Nhóm nghiên cứu của Th S. Đỗ Thị Phượng Linh, Viện sôt rét-ký sinh trùng-côn trùng TP.HCM vừa hoàn thành một đề tài nghiên cứu đáng chú ý là “Chế tạo dung dịch keo vàng nano carboxymethyl chitosan bằng kỹ thuật bức xạ, ứng dụng làm chất chống oxy hóa, hỗ trợ trong điều trị ung thư”. Kết quả bước đầu của hướng nghiên cứu này là cơ sở cho việc tiếp tục nghiên cứu phát triển ứng dụng chế phẩm trong việc phát hiện sớm tế bào ung thư, qua đó tạo ra bước đột phá trong việc chẩn đoán và điều trị ung thư, một căn bệnh đang ngày càng bùng phát hiện nay...
Đề tài nghiên cứu này được tiến hành tại Viện sôt rét-ký sinh trùng-côn trùng, và Trung tâm hạt nhân TP.HCM. Theo đó đề tài đã nghiên cứu chế tạo chế phẩm vàng nano bằng phương pháp chiếu xạ sử dụng carboxylmethyl chitosan làm chất ổn định, và xác định hoạt tính chống oxy hóa cũng như sự phân bố của hạt vàng nano in vivo trong quy mô phòng thí nghiệm (trên chuột nhắt trắng).
Bước đầu đề tài đã đạt được những kết quả như sau: Chế tạo được dung dịch keo vàng nano; Chế phẩm keo vàng nano ổn định sau 6 tháng lưu trữ ở điều kiện nhiệt độ 4 độ C (có xu hướng tăng nhẹ kích thước hạt khi bảo quản ở nhiệt độ bình thường trong phòng).
Chế phẩm keo vàng nano khi thử nghiệm cho thấy không gây ảnh hưởng đến các chỉ số huyết học, sinh hóa ở chuột nhắt trắng (sau khi tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch đuôi). Chế phẩm keo vàng nano này có hoạt tính chống oxy hóa cao, nồng độ vàng nano càng cao thì hiệu quả chống oxy sẽ càng cao và đạt hiệu quả cao nhất ở nồng độ 0, 375 mM với hơn 90% sau 10 phút. Hoạt tính chống oxy hóa của keo vàng nano có xu hướng tăng dần theo thời gian.
Nhóm nghiên cứu cho biết, chế phẩm keo vàng nano này hứa hẹn có nhiều triển vọng ứng dụng trong mỹ phẩm và nhất là trong việc chẩn đoán, điều trị ung thư.
Theo ThS. Đỗ Thị Phượng Linh công nghệ nano đang có những bước phát triển mạnh trong những năm gần đây. Trong công nghệ sinh học, các vật liệu nano đang là một hướng mà các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu ứng dụng, vì vật liệu nano có khả năng ứng dụng rất cao do kích thước của nano so sánh được với kích thước của tế bào; virus; protein... Với kích thước nhỏ bé và có thể “ngụy trang” giống như các thực thể sinh học khác, và có thể thâm nhập vào các tế bào hay virus, nên các phần từ nano được xem như là một vũ khí mới của các nhà khoa học trong mục tiêu điều trị bệnh.
Trong y học vàng là một vật liệu quan trọng có lịch sử sử dụng ngàn nghìn năm. Huyền phù vàng đã được sử dụng như một dược liệu từ thời trung cổ cho các bệnh có liên quan đến tim mạch, động kinh, kiết lỵ; hoa liễu... Ngày nay vàng ít được nhắc đến như một dược liệu vì sự tiến bộ của khoa học đã tổng hợp được nhiều loại thuốc thay thế vai trò của vàng.
Tuy nhiên gần đây khi công nghệ sinh học và công nghệ nano phát triển thì vàng được quan tâm trở lại; và vàng nano được bắt đầu chú ý nghiên cứu. Vàng nano hay keo vàng nano được chọn vì các nhà nghiên cứu cho rằng các hạt vàng cỡ nano có khả năng hấp thụ ánh sáng mạnh, và dễ nhận biết qua kính hiển vi. Bề mặt hạt vàng nano được kết hợp với kháng thể có chức năng bám vào tế bào ung thư, nhờ đó hạt vàng nano có ái lực với tế bào ung thư gấp 6 lần tế bào bình thường.
Một nghiên cứu khác còn ghi nhận vàng có thể đẩy mạnh hệ miễn dịch qua đó giúp cho làn da thêm tươi sáng, tóc bóng mượt, ngăn chặn được quá trình lão hóa. Vàng có thể thẩm thấu đến 99% vào lớp tế bào đáy giúp kích thích sinh sản những tế bào khỏe mạnh, làm chậm quá trình lão hóa của collagen và elastin. Do đó vàng nano có thể ngăn cản được tình trạng da chảy xệ, làm sáng da qua việc làm chậm sự sản sinh melalin, giúp phục hồi nét thanh xuân, giúp da tươi trẻm, rạng rỡ... Vì vậy vàng nano cũng rất hứa hẹn ứng dụng lĩnh vực mỹ phẩm.
Hạt vàng nano còn có khả năng phân biệt tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh bằng sự khác nhau của bước sóng hấp thụ. Nhờ vậy có thể chẩn đoán và điều trị ung thư ngay từ những giai đoạn đầu, qua đó thiết thực giúp giảm đi những di căn nguy hiểm, tăng khả năng thành công quá trình điều trị ung thư.
Nguồn: vusta.vn