Hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới của Việt Nam chưa thể gọi là hệ thống

            Lý giải điều này tại buổi nghiệm thu đề tài cấp nhà nước: “Nghiên cứu, phân tích hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới/sáng tạo (STI) Việt Nam trong xu thế hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế”, mã số KX06.06/11-15 diễn ra ngày 12.1.2016, TS Đào Thanh Trường - Chủ nhiệm đề tài cho rằng, STI của Việt Nam hiện nay còn rời rạc, tách biệt nhau giữa các khâu then chốt của quá trình đổi mới  - vốn được kết hợp hữu cơ trong nền kinh tế thị trường, đó là mối quan hệ đào tạo - nghiên cứu - sản xuất.
Hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới của Việt Nam chưa thể gọi là hệ thống
Kết quả của đề tài KX06.06/11-15 đã phân tích cơ sở lý luận và những nghiên cứu về STI ở trong và ngoài nước; nghiên cứu hệ thống STI của một số quốc gia trên thế giới; phân tích hệ thống, chính sách STI của Việt Nam; đưa ra giải pháp thúc đẩy hệ thống STI của Việt Nam trong xu thế hội nhập KH&CN quốc tế. Kết quả nghiên cứu đưa ra khái quát chung về STI là một hệ thống với “mục đích đổi mới”, phương tiện là “KH&CN” và phương tiện cốt lõi là nghiên cứu và triển khai. Các nhân tố của STI bao gồm không chỉ các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, mà còn là các cơ quan công lập, các hiệp hội ngành nghề…
Thông qua khảo sát thực tiễn, đề tài đã khái quát 3 đặc trưng cơ bản của hệ thống STI của Việt Nam: không thể gọi là hệ thống vì nó còn rời rạc, tách biệt nhau giữa các khâu then chốt của quá trình đổi mới (doanh nghiệp không có bộ phận nghiên cứu và phát triển, các viện nghiên cứu nằm tách rời với doanh nghiệp và trường đại học, các trường đại học thuần túy là giảng dạy); chưa có cách thức liên kết thực sự giữa các khu vực; mang nặng dấu ấn của một hệ thống do nhà nước độc tôn sở hữu và chỉ huy. Những đặc điểm này cho thấy STI của Việt Nam có sự khác biệt rõ rệt so với hệ thống STI bình thường trong thế giới đương đại.
Từ kinh nghiệm của thế giới về STI cũng như thực trạng STI của Việt Nam, đề tài đã đưa ra định hướng chính sách nhằm phát triển hệ thống STI của Việt Nam: tái cấu trúc STI là một tất yếu khách quan trên con đường cải cách từ nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế thị trường. Nội dung cơ bản của tái cấu trúc là tái tạo mối liên hệ hữu cơ giữa đào tạo - nghiên cứu - sản xuất trên cơ sở xác lập quyền tự trị của hệ thống STI.
Với những kết quả đạt được, đề tài đã được Hội đồng đánh giá cao, nghiệm thu đạt loại xuất sắc.
Nguồn: khoahocvacongnghevietnam.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây