Những vấn đề chung (số 5-2015) 2016-05-11 14:27:51

Ngày 19/3/2012, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 573/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Chương trình “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển sản xuất nông sản hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012 - 2015”.  Chương trình gồm 10 dự án và 10 đề tài được triển khai thực hiện ở 70 xã, phường trên địa bàn tỉnh trong thời gian 4 năm (năm 2012 - 2015) do Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương chủ trì với sự tham gia thực hiện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học, Trung tâm thông tin KHCN và Tin học, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, cùng UBND 10 huyện và thị xã Chí Linh. Chương trình đã đạt được những kết quả nổi bật sau:

Về tập huấn khoa học và công nghệ:các dự án, đề tài thuộc Chương trình đã tổ chức tập huấn 171 lớp cho cán bộ, nhân dân các địa phương tham gia với 15.263 người (vượt mục tiêu đặt ra 3.000 người). Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật giúp cán bộ, nhân dân các địa phương tham gia Chương trình nhận thức đúng hơn về xây dựng nông thôn mới, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu quy hoạch sang sản xuất hàng hóa tập trung với mô hình mẫu lớn; cán bộ, nhân dân được tiếp cận với một số giống mới có năng suất, chất lượng, quy trình thâm canh mới đảm bảo sản xuất bền vững.
Về xây dựng mô hình tăng cường cung cấp thông tin khoa học, công nghệ(KHCN); mô hình tăng cường cung cấp thông tin KHCN phục vụ phát triển sản xuất nông sản hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới được xây dựng ở 21 xã thuộc 7 huyện, trong đó có 12 xã đã thành lập Tổ truyền thông KHCN làm nhiệm vụ triển khai việc thu thập thông tin và tuyên truyền phổ biến thông tin qua hệ thống loa truyền thanh của xã và qua các buổi tập huấn, chuyển giao KHCN ở xã, qua trao đổi trực tiếp...Đã cung cấp 13.730 tài liệu khoa học kỹ thuật các loại tới 21 xã, phường thực hiện mô hình, trong đó 11.800 tài liệu dạng văn bản là các quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, 1.930 băng, đĩa CD là các phim về kỹ thuật sản xuất cây trồng, vật nuôi, bảo vệ môi trường và các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Đài truyền thanh các xã đã biên tập và phát trên hệ thống truyền thanh 6.138 tài liệu khoa học kỹ thuật các loại góp phẩn nâng cao hiệu quả sản xuất.
Xây dựng thành công các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung:
Mô hình sản xuất lúa hàng hóa tập trung:các đề tài, dự án thuộc Chương trình đã xây dựng80 mô hình với tổng diện tích là 1.042,3 hatriển khai tại 21 xã thuộc7 huyện, trong đó 16 vùng diện tích từ 5 đến dưới 10 ha, 41 vùng từ 10 đến dưới 20 ha và 23 vùng từ 20 đến dưới 50 ha.
Các mô hình sản xuất lúa hàng hóa tập trung tuy cho năng suất khác nhau, nhưng nhìn chung các mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và đang được nhân rộng như: mô hình lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá năng suất 5,5 - 5,7 tấn/ha/vụ, có hiệu quả kinh tế cao hơn lúa Bắc thơm số 7 từ 1,5 đến 2 triệu đồng/ha và cao hơn các giống lúa thuần khác 4triệu đồng/ha, đang có ưu thế về kỹ thuật và thị trường đầu ra; mô hìnhlúa Nàng Xuân năng suất từ 54-56 tạ/ha/vụ hiệu quả kinh tế gần bằng giống Bắc thơm số 7 kháng bạc lá và cao hơn các giống khác khoảng 3 triệu đồng/ha/vụ; mô hình lúa RVT năng suất vụ xuân đạt 60 - 65 tạ/ha, vụ mùa đạt 50 - 55 tạ/ha, hiệu quả kinh tế tương đương với giống lúa Nàng Xuân; mô hình lúa Nếp Quýt là giống lúa đặc sản được nông dân huyện Kim Thành và huyện Kinh Môn sản xuất tập trung vào vụ mùa, năng suất đạt 43 tạ/ha, hiệu quả kinh tế khá, do vậy một số xã thuộc huyện Kim Thành phát triển thành sản xuất vùng tập trung.
Thông qua kết quả thực hiện các mô hình đã khuyến nghị với các địa phương xem xét lựa chọn đưa vào sản xuất đại trà một số giống lúa như: lúa lai Hương ưu 3068 năng suất trung bình 80 tạ/ha; lúa lai PHB71, năng suất đạt 79 - 81 tạ/ha/vụ; lúa lai Bio 404 năng suất trung bình khoảng 80 tạ/ha/vụ; lúa lai Nghi Hương 2308 năng suất 78-81tạ/ha/vụ; lúa thuần TBR45 năng suất vụ chiêm xuân đạt 61-63 tạ/ha, vụ mùa đạt 58-60 tạ/ha; lúa kháng rầy P376 và PC10-2 năng suất đạt trung bình 60 tạ/ha vào vụ xuân và 55 tạ/ha vào vụ mùa; lúa thuần T10 năng suất đạt là 55-57 tạ/ha. Tuy nhiênmột số giống lúa lai thị trường tiêu thụ thóc, gạo hạn chế nên mở rộng khó.
