“Cao tốc di động” là cụm từ dùng để mô tả hệ thống mạng nâng cấp cho phép thiết bị di động, đặc biệt là smartphone, có thể truy cập mạng nhanh hơn nhiều so với hiện nay.
Có thể bạn đã nghe về 5G, nhưng năm 2016 sẽ có rất nhiều thứ để nói về mạng di động thế hệ mới này. So với tốc độ siêu nhanh của 5G, những gì mà bạn đang hưởng thụ hiện nay trên mạng 4G chẳng khác nào đang đứng yên tại chỗ không di chuyển.
Lấy ví dụ cụ thể hơn, tốc độ tải về bộ phim “Người bảo vệ Thiên hà” sẽ chỉ mất vỏn vẹn vài giây trên mạng 5G, thay vì tới hàng phút trên mạng 4G hiện nay.
Năm 2016 sẽ tiếp tục xu hướng nhà mạng giảm giá dịch vụ để cạnh tranh. Ngoài ra, chất lượng và tốc độ truy cập cũng được nâng cao rất nhiều. Việc triển khai toàn diện 5G sẽ kéo dài ít nhất tới năm 2020. Còn ở thời điểm này, sớm nhất cũng phải tới năm 2017 mới triển khai thương mại.
Tuy nhiên, các nhà mạng vẫn còn rất nhiều kỹ thuật có thể áp dụng để tăng tốc độ truy cập của thiết bị, hay ít nhất cũng giúp loại bỏ tình trạng nghẽn mạch như hiện nay.
Cao tốc di động
Cụm từ mà ngành công nghiệp di động ưa sử dụng trong năm 2016 sẽ là “kết hợp sóng mang” (carrier aggregation), nghĩa là bổ sung thêm nhiều phổ tần. Nó cũng giống như xây thêm một đường cao tốc khác cho xe chạy thoáng hơn, rồi sau đó nâng giới hạn tốc độ lên để xe chạy nhanh hơn.
Khả năng này cho phép các thiết bị di động có thể truy cập tốc độ mạng nhanh hơn. Mặc dù các nhà mạng thường không đưa ra tốc độ truy cập cụ thể do còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng Roger Entner, cố vấn cho Recon Analytics nói rằng, người dùng sẽ được hưởng lợi tốc độ nhanh hơn 20% khi xu hướng “kết hợp sóng mang” được triển khai.
Tại Mỹ, nhà mạng đứng thứ 4 Sprint, thường bị phàn nàn vì tốc độ kết nối mạng chậm, đã tăng tốc độ truy cập lên 40% kể từ khi chạy đua sử dụng công nghệ mới này.
Mượn sóng Wifi radio
Cùng với xu hướng “kết hợp sóng mang”, một công nghệ khác rất đáng chú ý là LTE-U. U viết tắt cho từ “unlicensed” (chưa cấp phép), dùng để mô tả phổ tần chưa cấp phép mà router đầu cuối đang sử dụng. Với LTE-U, các nhà mạng sẽ sử dụng phổ tần chưa cấp phép như một “cao tốc khác” để cung cấp tốc độ kết nối nhanh hơn cho smartphone.
“Điều thú vị là 'cao tốc' này khá lớn”, Michael Murphy - Giám đốc công nghệ phụ trách kinh doanh khu vực Bắc Mỹ của Nokia Networks cho biết. T-Mobile nói rằng, nhà mạng này đã có kết hoạch hỗ trợ LTE-U. Còn về phương diện sử dụng Wifi, 2 nhà mạng Verizon và AT&T sẽ triển khai dịch vụ gọi thoại trên nền Wifi, cho phép người dùng có chuyển sang mạng Wifi tin cậy hơn để gọi điện nếu sóng di động kém, hoặc chập chờn.
AT&T nói rằng, tính năng này, hiện đã có trên mạng T-Mobile và Sprint, được cung cấp cho chiếc iPhone mới nhất. Các thiết bị khác sẽ được AT&T hỗ trợ sớm. Còn Verizon trong tuần vừa rồi cũng bổ sung chức năng gọi Wifi cho điện thoại Samsung, và trong năm 2016 sẽ hỗ trợ nhiều mẫu smartphone khác.
5G
Sẽ có rất nhiều điều thú vị chờ đợi trong làn sóng mạng 5G năm tới. Cùng với xu hướng “kết hợp sóng mang”, các công ty như Verizon cũng tích cực làm việc với nhiều ngành công nghiệp khác, trong đó có nông nghiệp và cơ khí hạng nặng, để tham khảo ý kiến về cách thức mạng 5G sẽ giúp ích những ngành này như thế nào.
Các ngành công nghệ mới nổi như thực tế ảo sẽ hưởng lợi rất nhiều từ 5G. Tuy nhiên, trước mắt cần thiết lập tập chuẩn chung để mọi thứ có thể kết hợp với nhau, chẳng hạn các chuẩn quy định cách thức phần cứng giao tiếp với hệ thống mạng.
“Khi chúng tôi thiết kế một hệ thống và kiến trúc mới, chúng tôi sẽ triển khai công nghệ ở tốc độ nhanh nhất có thể. Đó là lý do tại sao chúng tôi cẩn thử nghiệm công nghệ càng sớm càng tốt”, Sheila Burpee Duncan - chuyên gia làm việc với nhóm bộ phận kinh doanh radio của Ericsson, cho biết.
Nguồn: khoahocvacongnghevietnam.com.vn