Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường ứng dụng Flurry, trong năm 2015, số phiên sử dụng các ứng dụng di động trên toàn cầu tăng 58% so với năm 2014. Đứng đầu bảng tăng trưởng về số phiên sử dụng là các ứng dụng cá nhân hóa (Personalization) với tốc độ lên tới 332%.
Trong đó, các ứng dụng nhắn tin qua di động được người dùng trên toàn cầu sử dụng nhiều nhất và đây chính là động lực chính thúc đẩy các nhà phát triển ứng dụng di động tiếp tục cho ra đời các ứng dụng nhắn tin mới trong năm 2016 này.
Theo dự báo của Flurry, số phiên sử dụng ứng dụng di động sẽ tăng cao hơn nữa trong năm 2016 khi số lượng ứng dụng ngày càng gia tăng và chúng ngày càng thân thiện hơn với khách hàng di động.
Phát triển ứng dụng cho thiết bị di động đã trở thành một trong những ngành công nghiệp “hot” trong thời gian qua và ngày càng nhiều doanh nghiệp cũng như các lập trình viên độc lập tham gia. Hãng nghiên cứu ABI Research dự đoán rằng, doanh thu từ ứng dụng trên thiết bị di động sẽ đạt 46 tỷ USD vào năm 2016.
Tuy nhiên, phía sau các con số hấp dẫn ấy là những cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt. Giới truyền thông đã đăng tải nhiều câu chuyện khởi nghiệp về những công ty non trẻ với văn phòng chỉ vài người nhưng kiếm về khoản tiền lớn nhờ viết ứng dụng, hình thành những giấc mơ triệu đô cho các lập trình viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những tấm gương như Foursquare, Angry Birds hay Instagram chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số hàng triệu ứng dụng đang tồn tại trên thế giới. Một thực tế phũ phàng là có đến 60% ứng dụng trên App Store và Google Play thậm chí còn chưa bao giờ được tải về. Chưa kể, viết được một phần mềm hay đã khó, duy trì được thành công còn khó hơn.
Và để giúp các nhà phát triển bám sát hơn nhu cầu sử dụng ứng dụng di động trên thực tế, vừa qua, Hãng Chromelinfotech đã tiến hành một cuộc nghiên cứu để tìm ra những lĩnh vực, xu hướng mà các nhà phát triển cần tập trung thêm khi phát triển các ứng dụng di động trong năm 2016 này.
Dưới đây là một số lĩnh vực, xu hướng được Chromelinfotech dự báo sẽ là những thị trường tiềm năng đối với các nhà phát triển ứng dụng di động trong năm 2016.
Tập trung vào nền tảng thống trị nhưng cũng không nên bỏ qua những nền tảng khác
Theo thống kê của IDC, tính đến cuối quý II.2015, Android chiếm 82,8% thị trường ứng dụng di động trong khi đối thủ gần nhất của hãng là iOS chiếm thị phần 13,9% còn đối thủ thứ hai là Windows chiếm 2,6%. Như vậy, có thể nói, mặc dù gần như độc chiếm thị trường ứng dụng di động toàn cầu nhưng năm 2016 vẫn là năm mà Android tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt hơn với iOS.
Trên thực tế, việc phát triển một ứng dụng sẽ tốn nhiều chi phí vì đa dạng môi trường cho nền tảng. Với hai nền tảng đang dẫn đầu thị trường là Android và iOS, điều dĩ nhiên nhà phát triển phải tạo hai ứng dụng trên môi trường này. Vậy còn những nền tảng khác như Windows Phone, Firefox OS, blackberry OS… thì sao, nhà phát triển cũng cần xem xét có nên tiếp tục phát triển hay bỏ qua nó?
Thanh toán qua di động
Ứng dụng thanh toán qua di động Apple Pay đã tạo ra một “cơn sốt” giao dịch tài chính qua thiết bị di động vào năm 2014. Từ đó đến này, ứng dụng thanh toán này đã có mặt và được chấp nhận rộng rãi tại nhiều thị trường di động, cả phát triển và đang phát triển. Không lâu sau đó, Samsung Pay cũng được ra mắt tại Mỹ vào năm 2016. Theo dự báo, vào năm 2017, 50% giao dịch trực tuyến sẽ được thực hiện qua các ứng dụng thanh toán qua thiết bị di động.
Tin nhắn
Kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu thị trường Pew cho thấy, có tới 36% người dùng smartphone sử dụng ứng dụng tin nhắn. Các nền tảng nhắn tin miễn phí đã có 2,2 tỷ người dùng tích cực trên toàn cầu. Trong đó, riêng Facebook Messenger đã có 800 triệu người dùng hàng tháng.
Thiết bị đeo
Các công nghệ dành cho thiết bị đeo sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta và các ứng dụng dành cho thiết bị đeo cũng là một phân khúc thu hút các nhà phát triển ứng dụng trong năm 2016 này.
Công nghệ đám mây
Phát triển ứng dụng di động tích hợp công nghệ đám mây được coi là một lĩnh vực nổi bật trong năm 2015 và được dự báo sẽ tiếp tục phát triển và thống trị thị trường ứng dụng trong những năm tới.
Internet of Things
Internet of Things sẽ là một lĩnh vực trung tâm trong thị trường phát triển ứng dụng năm 2016. Số thiết bị hoạt động trên mạng Internet Of Things đã liên tiếp tạo ra những mốc phát triển mới: 3,8 tỷ vào cuối năm 2014, nhanh chóng tăng lên thành 4,9 tỷ vào tháng 11.2015 và nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện nay, con số này sẽ tăng lên thành gần 6,4 tỷ vào cuối năm nay với khoảng 5,5 triệu thiết bị kết nối mới mỗi ngày.
Với xu hướng này, Internet Of Things được dự báo sẽ là thị trường thiết bị lớn nhất trên thế giới và có thể sẽ có quy mô thị trường lớn gấp 2 lần so với smartphones, PC, và thiết bị đeo vào năm 2019.
Những điều này cho thấy giá trị của thị trường Internet Of Things cũng như sức hấp dẫn của nó đối với các nhà phát triển ứng dụng trong năm 2016 này.
Doanh nghiệp
Việc sử dụng ứng dụng nói chung và ứng dụng di động nói riêng đã, đang và sẽ tiếp tục gia tăng do nhu cầu quản lý doanh nghiệp và tối ưu hóa hiệu suất chưa khi nào dừng lại của các khách hàng doanh nghiệp. Theo dự báo, trong năm nay, sẽ có đến khoảng 35% doanh nghiệp lớn có nhu cầu sở hữu nền tảng phát triển ứng dụng cho riêng mình.
Ngoài một số xu hướng chính trên, theo Chromelinfotech, việc phát triển ứng dụng phục vụ cho việc chuyển đổi ngôn ngữ, tăng cường trải nghiệm người dùng và bảo mật cũng sẽ là những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà phát triển ứng dụng trong năm 2016 này.
Lời kết
Ngành công nghiệp ứng dụng di động toàn cầu đang phát triển bùng nổ và rất cần một tầm nhìn, chiến lược dài hạn để có được sự phát triển bền vững, đúng hướng. Và khi được phát triển đúng hướng với những đầu tư hợp lý, chắc chắn đây sẽ là một hướng đi lâu dài, dễ sinh lợi cho các doanh nghiệp nói chung và giới lập trình viên nói riêng. Đây cũng là động lực để Chromelinfotech tiến hành và công bố rộng rãi cuộc nghiên cứu này.
Nguồn: khoahocvacongnghevietnam.com.vn