 Thông quamô hình ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật kết hợp với cơ giới hóa các khâu làm đất, sản xuất mạ khay, cấy bằng máy đến thu hoạch trên cánh đồng có diện tích lớntại huyện Thanh Miện, được thực hiện năm 2014 và năm 2015, khuyến nghị với tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình ra các địa phương.
Mô hình sản xuất rau mầu hàng hóa:
Tổ chức thực hiện mô hình sản xuất rau mầu hàng hóa tập trung ở 40 xã thuộc 9 huyện và thị xã Chí Linh, trên diện tích 555,3 ha gồm các loại cây: Bí xanh số 2, dưa hấu Super Hoàn Châu, dưa hấu Thúy Đào 169, dưa chuột Nếp 1, dưa bở vàng thơm, khoay tây, ngô. Kết quả nổi bật:
- Giống bí xanh số 2 được lựa chọn là giống mới, có năng suất cao, chất lượng tốt, lãi đạt 128 - 146 triệu đồng/ha cao gấp hơn 3 lần các giống bí xanh địa phương. Hiện nay bí xanh số 2 đang được mở rộng ở các huyện với diện tích trên 500 ha/năm.
- Dưa hấu Super Hoàn Châu và dưa hấu Thúy đào 169 được lựa chọn vào sản xuất tập trung với qui mô từ 5 ha/vùng/vụ trở lên cho năng suất trung bình đạt 33 - 36 tấn/ha. Đem lại lãi thuần từ 67 - 94 triệu đồng/ha, cao gấp 1,2 lần so với mô hình sản xuất dưa hấu của dân.
- Mô hình sản xuất dưa bở vàng thơm số 1 với diện tích 35 ha, năng suất đạt 28,2 - 28,9 tấn/ha, cho lãi thuần khoảng 121,38 - 124,88 triệu đồng/ha, cao gấp 1,65 đến 1,87 lần so với mô hình của dân, hiện mở rộng diện tíchtrồng lên gần 300 haở một số huyện.
- Dưa chuột Nếp 1 được sản xuất trên diện tích 56 ha tại 8 xã, năng suất đạt 33 - 38 tấn/ha, cho lãi thuần 100 - 120 triệu đồng/ha cao gấp 1,58 - 1,68 lần so với mô hình trồng giống dưa chuột của địa phương.
- Mô hình sản xuất giống khoai tây Sinora vụ Xuân cung cấp giống sạch bệnh cho sản xuất vụ Đông năm 2012 với diện tích 20 ha, cho năng suất trung bình đạt 19,3 tấn/ha, lãi thuần đạt 59,8 triệu đồng/ha, từ năm 2013 - 2015 đã nhân rộng mô hình với 304 ha góp phần tăng diện tích trồng khoai tây sạch bệnh trên địa bàn tỉnh. Mô hình sản xuất khoai tây Sinora thương phẩm vụ Đông với diện tích 55 ha, năng suất trung bình 19 - 19,5 tấn/ha, lãi thuần trên 100 triệu đồng/ha.
- Lựa chọn các giống ngô nếp lai: MX 10, Wax 48, HN 88 và ADI 600 trên diện tích 155 ha, trồng tập trung qui mô từ 5 ha/vùng/vụ, với kỹ thuật trồng ngô không làm đất kết hợp đặt bầu chỉnh tán lá giúp tiết kiệm công làm đất, tiết kiệm được nước tưới, công phun thuốc cỏ, tận dụng được rơm rạ làm phân bón, tăng năng suất ngô. Năng suất ngô đạt trung bình 12,5 - 12,8 tấn/ha. Hiện nay trồng ngô theo phương pháp không làm đất hoặc làm đất tối thiểu đang được mở rộng áp dụng ở nhiều địa phương trong tỉnh cho hiệu quả kinh tế cao hơn phương pháp trồng truyền thống.
Với mô hình cây ăn quả:
Giống Thanh long ruột đỏ được triển khai trồng 8 ha ở 6 xã, phường thuộc thị xã Chí Linh. Từ năm 2014 (năm thứ 3 sau trồng) năng suất trung bình đạt 11 tấn/ha, với giá thanh long ruột đỏ trung bình 30.000 đồng/kg, doanh thu 330 triệu đồng/ha, lợi nhuận 60,4 triệu đồng/ha; năm thứ 4 năng suất đạt 16 tấn/ha, doanh thu đạt 480 triệu đồng/ha, lãi 88 triệu đồng/ha. Mô hình trồng thanh long ruột đỏ được nhân dân Chi Linh đón nhận và đến năm 2015 một số xã, phường đã chọn lọc sử dụng giống của các hộ trồng năm trước và nhân rộng được diện tích trên 40 ha.
