Ngành KH&CN: Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ

Ngày 25.12.2015, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức “Hội nghị tổng kết công tác năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 và sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020”. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo các bộ/ngành, cơ quan trung ương và địa phương.
Ngành KH&CN: Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ
Nhiều thành quả được ghi nhận
Đánh giá về kết quả công tác năm 2015, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhấn mạnh: 2015 là một năm đáng ghi nhớ, nhiều thành quả KH&CN của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận. Lần đầu tiên Việt Nam đứng thứ 52/141 quốc gia trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) (vị trí này của Việt Nam năm 2014 là 71 và 2013 là 76). Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3, chỉ sau Singapo và Malaysia (vượt qua Thái Lan). Nếu tính riêng trong số 31 quốc gia có thu nhập trung bình thấp thì Việt Nam đứng thứ 2. Nhiều chỉ tiêu quan trọng của Chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đã đạt được ngay trong giai đoạn đầu này như: tốc độ đổi mới công nghệ, công bố quốc tế (riêng lĩnh vực toán học, công bố quốc tế của Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á), số bằng sáng chế được đăng ký bảo hộ... Có thể nói, trình độ KH&CN của Việt Nam đang dần được nâng cao, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đã rút ngắn đáng kể. Bộ trưởng khẳng định: "Thành quả này thể hiện sự nỗ lực lớn của cộng đồng KH&CN Việt Nam và những tác động của các chính sách mới dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Đảng và Nhà nước".
Bên cạnh đó, Báo cáo tổng kết năm 2015 của Bộ KH&CN còn cho thấy nhiều kết quả nổi bật khác. Trong năm 2015, Bộ đã tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về KH&CN với việc chuẩn bị phương án sửa đổi các luật trong lĩnh vực KH&CN để phù hợp với cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Nhiều văn bản quan trọng, mang tính định hướng cho hoạt động KH&CN giai đoạn 2016-2020 đã được hoàn thành để trình Thủ tướng Chính phủ như: Đề án tái cơ cấu ngành KH&CN; Nguyên tắc, tiêu chí đề xuất phân bổ kinh phí hoạt động KH&CN. Bộ đã ban hành Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016-2020 làm căn cứ để triển khai hoạt động KH&CN giai đoạn tới; trình Chính phủ ban hành 1 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 Quyết định, Chỉ thị và 30 Thông tư, Thông tư liên tịch. Các văn bản tiếp tục được xây dựng theo định hướng đổi mới về tổ chức, hoạt động và cơ chế tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KH&CN, đưa KH&CN bám sát, phục vụ đắc lực hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 2015, việc triển khai các chương trình, đề án quốc gia về KH&CN cũng được chú trọng thực hiện. Các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 tập trung hoàn thiện những kết quả nghiên cứu để tiến hành tổng kết vào đầu năm 2016, xây dựng kế hoạch rà soát, sắp xếp lại Chương trình để triển khai trong giai đoạn 2016-2020. Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi đã tiến hành tổng kết sau 3 giai đoạn thực hiện. Chương trình đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá trên thị trường trong và ngoài nước, từng bước hình thành thị trường công nghệ, dịch vụ ở nông thôn. Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã hoàn thiện và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025. Cùng với đó, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 đã tổng kết với kết quả hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra về tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xây dựng, áp dụng các quy trình quản lý, kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao giá trị tài sản trí tuệ...Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 đã tổ chức sơ kết giai đoạn 1. Chương trình đã giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, từng bước làm chủ các công nghệ quản lý tiên tiến trong khu vực và thế giới, vận dụng phù hợp với đặc thù của các doanh nghiệp Việt Nam; 3 Chương trình KH&CN quốc gia khác cũng đã được tập trung triển khai với nhiều kết quả tốt.
Hoạt động KH&CN năm 2015 trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật - công nghệ đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp hiệu quả vào việc cung cấp luận cứ khoa học phục vụ việc hoạch định các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; đổi mới công nghệ; nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Hai trung tâm khoa học về toán học và vật lý đã được UNESCO công nhận và bảo trợ, tạo cơ sở để hình thành những tổ chức nghiên cứu cơ bản đạt trình độ quốc tế và khu vực. Đã chế tạo thành công và hạ thuỷ dàn khoan tự nâng 120 m nước (Tam Đảo 05), đây là giàn khoan có khối lượng lớn tới 18.000 tấn và có khả năng khoan tới mỏ dầu khí với độ sâu 9 km; chế tạo và lắp đặt thử nghiệm vận hành hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) có chất lượng tương đương với tiêu chuẩn của châu Âu, đủ khả năng tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị cho các dự án nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam và xuất khẩu; đã công nhận sản xuất thử và chính thức 31 giống lúa và ngô, 19 giống cây lâm nghiệp...
Chính sách sử dụng, trọng dụng, tôn vinh lực lượng KH&CN được ban hành và bước đầu đi vào cuộc sống. Lần đầu tiên, Bộ KH&CN đã tổ chức Gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với các nhà sáng chế không chuyên nhân Ngày KH&CN Việt Nam (18.5) và Gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với các nhà khoa học trẻ nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2.9. Các buổi Gặp mặt đã thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo Chính phủ với đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và quần chúng nhân dân say mê nghiên cứu khoa học, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo trong xã hội.
