Nghị định số 34/2024/NĐ-CP quy định về danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa

Ngày 31/3/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2024/NĐ-CP quy định về danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa. TBT Hải Dương giới thiệu phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và quy định về thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm của Nghị định như sau:


1. Phạm vi điều chỉnh

- Nghị định này quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.

- Đối với hoạt động vận chuyển các chất phóng xạ, ngoài việc thực hiện Nghị định này còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử.

- Đối với hoạt động vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tiền chất thuốc nổ, pháo thực hiện theo quy định của pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tiền chất thuốc nổ và pháo.

- Đối với hoạt động vận chuyển các loại hàng hóa nguy hiểm phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng của lực lượng vũ trang thực hiện theo quy định của Nghị định này và do Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện.

- Đối với các hàng hóa nguy hiểm là chất thải nguy hại, ngoài quy định của nghị định này còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Đối với trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị định này với quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tiền chất thuốc nổ, pháo, bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy thì thực hiện theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tiền chất thuốc nổ và pháo, bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy.

2. Đối tượng áp dụng

- Nghị định này áp dụng với tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và trên đường thủy nội địa trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng những quy chế, biện pháp đặc biệt đối với việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trong các trường hợp sau đây:

+ Hàng hóa phục vụ cho yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, địch họa;

+ Hàng hóa quá cảnh của các nước, tổ chức quốc tế không ký kết điều ước quốc tế liên quan tới Việt Nam.

3. Thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm được quy định cụ thể như sau:

 - Người vận tải hàng hóa nguy hiểm nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 18 Nghị định 34/2024/NĐ-CP đến cơ quan cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.

+ Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay khi tổ chức, cá nhân đến nộp hồ sơ; trường hợp thành phần hồ sơ chưa đầy đủ hoặc có sai lệch thì hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

+ Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến: Trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính xem xét tính đầy đủ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì thông báo bằng văn bản hoặc thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, cá nhân biết để bổ sung, đồng thời hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

+ Riêng đối với thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 7 thực hiện theo quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, cơ quan cấp Giấy phép thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Trường hợp không cấp Giấy phép thì cơ quan cấp Giấy phép phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2024 và thay thế Nghị định số 42/2020/NĐ-CP, ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa..

Thông tin chi tiết của Nghị định có tại https://vanban.chinhphu.vn/    

                                                                                                                                                   TBT Hải Dương 

Quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông

Ngày 29 tháng 03 năm 2024,  Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 02/2024/TT-BTTTT  Quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông như sau:

1. Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy:

- Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện có băng tần nằm trong khoảng 9 kHz đến 400 GHz: Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện dùng trong các nghiệp vụ thông tin vô tuyến cố định hoặc di động mặt đất; Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện chuyên dùng cho truyền hình quảng bá, phát thanh quảng bá; Thiết bị Ra đa

- Thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn: Thiết bị điện thoại không dây loại kéo dài thuê bao vô tuyến DECT; Thiết bị phát, thu-phát vô tuyến cự ly ngắn dùng cho mục đích chung; Thiết bị truyền dữ liệu băng rộng hoạt động trong băng tần 2,4 GHz có công suất bức xạ đẳng hướng tương đương (EIRP) từ 60 mW đến 200 mW; Thiết bị truy nhập vô tuyến băng tần 5 GHz có công suất bức xạ đẳng hướng tương đương (EIRP) từ 60 mW trở lên; Thiết bị Ra đa ứng dụng trong giao thông đường bộ hoặc đường sắt; Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện; Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện; Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện (RFID); Thiết bị thu phí giao thông không dừng áp dụng công nghệ nhận dạng vô tuyến điện (RFID); Thiết bị âm thanh không dây; Thiết bị truyền dữ liệu băng siêu rộng (UWB)

2. Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải công bố hợp quy:

- Thiết bị công nghệ thông tin: Máy tính cá nhân để bàn; Máy tính xách tay; Máy tính bảng.

- Thiết bị phát thanh, truyền hình: Thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình trong mạng truyền hình vệ tinh; Thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình số vệ tinh DVB-S/S2; Thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình trong mạng truyền hình cáp sử dụng kỹ thuật số; Thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình trong mạng truyền hình IPTV; Thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình số mặt đất DVB-T2; Máy thu hình có tích hợp chức năng thu tín hiệu truyền hình số mặt đất DVB-T2 ; Thiết bị khuếch đại trong hệ thống phân phối truyền hình cáp

- Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện có băng tần nằm trong khoảng 9 kHz đến 400 GHz và có công suất phát từ 60 mW trở lên: Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện dùng trong các nghiệp vụ thông tin vô tuyến cố định hoặc di động mặt đất; Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện chuyên dùng cho thông tin vệ tinh; Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện chuyên dùng cho nghiệp vụ di động hàng hải; Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện chuyên dùng cho nghiệp vụ di động hàng không;  Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện chuyên dùng cho định vị và đo đạc từ xa; Thiết bị vô tuyến dẫn đường; Thiết bị vô tuyến nghiệp dư; Thiết bị khác.

- Thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn: Thiết bị phát, thu-phát vô tuyến cự ly ngắn dùng cho mục đích chung; Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện; Thiết bị Ra đa ứng dụng trong giao thông đường bộ hoặc đường sắt; Thiết bị sạc không dây; Thiết bị đo từ xa vô tuyến điện; Hệ thống liên lạc dành cho thiết bị y tế cấy ghép  và Hệ thống đo lường dành cho thiết bị y tế cấy ghép; Thiết bị truy nhập vô tuyến tốc độ cao băng tần 60 GHz; Thiết bị truyền hình ảnh số không dây; Thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn khác

- Pin Lithium cho thiết bị cầm tay: Pin Lithium cho máy tính xách tay, điện thoại di động, máy tính bảng

Thông tư  có hiệu lực từ ngày 15/5/2024.

Nội dung chi tiết Thông tư có tại:https://chinhphu.vn

                                                                             Tin TBT Hải Dương

Quy định mới về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Thông tư 24/2023/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

    Ngày 29 tháng 12 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 24/2023/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ (gọi tắt là Thông tư số 24/2023/TT-BKHCN).

       Thông tư 24/2023/TT-BKHCN bao gồm 05 Chương với 15 Điều quy định về hình thức, nội dung, trình tự xử lý và tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.

1. Đối tượng kiểm tra

- Sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tại điểm p khoản 2 Điều 32 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 14 Điều 1 Nghị định 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

- Lò phản ứng hạt nhân, vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, chất phóng xạ, thiết bị bức xạ không thuộc đối tượng kiểm tra theo quy định tại Thông tư này.

- Phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị đo lường áp dụng theo quy định pháp luật về đo lường.

2. Nội dung kiểm tra

21. Kiểm tra việc áp dụng yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất và các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng trong sản xuất, bao gồm:

a) Kiểm tra hồ sơ chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy (đối với các sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận và công bố hợp quy); hồ sơ công bố hợp chuẩn (đối với các sản phẩm, hàng hóa công bố hợp chuẩn); hồ sơ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn (đối với sản phẩm, hàng hóa áp dụng hệ thống quản lý chất lượng).

b) Trường hợp trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng có quy định liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất thì kiểm tra việc thực hiện các quy định này trong 4 quá trình sản xuất.

c) Kiểm tra việc thực hiện các biện pháp khác của quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất do cơ quan có thẩm quyền quy định.

2.2. Kiểm tra kết quả đánh giá sự phù hợp, nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa cần kiểm tra, bao gồm:

a) Kiểm tra việc thực hiện và kết quả đánh giá sự phù hợp của quá trình sản xuất.

b) Kiểm tra nhãn hàng hóa, thông tin sản phẩm, hàng hóa:

- Kiểm tra các nội dung thể hiện trên nhãn sản phẩm, hàng hóa; các nội dung thể hiện mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc theo quy định của pháp luật và đối chiếu với tài liệu kèm theo.

- Kiểm tra việc thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, việc thể hiện dấu hợp quy (đối với sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận và công bố hợp quy), dấu hợp chuẩn (đối với sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn).

- Kiểm tra tính chính xác của việc thể hiện nội dung, thông tin quảng cáo trên nhãn (nếu có) của sản phẩm, hàng hóa,

2.3. Kiểm tra hoạt động kiểm soát quá trình sản xuất của cơ sở được kiểm tra liên quan đến việc tạo thành sản phẩm, hàng hóa và duy trì sự đảm bảo chất lượng bao gồm:

a) Kiểm tra hồ sơ kỹ thuật của sản phẩm, hàng hóa (tài liệu thiết kế; tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng của sản phẩm, hàng hóa).

b) Kiểm tra toàn bộ quá trình sản xuất (từ đầu vào, qua các giai đoạn trung gian cho đến khi hình thành sản phẩm, hàng hóa bao gồm cả quá trình bao gói, xếp dỡ, lưu kho và vận chuyển sản phẩm).

c) Kiểm tra việc sử dụng các phương tiện đo liên quan đến quá trình sản xuất theo quy định của pháp luật về đo lường,

d) Kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu (theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, việc sử dụng nguyên liệu bị cấm, nguyên vật liệu quá hạn sử dụng).

đ) Các nội dung kỹ thuật cần thiết khác.

e) Trong trường hợp cần thiết, cơ quan kiểm tra có thể sử dụng chuyên gia thực hiện việc đánh giá theo các yêu cầu của tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Chuyên gia đánh giá phải độc lập, khách quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá của mình.

2.4 Thử nghiệm mẫu để kiểm tra sự phù hợp của chất lượng sản phẩm, hàng hóa với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

       Thông tư số 24/2023/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2024 và thay thế cho Thông tư số 16/2012/TT-BKHCN ngày 27 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ. Các vụ việc đang xử lý trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục áp dụng theo quy định tại Thông tư số 16/2012/TT-BKHCN.

Chi tiết Thông tư số 24/2023/TT-BKHCN tại trang web: https://chinhphu.vn/

                                                                                                                                                  TBT Hải Dương

Quy định mới về kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.