Trong đó, việc thu hút nhân tài liên tục được nhắc lại và đặt lên hàng đầu, theo thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng.
Techfest vùng đồng bằng sông Hồng 2023. Ảnh: NH
Mở đầu diễn đàn cấp cao "Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Đồng bằng sông Hồng" diễn ra vào chiều 11/5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chỉ ra ba chiến lược ưu tiên mà các tỉnh tại đồng bằng sông Hồng cần làm để củng cố hệ sinh thái địa phương.
Thứ nhất là tập trung vào con người. Thứ trưởng nhấn mạnh việc phát triển tinh thần và năng lực khởi nghiệp tại các trường đại học địa phương để đưa lực lượng sinh viên trở thành một trong những nòng cốt của hệ sinh thái. Ông cũng đề cập việc cần tạo ra các cơ chế, chính sách mới để không chỉ lôi kéo sự tham gia của các nhân sự chất lượng cao tại địa phương vào hệ sinh thái mà còn cả các chuyên gia đổi mới sáng tạo trên thế giới tới sinh sống và làm việc. Thứ trưởng cho rằng những con người này sẽ có khả năng giải quyết không ít vấn đề về phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.
Thứ hai là xây dựng những kết nối của trung tâm đổi mới sáng tạo. Nhiều địa phương trong vùng đã bước đầu hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của riêng mình. Một số đã kết nối được với các đối tác ở tầm quốc gia hoặc quốc tế. Thứ trưởng cho rằng các trung tâm này sẽ phải tìm cách liên kết mạnh hơn với các doanh nghiệp, tập đoàn và khu vực FDI; đồng thời cần một cú hích để kết nối các trung tâm này lại với nhau để chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm.
Thứ ba là phải tạo ra các cơ chế, chính sách đặc thù cho phép thí điểm trong môi trường thực tế. Theo ông, mỗi địa phương nên có các không gian mở cho phép startup thử nghiệm mô hình, sản phẩm, dịch vụ mới. Các không gian mở đó nên được liên thông trong cả vùng. Để hỗ trợ những không gian này, các tỉnh sẽ phải cân nhắc những ưu đãi mạnh hơn về thuế, đất đai; ưu tiên trong cung ứng dịch vụ công; xác nhận, công nhận các sản phẩm, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nhà đầu tư mạo hiểm.
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phải gắn và xuất phát từ việc xây dựng hệ sinh thái tại địa phương, đây chính là nguồn lực quốc gia đóng vai trò khởi tạo, gợi mở. Tập trung khai thác nguồn lực địa phương sẽ tạo tính bền vững, lâu dài cho sự phát triển của hệ sinh thái quốc gia”.
Diễn đàn nằm trong chuỗi các hoạt động của Techfest vùng đồng bằng sông Hồng 2023, do Bộ Khoa học và Công nghệ, phối hợp UBND tỉnh Nam Định, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức. Diễn ra trong ba ngày (10-12/5), Techfest vùng đã thu hút được sự tham gia của lãnh đạo Bộ KH&CN, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo VCCI; các chủ tịch/phó chủ tịch UBND, Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trong vùng, cùng hàng trăm đại biểu đến từ các hiệp hội doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo trên cả nước. Ban tổ chức đã ghi nhận một loạt biên bản ghi nhớ và hợp đồng giao dịch công nghệ được ký kết với tổng giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. |
Nguồn : khoahocphattrien.vn