Thành, diện tích gieo cấy lúa nếp Quýt tập trung ở 3 xã Cổ Dũng, Tuấn Hưng và Kim Xuyên trong cơ cấu vụ mùa, với diện tích dao động 4-5 sào/hộ. Năng suất lúa nếp Quýt dao động từ 40-50 tạ/ha, tương đương với lúa nếp cái hoa vàng, bằng 80% nếp soắn. Giá bán thóc lúa nếp Quýt tương đương với thóc lúa nếp cái hoa vàng, song do có tỷ lệ gạo xay sát đạt cao hơn nên tiêu thụ thuận lợi. Lúa nếp Quýt dễ canh tác, phù hợp với nhiều chân đất, khả năng hồi phục nhanh khi gặp điều kiện bất thuận. Chính vì vậy, nông dân huyện Kim Thành luôn duy trì diện tích gieo cấy giống lúa nếp này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, giống lúa nếp Quýt truyền thống đã bị thoái hóa dẫn đến sụt giảm năng suất, chỉ đạt từ 35-40 tạ/ha. Với mục đích khôi phục, duy trì và phát triển lại giống lúa nếp Quýt truyền thống, vụ mùa năm 2018, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học đã triển khai đề tài “Nghiên cứu, phục tráng, duy trì và phát triển thương hiệu lúa nếp Quýt huyện Kim Thành”.
Đặc điểm tính trạng của giống lúa nếp Quýt thể hiện ở các điểm như: Lá lúa 40 ngày màu xanh nhạt; Lá gốc lúa 40 ngày màu tím nhạt; Chiều dài phiến lá trung bình; Thời gian trỗ trung bình; Chiều dài thân lúa trung bình; Chiều dài trục chính bông trung bình; Số lượng bông trên cây trung bình; Bông có râu; Râu sớm màu vàng nhạt, phân bố đến giữa bông; Mỏ hạt màu vàng; Thời gian chín trung bình...
Vụ mùa năm 2018, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học đã tiến hành sản xuất phục tráng giống lúa nếp Quýt trên diện tích 460 m2 tại Xí nghiệp giống lúa Kim Thành. Vậtliệu khởi đầu là những cá thể lúa nếp Quýt ưu tú được chọn lọc từ một số hộ dân có truyền thống cấy nếp Quýt qua nhiều năm tại xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành. Trên diện tích phục tráng xuất hiện 9 dạng bông khác nhau. Trên cơ sở bản mô tả tính trạng của dân, bước đầu xác định được những cá thể có đặc điểm tính trạng tương đồng với mô tả. Cây lúa sinh trưởng phát triển đủ tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật phục tráng.
Thực hiện dự án, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học phối hợp với UBND huyện Kim Thành kiện toàn Hiệp hội sản xuất và thương mại nếp Quýt Kim Thành, tạo cơ sở để thực hiện xây dựng nhãn hiệu tập thể nếp Quýt Kim Thành. Đồng thời, thực hiện xây dựng mô hình sản xuất nếp Quýt thương phẩm. Ban chủ nhiệm Dự án đã tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật gieo cấy nếp Quýt cho hơn 240 người dân tham gia mô hình sản xuất và người dân có nhu cầu tìm hiểu về kỹ thuật sản xuất nếp Quýt tại 3 xã Cổ Dũng, Tuấn Hưng và Phúc Thành thuộc huyện Kim Thành. Kết quả, các hộ dân tham gia lớp tập huấn đều nắm bắt được quy trình kỹ thuật sản xuất lúa nếp Quýt.
Mô hình thực hiện với tổng diện tích: 60 ha, áp dụng theo quy trình kỹ thuật được hoàn thiện từ dự án “Ứng dụng tiến bộ phát triển sản xuât lúa hàng hoá góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương, thực hiện năm 2012”,kết hợp xử lý ruộng sau thu hoạch vụ xuân bằng chế phẩm Fito – Biomix RR. Thời vụ gieo mạ ngày 12-15/6; cấy từ 12 -15/7. Kết quả theo dõi mô hình cho thấy: Lúa nếp Quýt có tỷ lệ nảy mầm cao đạt 95%, lúa nhanh bén rễ hồi xanh, không có hiện tượng vàng lá. Cây lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung, tỷ lệ nhánh hữu hiệu cao trên 80%. Chiều cao cây từ 115 -120 cm, thời gian sinh trưởng khoảng 148 -150 ngày. Qua theo dõi cho thấy giống lúa nếp Quýt chọn lọc và giống lúa nếp Quýt dân tự để giống có khả năng đẻ nhánh khỏe và có thời gian sinh trưởng tương đương nhau. Về khả năng chống chịu sâu bệnh và chống đổ, hai giống lúa có khả năng chống chịu tương đương nhau, tuy nhiên có những điểm vụ mùa lại xuất hiện đạo ôn lá, rầy nâu (tại xã Phúc Thành) do cấy dày, bón thừa đạm, trong điều kiện được xử lý rơm, rạ tại ruộng. Khả năng chống đổ trên toàn diện tích mô hình cao hơn so với diện tích khác.
Về năng suất, giống lúa nếp Quýt ở mô hình thương phẩm có năng suất thực thu 53,5 tạ/ha, cao hơn so với năng suất lúa nếp Quýt địa phương 4,6 tạ/ha (48,9 tạ/ha). Có sự chênh lệch về năng suất là nhờ các yếu tố cấu thành năng suất của giống lúa nếp Quýt chọn lọc có sự vượt trội như: số bông/khóm đạt 6,35 bông, số hạt chắc/bông đạt 150,5 hạt/bông, đều cao hơn so với giống lúa nếp Quýt địa phương.
Kết quả bước đầu đánh giá tình hình sản xuất nếp Quýt trên địa bàn huyện Kim Thành đã mô tả được một số tính trạng đặc trưng của lúa nếp Quýt. Xây dựng mô hình sản xuất Go, lựa chọn vật liệu khởi đầu phục vụ nội dung phục tráng năm thứ 2 sản xuất G1. Bên cạnh đó, nhãn hiệu tập thể nếp Quýt Kim Thành đã có chủ thể được xây dựng và kiện toàn, bước đầu đi vào hoạt động, trong đó xây dựng được mô hình sản xuất tập trung giống nếp quýt địa phương được chọn lọc.
Anh Nguyên