Giống Chuối tiêu hồng được triển khai trồng 1,85 ha xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà năm 2012, năng suất đạt 60 - 70 tấn/ha, thu lợi nhuận đạt từ 153,4 - 198,3 triệu đồng/ha. Hiện nay xã Thanh Hải đã mở rộng diện tích trồng chuối tiêu hồng 20 ha. Ngoài ra một số địa phương vùng bãi ven sông thuộc các huyện Thành Hà, Tứ Kỳ, Nam Sách,... đang nhân rộng diện tích chuối tiêu hồng.
Giống Cam Vinh trồng năm 2015, diện tích 2 ha tại xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, hiện đang tiếp tục theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển và khả năng ra hoa, đậu quả vào những năm tiếp theo.
Thực hiện mô hình chăn nuôi gia cầm hàng hóa tập trung:
Mô hình gồm 2 dự án và 1 đề tài với tổng số gia cầm được nuôi là 190.300 con, trong đó gà Mía lai 61.000 con, gà Ri lai 59.500 con, gà Chọi lai 15.000 con, gà XTP1 1.000 con nuôi 01 vụ, Vịt Super M3 53.000 và chim câu Pháp sinh sản 400 đôi (800 con). Các giống gà và vịt được nuôi theo phương thức bán chăn thả, qui mô năm 2012 thường nuôi 500 con/hộ/vụ, sau đó đã tăng qui mô lên 1.000 con/hộ/vụ, trong đó một số hộ thuộc thị xã Chí Linh và huyện Kinh môn có vườn đồi đã nuôi qui mô 2.000 con/hộ/vụ. Các giống gia cầm được nuôi tập trung cho hiệu quả kinh tế khá, trong đó giống gà Chọi lai hiệu quả kinh tế cao nhất, lãi từ 6 triệu đồng đến 9 triệu đồng/100 con; các giống gà khác lãi từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đông/100 con; Vịt Super M3 lãi bình quân 4,5 triệu đồng/100 con.
Sau 4 năm thực hiện nuôi gia cầm tập trung do giống được cung cấp sạch bệnh và an toàn, kết hợp áp dụng quy trình sản xuất chặt chẽ do đó lợi nhuận của các hộ tham gia các mô hình của Chương trình cao hơn các hộ nuôi gia cầm ở cùng địa phương từ 15 đến 30%. Các giống gà Mía lai, Ri lai, Chọi lai đưa vào sản xuất thử đang được thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn đưa vào cơ cấu giống gà chính trong phát triển nuôi gà đồi hiện nay.
Mô hình nuôi thủy sản hàng hóa tập trung:
Mô hình gồm 2 dự án được thực hiện với diện tích là 88 ha bằng hai hình thức: nuôi ghép cá rô phi đơn tính đực lai xa(gọi tắt là cá rô phi lai xa) với một số cá truyền thống và hình thức nuôi đơn cá rô phi lai xa, tổng số cá giống rô phi lai xa là 1.554.700 con.
Hầu hết các hộ tham gia mô hình nuôi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, sau 6 tháng khi thu hoạch cá có sự đồng đều cao, trọng lượng bình quân trên 700 gam/con, cá biệt có một số hộ nuôi đạt trên 1.000gram/con.Năng suất bình quân của mô hình cá rô phi lai xa của các hộ đạt gần 12 tấn/ha/vụ, tính cả các loại cá thả ghép đạt từ 13,5 -14 tấn/ha/vụ cao hơnso vớichung của tỉnh (chung năng suất6,01tấn/ha).Đối với mô hình nuôi đơn thu đạt từ 431,3 triệu đồng/ha (năm 2012) đến 557,8 triệu đồng/ha (năm 2015) và lợi nhuận trên 1 ha ao đạt từ 31,3 triệu đồng (năm 2012) đến 82 triệu đồng (năm 2015). Đối với mô hình nuôi ghép thu đạt từ 495,4 triệu đồng/ha (năm 2012) đến 608,9 triệu đồng/ha (năm 2015) và lợi nhuận trên 1 ha ao đạt từ 46,4 triệu đồng (năm 2012) đến 92,8 triệu đồng (năm 2015). Như vậy mô hìnhnuôi ghép cá rô phi lai xavới các loại cá truyền thống cho hiệu quả kinh tế cao hơn mô hình nuôi đơn.
Sau 4 năm thực hiện chương trình đã khẳng định việc lựa chọn các tiến bộ kỹ thuật để xây dựng các mô hình nhân rộng giúp tăng hiệu quả sản xuất tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung về lúa, cây rau mầu, cây ăn quả, nuôi gia cầm, thủy sản và thực hiện tốt mục tiêu của Chương trình là: Góp phần tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh tăng bình quan 2,7% (mục tiêu 2,6%); sản xuất phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả được nâng lên, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt, nuôi thủy sản chung toàn tỉnh tăng từ 95,8 triệu đồng năm 2010 lên 130,5 triệu đồng năm 2015; đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học và công nghệ với 171 lớp cho 15.263 người tham gia ở nông thôn (mục tiêu 3.000 lượt đối tượng), vượt mục tiêu.
Hiện nay, Ban chủ nhiệm Chương trình đang tổng kết đánh giá những kết quả và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện giai đoạn 2012 - 2015 và xây dựng nội dung, giải pháp thực hiện tiếp Chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung góp phần xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
Nguyễn Văn Vóc
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.