Hai bạn học sinh Nguyễn Thành Trung và Trương Tuấn Tài (lớp 10 trường THPT Nguyễn Công Trứ, Quận Gò Vấp, TP.HCM) đã sáng chế một thiết bị dò đường hữu ích, hỗ trợ người khiếm thị trong quá trình đi lại.
Những lần đi học, Thành Trung và Tuấn Tài thường bắt gặp hình ảnh những người khiếm thị gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm trong quá trình tham gia giao thông trên đường. Một số bạn học ở các trường chuyên biệt rất khổ sở khi không biết làm sao sang được bên kia đường do xe cộ di chuyển quá đông đúc. Những người khiếm thị phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác mới có thể sang đường một cách an toàn.
“Với thực trạng đường sá đông đúc như ở Sài Gòn, người bình thường muốn qua đường cũng đã thấy vất vả huống hồ là người khiếm thị. Những người tham gia lưu thông trên đường vô tình không nhìn thấy người khiếm thị và dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Vì thế, nhóm em đã quyết tâm thực hiện một sản phẩm hỗ trợ cho người khiếm thị”- Thành Trung cho biết.
Sau 4 tháng mày mò nghiên cứu và thiết kế, chiếc gậy dò đường dành cho người khiếm th của Thành Trung và Tuấn Tài đã ra đời.
Sản phẩm gậy dò đường thông minh có 3 tác dụng chính khi người khiếm thị sử dụng: Dọc thân gậy gắn đèn led, phát sáng vào buổi tối giúp gây chú ý với những người tham gia giao thông, tránh những tai nạn không đáng có. Sản phẩm có khả năng phát hiện vật cản ở phía trước, rung và còi theo khoảng cách từ vật đến gậy giúp người khiếm thị dễ dàng nhận biết và tránh né vật cản. Ngoài ra, gậy sẽ rung lên khi chân gậy chạm vào những vũng nước mưa lớn trên đường, giúp người khiếm thị tránh né kịp thời.
Thân gậy được cấu tạo gồm một ống nhựa PVC có khả năng cách điện. Gậy có khả năng phát hiện vật cản phía trước và rung, còi báo hiệu cho người sử dụng biết nhờ vào cảm biến hồng ngoại và Transitor 515.
Ngoài ra, chiếc gậy này còn có khả năng phát hiện vũng nước nhờ vào hệ thống hai đầu cực âm và cực dương xen xẽ với nhau. Khi đầu gậy chạm vào nước, nhờ tính dẫn điện của nước, dòng điện đi qua sẽ kín mạch làm cho còi và bộ rung rung lên.
Các hệ thống hoạt động nhờ một bộ nguồn sử dụng pin 9 volt. Khu vực cán gậy được lắp đặt các nút nguồn để người sử dụng dễ dàng thao tác.
Trương Tuấn Tài, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, năm học trước là năm cả hai thành viên trong nhóm đều gặp phải khó khăn về mặt thời gian. Cả Tài và Trung đều phải ôn luyện kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào cấp 3 vừa phải thiết kế và hiệu chỉnh sản phẩm.
“Thời gian thì eo hẹp và áp lực từ kỳ thi chuyển cấp rất lớn nhưng chúng em vẫn quyết tâm hoàn thiện sản phẩm. Nhiều hôm cả hai đứa phải thức đến khuya để hoàn thiện những công đoạn cuối cùng cho sản phẩm. Dù mệt nhưng cả em và Trung đều thấy vui khi sản phẩm tâm huyết cuối cùng cũng hoàn thành đúng kế hoạch” - Tuấn Tài cho biết.
Nói về những cải tiến trong tương lai, hai bạn học sinh dự định sẽ nghiên cứu tìm loại vật liệu khác thay thế cho ống nhựa PVC để sản phẩm bền và nhẹ hơn so với vật liệu cũ.
Sản phẩm gậy dò đường thông mình của nhóm đã giành giải Khuyến khích tại cuộc thi sáng tạo Thanh, thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm 2015.
Nguồn: vusta.vn