“Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm nghiên cứu khoa học và tôi muốn làm kinh tế trên chính con đường nghiên cứu khoa học mà mình đã lựa chọn. Đây cũng là sự nghiệp tôi theo đuổi cả đời nhằm cống hiến nhiều hơn cho khoa học tỉnh nhà. Mong muốn đem lại những mô hình ứng dụng khoa học thành công để giúp cho người nông dân quê hương Phú Yên tạo được sản phẩm hàng hóa ” - Thạc sỹ Đặng Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên, chia sẻ.
Sinh ra trong một gia đình có bề dày truyền thống cách mạng tại xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, từ những ngày còn thơ bé, chị Thủy đã nhớ như in người nông dân quá lam lũ, nhưng vẫn không đủ thu nhập để nuôi con ăn học nên trong đầu mơ ước làm gì đó cho người dân giúp đó là điều mơ ước nhưng không nghĩ cũng có ngày sẽ thực hiện được.
Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Đại học và được nhận về làm việc tại Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên. Mặc dù trong những năm đầu công tác tại đơn vị sự nghiệp tính chất công việc và các chế độ cho người lao động không ổn định, nhưng vẫn cố gắng bám trụ cho đến ngày nay.
Khác hẳn với nam giới, phụ nữ làm nghiên cứu khoa học có ít thời gian hơn khi phải cân bằng giữa công việc và gia đình, đôi lúc sẽ lâm vào cảnh thiếu thời gian nghỉ ngơi và trau dồi thêm kiến thức mới… Thế nhưng, chị Thủy vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tham gia nhiều đề tài, dự án khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học… Tuy vậy, chị vẫn tâm đắc với dự án: “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng công nghiệp”.
Theo chị Thủy, người dân Phú Yên hình thành nghề trồng nấm từ các hộ gia đình từ lâu nhưng việc sản xuất nấm như chưa phát triển, vì người dân phải phụ thuộc vào nguồn giống, kỹ thuật trồng còn hạn chế dẫn đến năng suất không cao chưa thật sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Chính vì vậy khi tiếp nhận dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng công nghiệp được Viện di truyền nông nghiệp chuyển giao, với vai trò là người quản lý dự án, chị Thủy đã trăn trở làm sao để ứng dụng thành công dự án này tại tỉnh Phú Yên để giúp cho người dân quê hương mình, chị cho biết: “Quá trình tiếp nhận quy trình, chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì so với quy trình chuẩn, quy trình được áp dụng tại Phú Yên có sự khác biệt về điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, nguồn nguyên liệu”. Mong muốn cung cấp cho người dân giống nấm chất lượng và quy trình nuôi trồng tối ưu, Trung tâm đã tiếp nhận các công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến nấm và công nghệ xử lý chất thải sau thu hoạch để xây dựng nhiều mô hình nuôi trồng, chế biến nấm theo hướng công nghiệp, mang lại hiệu quả cao.
Trong kỹ thuật trồng nấm, giống gốc là khâu quyết định trong sản xuất và nuôi trồng vì hiệu quả chỉ được đánh giá sau khi thu hoạch nấm. Do đó, sơ suất khi chọn giống gốc sẽ dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế.
Trong quá trình tiếp nhận công nghệ, Trung tâm đã hoàn thiện 14 quy trình chuyển giao và có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương. Kết quả, sau quá trình tiếp nhận công nghệ, Trung tâm đã nhân giống thành công và sản xuất đa dạng các loại nấm với số lượng lớn. Các loại nấm thành phẩm này sau khi lấy mẫu phân tích đều đạt tiêu chuẩn về vi sinh, bảo vệ thực vật, kim loại nặng và hàm lượng dinh dưỡng. Đặc biệt, các loại nấm tươi (nấm rơm, nấm sò, nấm chân dài…) có thể bảo quản được khá lâu; nấm khô (mộc nhĩ, linh chi) có tai nấm to, vị đặc trưng. Từ kết quả đạt được Trung tâm đã chuyển giao mô hình này cho 7 huyện, thành phố và các tỉnh bạn. Sản phẩm nấm cũng đã hình thành thị trường tiêu thụ với số lượng lớn và cung cấp cho hệ thống siêu thị Co.opMart.
Vừa qua dự án đã được Hội đồng Khoa học và công nghệ tỉnh tổ chức nghiệm thu cấp tỉnh đánh giá xếp loại Khá.
Dự án được Hội đồng đánh giá thực hiện đầy đủ các nội dung và đạt được các mục tiêu đề ra là tiếp nhận và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến nấm theo hướng công nghiệp tại tỉnh Phú Yên, làm cơ sở cho việc chuyển đổi ngành nghề, tăng thu nhập cho người dân. Cụ thể, Xây dựng nhà trồng nấm tập trung 2.000m2 và phân tán trong dân 25 hộ với diện tích 2.500m2; Tiếp nhận và chuyển giao 14 quy trình công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, bảo quản và chế biến nấm; đào tạo 12 kỹ thuật viên chuyên nghiệp về sản xuất giống, nuôi trồng, bảo quản và chế biến nấm, tập huấn cho 450 nông dân và các chủ trang trại kỹ thuật nuôi trồng, bảo quản và chế biến nấm.
Sự ủng hộ từ phía gia đình vẫn chưa đủ để thực hiện đam mê, chị còn có một đội ngũ cán bộ trẻ có chuyên môn giỏi luôn yêu nghề, tâm huyết với công việc, dám dấn thân làm chủ công nghệ để đạt được mục tiêu đề ra. Ban đầu, khi đảm nhận công việc chị Thủy cũng gặp khá nhiều khó khăn vì vậy, với chị, kết quả đạt được chính là thước đo năng lực của bản thân.
Dự án bước đầu đã tạo nền tảng về cơ sở vật chất và con người để phục vụ sản xuất nấm tại địa phương. Theo chị “ bước tiếp theo, chúng tôi sẽ duy trì, mở rộng sản xuất và chuyển giao cho người dân, tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm chế biến nấm để nâng cao giá trị sản phẩm và tạo thương hiệu nấm Phú Yên.
Chị xúc động nói rằng, với thành tích đạt được tôi xin được chia sẻ niềm vui này với anh chị em đồng nghiệp của Trung tâm đã giúp tôi hoàn thành tốt công việc được cấp trên giao. Đó cũng là niềm khích lệ động viên to lớn để tập thể và cá nhân chị tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho khoa học tỉnh nhà vừa tiếp tục làm tròn vai trò của người vợ, người mẹ trong tổ ấm của riêng mình.
Nghiên cứu khoa học là một công việc đầy gian khó đối với cả nam lẫn nữ, nhưng phụ nữ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì vừa phải hoàn thành tốt việc ở cơ quan, mà còn phải giỏi việc gia đình. Chọn con đường đầy chông gai nhưng thành quả mà chị Thủy đạt được đã thật sự đang làm thay đổi dần những định kiến về vai trò của phụ nữ trong xã hội.
Nguồn: vusta.vn