 
Thị trường công nghệ được thúc đẩy phát triển và bước đầu phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh. Các chợ công nghệ và thiết bị, sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức trung gian công nghệ ở quy mô quốc gia, vùng, địa phương đã góp phần quan trọng thúc đẩy cung cầu công nghệ, gia tăng số lượng và giá trị các giao dịch, mua bán công nghệ giữa doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học. Hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng có bước phát triển mới và hệ thống bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện, phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bảo vệ kết quả hoạt động sáng tạo và phù hợp với cam kết quốc tế.
Phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ
Năm 2015, mặc dù đạt được những kết quả tích cực như đã nêu trên, song ngành KH&CN cũng còn nhiều khó khăn, bất cập cần giải quyết. Đó là: tiềm lực và trình độ KH&CN, đội ngũ cán bộ KH&CN tuy có phát triển về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu các tập thể khoa học mạnh, các viện nghiên cứu, trường đại học đẳng cấp quốc tế, thiếu các cán bộ đầu ngành có khả năng chỉ huy triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị nghiên cứu còn thiếu, chưa đồng bộ. KH&CN và nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế. Đây cũng là một thách thức lớn khi chúng ta hội nhập toàn diện với khu vực và quốc tế. Trong quản lý hoạt động KH&CN, chúng ta còn thiếu các hướng ưu tiên phù hợp, các chính sách, giải pháp mạnh mẽ để tạo đột phá trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế, vì vậy, chưa hình thành được các lĩnh vực KH&CN mũi nhọn, đạt trình độ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh bình đẳng với khu vực và thế giới. Thiếu cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tin cậy, đồng bộ về KH&CN và đổi mới sáng tạo; chậm hình thành hệ thống đánh giá độc lập và bộ chỉ số đánh giá hoạt động KH&CN; chưa có cơ chế hấp dẫn để thu hút các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN.
Sau khi lắng nghe báo cáo của Bộ KH&CN và ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đánh giá cao các kết quả mà Bộ KHCN đạt được trong việc thực hiện kế hoạch công tác năm 2015 và Chiến lược Phát triển KH&CN trong 5 năm qua; khẳng định những kết quả này đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Phó Thủ tướng ủng hộ các đề xuất và kế hoạch của Bộ KH&CN trong thời gian tới, song cũng lưu ý một số vấn đề quan trọng. Theo Phó Thủ tướng, việc đầu tiên ngành KH&CN cần quan tâm là phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Đây là việc rất khó, vì không chỉ liên quan tới cơ chế, chính sách, động lực mà còn cả thói quen. "Việc đổi mới là rất gian khổ và khó khăn nhưng khó vẫn phải làm. Để làm được điều này một mình Bộ KH&CN không làm được mà cần sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Về quản lý nhiệm vụ KH&CN, Phó Thủ tướng lưu ý, với nguồn lực có hạn, cần tránh đầu tư dàn trải mà phải tập trung vào các chương trình, đề tài thực sự trọng điểm và làm cho bằng được thì mới đem lại kết quả cao. Trong công tác tuyển chọn nhiệm vụ, đề tài, xét duyệt nghiệm thu và đưa ra thị trường phải hoàn toàn công khai, minh bạch. Ngành KH&CN cần tăng cường hơn việc kết nối hệ thống thông tin KH&CN trong nước với thế giới để tận dụng nguồn tri thức sẵn có, giảm số lượng các đề tài, nhiệm vụ không cần thiết. Đối với vấn đề lớn và dài hơi là hoàn thiện cơ chế để điều hành hệ thống sáng tạo quốc gia theo xu thế chung cần phải đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm; doanh nghiệp là đối tượng chính trong phát triển thị trường công nghệ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ quan nghiên cứu. Về tiềm lực KH&CN, Phó Thủ tướng xác định, chúng ta phấn khởi vì số lượng công trình công bố quốc tế trong 5 năm qua tăng gấp đôi nhưng phải nhìn vào thực tế là các quốc gia khác cũng tăng gấp đôi. Khi chúng ta đạt mốc 2.000 công bố quốc tế thì Malaysia là 10 ngàn, Trung Quốc là 240 ngàn, còn Mỹ là 500 ngàn. Để giải quyết vấn đề này, cần đầu tư mạnh mẽ mô hình nghiên cứu theo hướng mới, tiên tiến như Viện Khoa học Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) để từ đó nhân rộng ra, dần dần tiến tới đổi mới cơ chế trong các viện nghiên cứu khác. Phó Thủ tướng cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề đãi ngộ đối với các nhà khoa học, đề nghị Bộ KH&CN cũng như các bộ/ngành liên quan trong giai đoạn tới phải quan tâm nhiều hơn tới việc đảm bảo điều kiện sống cho các nhà khoa học, thiết lập được hệ thống danh hiệu tôn vinh bài bản và xứng tầm.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và cá nhân Phó Thủ tướng; sự hỗ trợ của các bộ/ngành liên quan. Bộ trưởng khẳng định, trong giai đoạn tới, ngành KH&CN sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế đổi mới, thực hiện tốt các kế hoạch, chiến lược đã đề ra, đảm bảo giữ vững và tăng thứ hạng trong bảng xếp hạng của thế giới và quan trọng hơn là đóng góp nhiều hơn, thiết thực hơn vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nguồn: khoahocvacongnghevietnam.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây