Khi lao động giá rẻ không còn là thế mạnh thì yếu tố quyết định sức cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng của quốc gia chính là khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST)-những yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng suất lao động. Vậy các giải pháp có thể góp phần nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học là gì?
Đây cũng chính là chủ đề được hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học thảo luận tại Hội thảo “Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Đề án về giải pháp Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động” do Tổng cục TCĐLCL tổ chức vào cuối tháng tư vừa qua.
Khai thác thế mạnh của khoa học và công nghệ
Theo báo cáo “Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp” được Tổng cục Thống kê công bố năm 2023, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp nhất khu vực, chỉ cao hơn Campuchia (gấp 2,4 lần), Myanmar (1,6 lần) và Lào (gấp 1,2 lần), cho dù đây là yếu tố quyết định việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp cũng như có ý nghĩa quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Do đó, tại phiên họp Chính phủ tháng ba, Bộ KH&CN đã được chính phủ giao cho một nhiệm vụ rất quan trọng là xây dựng đề án KHCN và ĐMST để nâng cao năng suất lao động.
Thực tế, từ trước đến nay, Việt Nam cũng đã có không ít hoạt động, chính sách để nâng cao năng suất lao động. Trong đó, trong thập niên chất lượng lần thứ nhất, giai đoạn 1996-2005, các hoạt động thúc đẩy năng suất tại Việt Nam đã bắt đầu được hình thành, các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu quan tâm tới cải tiến năng suất và đã có những bước tiến quan trọng trên chặng đường nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa và hội nhập quốc tế. Tới giai đoạn thứ hai, từ năm 2010 - 2020, chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp 712 (QĐ số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010) đã đánh dấu bước chuyển biến trong việc thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất tại Việt Nam. “Một điểm rất quan trọng là chúng ta đã tổ chức đào tạo cho hàng chục nghìn người lao động trong các doanh nghiệp và hàng nghìn doanh nghiệp đã được đào tạo các công cụ, giải pháp năng suất”, TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL cho biết. Bên cạnh đó, giai đoạn này cũng thí điểm việc đưa năng suất vào dạy thử trong 40 trường và nhận được phản hồi tốt từ các cơ sở giáo dục này. Và với chương trình 1322 về nâng cao năng suất chất lượng cho doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, hoạt động năng suất chất lượng tại Việt Nam tiếp tục được triển khai theo chiều sâu và bắt đầu đưa năng suất vào trường đại học, cao đẳng, trường nghề như một môn học chính thức.
Nội dung của dự thảo vẫn còn khá chung chung, bên cạnh đó nếu tổ chức thực hiện bằng cách tiếp tục xây dựng đề án thành phần như vậy thì xong đề án này chúng ta lại phải chờ một số đề án khác vào sang năm thì mới có hành động cụ thể, như vậy sẽ khó có thể áp dụng được ngay và đem lại tác động với sự phát triển kinh tế xã hội. Ông Đặng Quang Vinh |
Vậy những hoạt động nâng cao năng suất đã triển khai ở Việt Nam còn những hạn chế gì? Theo TS. Hà Minh Hiệp, qua quá trình nghiên cứu với chuyên gia của Tổ chức năng suất châu Á (APO), có bốn trụ cột liên quan đến năng suất mà Việt Nam còn yếu và cần phải tăng cường thúc đẩy, đó là: khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; hệ thống giáo dục và đào tạo; và mối liên kết giữa tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp nội địa. Theo đó, về KH&CN, các giải pháp không thể chỉ dừng lại ở các hệ thống quản lý mà phải đi sâu vào vấn đề hấp thụ công nghệ, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để tạo ra động lực tăng trưởng mới về năng suất.
Do đó, Dự thảo Đề án giải pháp KHCN và ĐMST nhằm nâng cao năng suất lao động đã được Bộ KH&CN xây dựng dựa trên sáu quan điểm: tạo ra mô hình tăng trưởng mới; lấy KHCN và ĐMST là động lực chính; hạ tầng chất lượng quốc gia NQI; đồng bộ các chính sách KHCN và ĐMST; sự tham gia các cấp, ngành, doanh nghiệp, cộng đồng; và phát triển nguồn nhân lực. Giải thích thêm về các quan điểm này, TS. Hiệp cho biết, việc xác định KHCN và ĐMST là động lực chính có nghĩa là “không chỉ tác động vào hệ thống thiết bị, quá trình sản xuất mà phải dùng KHCN để thay đổi tư duy của người lao động”. Hay với việc dùng hạ tầng chất lượng quốc gia NQI để làm động lực tăng năng suất, với các nước đang phát triển như Việt Nam, “nếu nâng hàng rào kỹ thuật lên thì các sản phẩm của chúng ta sẽ có chất lượng, chỉ tiêu và giá trị gia tăng sẽ cao hơn. Đấy cũng là một cách thức để nâng cao năng suất nội ngành cho chính chúng ta”, TS. Hiệp nhận định. Bên cạnh đó, hiện nay cả nước chỉ có khoảng gần 200 chuyên gia năng suất, trong khi đó “các chuyên gia ở các trường đại học lại chính là một lực lượng rất tiềm năng, do đó việc đưa vấn đề năng suất vào trong trường đại học để thúc đẩy lực lượng chuyên gia ở đây sẽ có tính chất bền vững hơn”.
