Quy định về quản lý và sử dụng tem rượu sản xuất trong nước và nhập khẩu

(VietQ.vn) - Theo quy định mới của Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 15/2020/TT-BTC và Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì rượu sản xuất trong nước và nhập khẩu phải dán tem rượu.

Quy định về quản lý và sử dụng tem rượu sản xuất trong nước và nhập khẩu

Mặc dù đã có quy định về dán tem rượu sản xuất trong nước và nhập khẩu của Chính phủ tuy nhiên hành vi kinh doanh, sản xuất và nhập khẩu rượu không dán tem rượu vẫn diễn ra tại một số tỉnh thành.

Cụ thể, theo thông tin từ Cục QLTT tỉnh Hưng Yên, mới đây Đội QLTT số 1 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường - Công an tỉnh Hưng Yên tiến hành khám xe ô tô tải biển kiểm soát 89C-254.02. Chủ phương tiện và hàng hóa là ông Nguyễn Văn Đức (người đại diện hộ kinh doanh Cơ sở sản xuất rượu Đức Dương), địa chỉ: Thôn Thổ Cầu, xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Quá trình khám thùng xe chứa hàng phát hiện trên xe chứa 40 can rượu chuối hột (khoảng 800 lít). Toàn bộ số rượu trên không được dán tem rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước. Đội QLTT số 1 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Cơ sở sản xuất rượu Đức Dương do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Sản xuất rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên không dán tem rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước theo quy định tại Điểm e Khoản 1, Khoản 2 Điều 28 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phạt tiền 15.000.000 đồng.

Tương tự, Đội QLTT số 25 (Cục QLTT TP. Hà Nội) phối hợp với Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội kiểm tra, phát hiện và tạm giữ 480 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ trị giá 38.400.000 đồng. 

Quy định về quản lý và sử dụng tem rượu

Ngày 23/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 15/2020/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu. Theo đó, kể từ 7/5/2020, các mặt hàng rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu đều phải dán tem trên bao bì trước khi tiêu thụ.

Thông tư số 15/2020/TT-BTC đã nêu rõ: Rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước phải được đóng thành chai (bao gồm cả hũ, bình, lọ, can, túi, hộp, thùng), gọi chung là chai đều phải dán tem. Cụ thể, mỗi chai được dán một (01) con tem. Trường hợp chai rượu có sử dụng màng bóng kính bọc bên ngoài thì tem phải được dán vào chai trước khi được đóng màng bóng kính phủ bên ngoài.

Tem rượu phải được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc vị trí tương tự) đảm bảo khi mở nắp thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại (Mẫu tem rượu do Bộ Tài chính quy định).

Đối với rượu đóng chai nhập khẩu qua các cửa khẩu, doanh nghiệp sẽ tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm việc dán tem rượu nhập khẩu tại cơ sở của doanh nghiệp và báo cáo với cơ quan Hải quan nơi đăng ký làm thủ tục nhập khẩu số lượng tem thực sử dụng trước khi thông quan.

Rượu thành phẩm dạng thùng, téc nhập khẩu về đóng chai trong nước, doanh nghiệp thực hiện và tự chịu trách nhiệm việc dán tem rượu nhập khẩu tại cơ sở đóng chai trước khi đưa ra thị trường để tiêu thụ.

Đối với rượu sản xuất trong nước, thì tổ chức, cá nhân có giấy phép sản xuất rượu (sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, sản xuất rượu công nghiệp) để tiêu thụ trong nước phải thực hiện dán tem đúng quy định cho sản phẩm rượu sản xuất tại địa điểm sản xuất sau khi rượu được đóng chai và trước khi đưa sản phẩm rượu đi tiêu thụ trong nước.

Đặc biệt, Thông tư quy định: Các tổ chức, cá nhân không được chuyển nhượng, bán (trừ cơ quan Thuế), vay, mượn và cho vay, cho mượn tem rượu.

Cơ quan Thuế quản lý tem rượu sản xuất trong nước: Cơ quan thuế bán tem rượu sản xuất trong nước cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép sản xuất rượu (bao gồm Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp), cụ thể: Tổng cục Thuế thực hiện in và thông báo phát hành tem rượu sản xuất trong nước; Cục Thuế các tỉnh, thành phố, và các Chi cục Thuế tổ chức bán tem rượu sản xuất trong nước.

Cơ quan Hải quan quản lý tem rượu nhập khẩu: Cơ quan Hải quan thực hiện bán tem rượu nhập khẩu cho các doanh nghiệp nhập khẩu rượu khi đến làm thủ tục hải quan, cụ thể: Tổng cục Hải quan thực hiện thông báo phát hành tem rượu nhập khẩu; Cơ quan Hải quan các các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc cấp, bán tem rượu nhập khẩu.

Tem sản phẩm rượu nhập khẩu chỉ được bán cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép phân phối rượu còn hiệu lực. Ngoài ra, Thông tư số 15/2020/TT-BTC cũng quy định 03 trường hợp không phải dán tem trên bao bì sản phẩm: Rượu sản xuất thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại rượu; rượu bán thành phẩm nhập khẩu quy định tại Điều 3 Nghị định 105/2017/NĐ-CP; rượu nhập khẩu quy định tại Điều 31 Nghị định 105/2017/NĐ-CP.

Theo Thông tư số 15/2020/TT-BTC cũng nêu rõ, không phải dán tem trên bao bì sản phẩm là rượu trong 3 trường hợp: Rượu sản xuất thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại rượu; rượu bán thành phẩm nhập khẩu quy định tại Điều 3 Nghị định 105/2017/NĐ-CP; rượu nhập khẩu quy định tại Điều 31 Nghị định 105/2017/NĐ-CP.

Về nguyên tắc dán, tem rượu được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc vị trí tương tự) đảm bảo khi mở nắp thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại. Trường hợp nhập khẩu thùng, téc lớn về chiết ra chai hoặc sản xuất rượu thành phẩm thì thùng, téc không phải dán tem.

Rượu nhập khẩu phải dán tem điện tử

Rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước phải dán tem theo quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Mỗi chai rượu được dán 1 con tem điện tử. Tem rượu được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc vị trí tương tự) đảm bảo khi mở nắp thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại.

Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã.

Yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm: Theo đó rượu đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.

Thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo quy định của Luật an toàn thực phẩm, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác liên quan.

Yêu cầu về dán tem và ghi nhãn hàng hóa rượu: Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu được sản xuất thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại.

Các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu

Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định tại Nghị định này.

Sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu.

Cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh rượu.

Trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động. Quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.

Theo VietQ.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây