Mới đây, gần 100 cơ quan, tổ chức của Việt Nam tham gia cuộc diễn tập quốc tế về an ninh mạng với sự tham gia của 14 quốc gia.
Đây là chương trình diễn tập quốc tế về an toàn thông tin quy mô lớn với sự tham gia của 14 quốc gia bao gồm 10 nước Đông Nam Á là Brunei, Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Việt Nam và 4 quốc gia lớn có quan hệ đối tác sâu sắc với khu vực là Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ.
Phía Việt Nam tham gia tập trận gồm có khối công nghệ thông tin (CNTT) của Văn phòng Trung ương (Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội), khối các Sở Thông tin Truyền thông (40 đơn vị); khối cơ quan Bộ và ngang bộ (24 đơn vị) và khối các tập đoàn, tổng công ty về cung cấp dịch vụ viễn thông - CNTT và doanh nghiệp làm về an toàn thông tin gồm: Tổng công ty viễn thông Mobifone, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần Netnam, Công ty Cổ phần Hạ tầng viễn thông CMC, Công ty cổ phần viễn thông FPT, Trung tâm Phần mềm và giải pháp an ninh mạng (BKIS), Công ty Cổ phần an ninh an toàn thông tin CMC (CMCInfosec) và Hiệp Hội An toàn thông tin Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam.
Tổng số có khoảng 250 cán bộ kỹ thuật của các đội ứng cứu sự cố của Việt Nam trực tiếp tham gia đợt diễn tập này cùng với các đồng nghiệp các nước. Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) với chức năng điều phối Quốc gia và phối hợp với Quốc tế điều phối chương trình diễn tập.
Với chủ đề Điều tra, phân tích và ứng cứu sự cố mã độc gián điệp, trong thời gian từ 8 giờ 30 phút đến 15 giờ 30 phút ngày hôm nay 28/10, các đội tham gia diễn tập của Việt Nam cùng với các chuyên gia an ninh mạng từ 13 quốc gia khác cùng tập trung xử lý các tình huống bị mã độc tấn công. Có 8 câu hỏi, bài tập tình huống được lần lượt đưa ra để các đội đưa ra phương án giải quyết, khắc phục trong khoảng thời gian giới hạn.
Trong khu vực ASEAN, việc tập trận về an toàn thông tin được tổ chức thường xuyên trong 9 năm qua và đây là cuộc tập trận quốc tế lần thứ 10. Năm 2015 là năm đầu tiện Việt Nam mở rộng quy mô tham gia diễn tập quốc tế ra toàn quốc với 3 điểm cầu ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Trên thế giới, các cuộc tấn công cũng được ghi nhận với tần suất rất cao và nhiều cuộc tấn công có mức độ nguy hiểm rất lớn. Tấn công mạng đang hoành hành và phá hoại ở hầu khắp tất cả các nước, gây ra hậu quả nặng nề cho không chỉ đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam mà cả các cường quốc công nghệ thông tin thế giới như Mỹ, Anh hay Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong 9 tháng đầu năm 2015, VNCERT đã phát hiện hơn 3.296.200 địa chỉ IP tại Việt Nam bị nhiễm mã độc và bị điều khiển bởi các máy chủ ở nước ngoài, 18.085 website bị nhiễm và phát tán, lây lan mã độc, trong đó có 88 website hoặc cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, 5.368 website bị tấn công và cài mã lừa đảo phishing, 7.421 đợt tấn công thay đổi giao diện (deface), trong đó có 164 website/cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước bị tấn công.
Nguồn: khoahocvacongnghevietnam.com.vn