Với những quan điểm như vậy, dự thảo Đề án đưa ra các mục tiêu như: 20% các trường đại học, cao đẳng, trường nghề và 10% trường giáo dục phổ thông được đào tạo về năng suất; 30% các chính sách, văn bản được rà soát theo GRP (Good Regulatory Practices - một hệ thống các quá trình cũng như các công cụ và thể chế, thủ tục nhằm đảm bảo các chính sách, quy định được ban hành hiệu quả, minh bạch, toàn diện, bền vững); 1000 chuyên gia đáp ứng TCVN 13751:2023; 200 chuyên gia đáp ứng chuyên gia năng suất châu Á; 30-35 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng triển khai kế hoạch nâng cao năng suất trên nền tảng KHCN và ĐMST,... Đề án cũng đặt ra các giải pháp như: xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy năng suất lao động dựa trên KHCN và ĐMST; thúc đẩy giải pháp vĩ mô góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao năng suất; tăng cường thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao công nghệ tăng năng suất lao động,...
Cần cụ thể hóa
Đối với việc tổ chức thực hiện, Dự thảo Đề án nâng cao năng suất lao động đề xuất sáu dự án thành phần liên quan đến từng bộ, chẳng hạn như Bộ KH&CN phụ trách việc xây dựng Đề án hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách và Đề án phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI); Bộ Công thương xây dựng Đề án ứng dụng KHCN, đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ nâng cao năng suất trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; Bộ NN&PTNT xây dựng đề án cho lĩnh vực nông nghiệp;...
Tuy nhiên, dù đánh giá cao dự thảo đề án với nội dung bao quát nhiều vấn đề về năng suất, ông Đặng Quang Vinh (đại diện Ngân hàng Thế giới) cho rằng, nội dung của dự thảo vẫn còn khá chung chung, bên cạnh đó nếu tổ chức thực hiện bằng cách tiếp tục xây dựng đề án thành phần như vậy thì “xong đề án này chúng ta lại phải chờ một số đề án khác vào sang năm thì mới có hành động cụ thể, như vậy sẽ khó có thể áp dụng được ngay và đem lại tác động với sự phát triển kinh tế xã hội”. Bên cạnh đó, ông Vinh cũng đề xuất đề án cần nêu cụ thể một lộ trình để tăng được đầu tư công vào mảng KHCN và ĐMST. “Chẳng hạn, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia NATIF có nguồn vốn rất nhỏ so với quỹ khác của các quốc gia trong khu vực”, ông Vinh cho biết, “đề án nên nghiên cứu để làm sao nâng cao được khoản vốn của nhà nước đầu tư vào quỹ này, đồng thời đổi mới khuôn khổ pháp lý và quy chế làm việc để phát triển thành một quỹ đầu tư có tính chất mạo hiểm - chấp nhận trong một khuôn khổ thời gian nhất định, một số dự án nhất định có thể bị thua lỗ nhưng trong khung thời gian năm năm hoặc trong tổng số mười dự án đầu tư chẳng hạn thì chúng ta vẫn bảo toàn được vốn. Điều này sẽ giúp vừa tăng quy mô và vừa tăng hiệu quả hoạt động của quỹ”.
Bên cạnh đó, với việc đào tạo về KHCN và ĐMST, năng suất cho lao động, ông Vinh cho rằng, hiện nay đối tượng quan trọng cần đào tạo hơn là nhà quản trị doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp. “Họ cần phải biết là hiện nay có công nghệ gì có thể giúp họ nâng cao năng suất, mua ở đâu, giá cả như thế nào, lập dự toán kinh tế ra sao, vay tiền ở đâu để đầu tư. Tất cả những kiến thức này tôi cho rằng các chủ doanh nghiệp hiện nay đang thiếu. Khi người ta quyết định mua một công nghệ thì lúc đấy mới nảy sinh nhu cầu đào tạo để người lao động dùng công nghệ đó. Khi người ta chưa nghĩ đến mua một công nghệ thì việc đào tạo lao động không giúp ích gì cả”, ông Vinh nhận định.
Và nếu như chỉ áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất mà không đánh giá được tác động sau đó thì sẽ khó có thể lượng hóa được hiệu quả của giải pháp. GS. Phan Trí Anh, trưởng nhóm nghiên cứu về năng suất chất lượng tại ĐHQGHN, đề xuất, đề án cần có một phần tập trung vào việc nghiên cứu về các mô hình mới của người Việt để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt, và nghiên cứu về hiệu quả của các phương thức, cách thức áp dụng các mô hình, tiêu chuẩn, công cụ vào trong hoạt động của doanh nghiệp. “Nếu chỉ thực hiện một cuộc khảo sát điều tra ngắn thì sẽ không thể giải quyết được, mà ở đây phải kết hợp cả số liệu sơ cấp và số liệu thứ cấp, nghiên cứu sự cải thiện về năng suất lao động và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp thông qua cả các số liệu kế toán nằm trong hệ thống kế toán quốc gia, đồng thời phải tiến hành quan sát các doanh nghiệp đó trong cả một chuỗi thời gian dài thì mới phản ánh rõ được hiệu quả”, GS. Trí Anh nhận định. Ông cũng cho rằng, cần nâng cao năng lực cho các Chi cục TCĐLCL ở địa phương - những đơn vị gần với các doanh nghiệp - thông qua việc cung cấp tài liệu, dữ liệu để thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa về năng suất chất lượng, nhất là khi số lượng các chuyên gia năng suất ở Việt Nam còn hạn chế và lại tập trung ở các đô thị lớn.
Lắng nghe các góp ý này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, ban soạn thảo đề án sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, đồng thời đề nghị Tổng cục TCĐLCL nhanh chóng hoàn thiện lại dự thảo để có một phiên bản dự thảo đề án mới trong thời gian tới. “Chúng ta có tiềm năng, có tiềm lực, nhưng biến tất cả những tiềm năng tiềm lực ấy trở thành những chỉ số có thể đong đếm được về cải thiện năng suất lao động của nền kinh tế thì chắc chắn cần phải có một sự đổi mới mạnh mẽ hơn”, Thứ trưởng chia sẻ tại hội thảo.